Ký ức Trường Sa qua hồi ức của một lão tướng

Xã hội - Ngày đăng : 18:00, 07/01/2016

(BKTO) - Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - nguyên Cục phó CụcTác chiến (Bộ Quốc phòng) là một trong những người đầu tiên được giao nhiệm vụ tiếpquản Trường Sa. Là người tham gia đặt những viên đá đầu tiên lấp biển, dựng nhàchân cao (tiền thân của nhà giàn DK1 sau này) nên ký ức về những ngày gian khổ,hào hùng và thiêng liêng nơi đầu sóng của Tổ quốc trong ông đến nay vẫn vẹnnguyên. Đặc biệt, không khí đón Tết ở Trường Sa, qua hồi ức của vị lão tướng vẫnsống động, như vừa mới diễn ra.


Những ngày đầu tiếp quản Trường Sa

Ở tuổi ngoài 90, nhưng thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh vẫn khỏe và minh mẫn. Từ chuyện tham gia kháng chiến chống Pháp, trực chiến ở sở chỉ huy và trận địa phòng không trong kháng chiến chống Mỹ, đến cuộc chiến biên giới Tây Nam... ông vẫn đều nhớ rõ. Nhưng Trường Sa vẫn có một dấu ấn rất đặc biệt và sâu đậm đến độ, trong mỗi câu chuyện của ông đều phảng phất hơi thở của biển cả, của đảo xa và hình bóng những người lính Hải quân. Mọi người vẫn gọi ông - vị tướng của Trường Sa - cũng là bởi thế.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh (bên trái) trong một chuyến công tác ra đảo Sinh Tồn. Ảnh: TL

Ngược dòng thời gian, ông kể cho chúng tôi về Trường Sa của hơn 40 năm về trước, khi ông cùng cố Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương là những người đầu tiên được giao nhiệm vụ tiếp quản quần đảo. Nhớ lại tháng ngày đầu tiên tiếp nhận đảo, ông bảo, đời sống anh em chiến sỹ khó khăn lắm. Có thời gian 5 ngày liền không có nước uống, phải đi tìm rau, tảo ăn cho đỡ xót ruột. Trong khoảng 15 năm sau đó (1975 - 1990), với cương vị là chỉ huy phụ trách Trường Sa, ông tham gia đặt những viên đá đầu tiên lấp biển, làm nhà chân cao. Tất cả những kỷ niệm đó đều được ông ghi chép vào cuốn hồi ký riêng. Hỏi ông về ý tưởng xây nhà chân cao, ông bảo “làm thế để tránh được tai nạn và rủi ro đáng tiếc cho người lính tuần tra; đồng thời tăng cường khả năng kiểm soát tình hình trên biển”.

Ông kể: “Những năm 1970, điều kiện ở các đảo thuộc Trường Sa vẫn còn khó khăn lắm. Anh em đóng trên đảo bị cô lập, trông chờ hoàn toàn từ tiếp tế ở đất liền. Mỗi ngày, sẽ có 2 - 3 chiến sĩ lập thành nhóm làm nhiệm vụ quan sát đảo bằng một chiếc thuyền phao nhỏ, có dây nối từ đảo. Có lần, dây của chiếc thuyền phao bị đứt, lúc đó biển động cấp 7 - 8, trên đảo không có một tàu nào, cũng không ai bơi nổi trong thời tiết đó. Mọi người đành đau đớn nhìn những đồng đội của mình bị sóng cuốn đi. Lúc nghe tin báo, ban chỉ huy lập tức di chuyển từ Cam Ranh (Khánh Hòa) ra đảo. Sau 5 ngày tìm kiếm, 3 chiến sĩ bị sóng cuốn đã lần lượt được tìm thấy trong tình trạng mỏi mệt, đói khát. Lúc đó, mọi người nhìn nhau mà mừng phát khóc.

