Hà Nội đề nghị Kiểm toán Nhà nước lưu ý một số nội dung trong hoạt động kiểm toán thu ngân sách

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:25, 03/06/2019

(BKTO) - Công tác kiểm toán thu ngân sách của KTNN có vai trò quan trọng đối với quản lý NSNN nói chung và công tác thu NSNN trên địa bàn Hà Nội nói riêng; góp phần làm minh bạch và lành mạnh các thông tin, các quan hệ kinh tế, tài chính. Qua hoạt động kiểm toán thu NSNN, KTNN đã cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho UBND TP. Hà Nội sử dụng trong quá trình quản lý, chỉ đạo công tác thu trên địa bàn.


         
   
Ông Nguyễn Đức ChungChủ tịch UBND TP. Hà Nội
   
Trên thực tế, công tác quản lý thu tại TP. Hà Nội có phạm vi rộng, đối tượng chịu tác động nhiều nên hoạt động kiểm toán thu NSNN đối với địa phương cũng có những đặc điểm riêng. Để nâng cao hiệu quả cũng như phát huy đầy đủ vai trò của KTNN trong công tác này, UBND TP. Hà Nội đề nghị KTNN lưu ý một số nội dung:

Thứ nhất, cần lưu ý hệ thống các quy định của địa phương

Hiện tại, cơ quan thuế địa phương (gồm Cục Thuế Hà Nội và các chi cục thuế trực thuộc) được tổ chức tập trung, thống nhất theo hệ thống ngành dọc trực thuộc Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, khi thực hiện chức năng tại một địa phương cụ thể, cơ quan này lại chịu sự phối hợp chỉ đạo, quản lý nhà nước của cấp chính quyền địa phương tương ứng. Mặt khác, quản lý thuế là một bộ phận của công tác quản lý NSNN, nhiều nội dung quản lý do cơ quan thuế thực hiện chỉ là một khâu trong quy trình. Chẳng hạn, công tác quản lý thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... liên quan hoạt động của Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường... Do vậy, ngoài các quy trình, quy định về tổ chức quản lý thu thuế, việc đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ còn phải lưu ý hệ thống các