Sau sự việc đó, toàn đơn vị nhiều lần tổ chức họp để bàn giải pháp khắc phục tình trạng tuần tra như hiện tại, nhưng vẫn rối lắm. Có ý tưởng đề xuất xây nhà chân cao. Nhưng điều kiện lúc đó chưa cho phép nên ý tưởng đành gác lại. Phải đến sau sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988, Ban chỉ huy quyết định phải dốc toàn lực khắc phục khó khăn, xây nhà chân cao để củng cố khả năng kiểm soát. Nhà được xây dựng trên địa hình nửa nổi nửa chìm ở các đảo san hô; sau đó mới là nhà kiên cố và nhà giàn DK1 được xây dựng sau này”.

Âm vang Trường Sa

Trong tâm tưởng của vị lão tướng, những ký ức về Trường Sa được hiện lên sinh động, vẹn nguyên. Từ chuyện xây nhà giàn, cho đến những vất vả của người lính Hải quân làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển, đảo của Tổ quốc... Hỏi về nỗi cơ cực của những người lính Hải quân trên các nhà giàn, ông bảo: “Khó có ngôn từ nào so sánh được. Những người lính Hải quân bám trụ trên biển suốt 12 tháng, thậm chí phải ở hơn 20 tháng mới được vào đất liền. Sống giữa biển, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề, nhưng với tình yêu Tổ quốc và biển đảo, các chiến sỹ đã vượt qua mọi trở ngại, sống một cuộc sống lạc quan, yêu đời nơi đầu sóng”.

Rồi giọng ông trùng xuống: “Dịp Tết thiêng liêng, ý nghĩa là vậy, nhưng người lính nơi đây cũng không được tận hưởng trọn vẹn; phải sống xa gia đình, người thân, không biết hương vị Tết quen thuộc”. Sống lại ký ức về cái Tết đầu tiên tại Trường Sa, ông kể: “Lúc đó, anh em phải tận dụng thêm lá cây bàng để gói bánh chưng, bên trong là lá dong cho xanh bánh, bên ngoài là lá bàng để tiết kiệm. Thế mới biết quân ta đánh giặc rất giỏi mà làm việc nhà cũng rất năng động, tuy thiếu thốn nhưng vui lắm! Giờ già rồi, không đủ sức khỏe để đi, nhưng trong tâm trí, tôi vẫn luôn mong ước một lần được trở lại Trường Sa”.

Ông cho biết, trước đây, mỗi dịp gần Tết, ông thường ra đảo để động viên và mang quà cho các chiến sỹ. “Theo lệ thường, tất cả hàng Tết cho Trường Sa đều phải đưa ra trong tháng Chạp gồm đậu xanh, lá dong, gạo nếp... Tôi nhớ mãi một lần, hàng vừa lên đảo, trước mặt tất cả các chỉ huy, anh em đơn vị, một cậu lính trẻ cầm quả chanh ăn ngon lành, hồn nhiên. Thế mới thấy, anh em ngoài đảo thèm những thứ giản dị lắm. Thiếu thốn đủ thứ, anh em vẫn tận dụng lá của cây bàng vuông để gói bánh chưng. Quả bàng vuông to bằng mũ cối, là sản phẩm đặc biệt chỉ có ở Trường Sa” - tướng Ninh kể.

Khi được hỏi về ấn tượng sâu đậm với Trường Sa, ông cho biết, ngày xưa thèm lắm một tiếng chuông chùa trên đảo. Đến nay, mong ước đó đã trở thành hiện thực. Nhiều đảo ở Trường Sa đã có người dân sinh sống, có tiếng chuông chùa.

Trong câu chuyện của ông, ký ức về Trường Sa, với ông có một vị trí đặc biệt và vẫn luôn vang vọng qua thời gian. Trường Sa với ông giống như quê hương thứ hai mà khi còn khỏe, ông vẫn tìm về để tri ân.

NGUYỄN LỘC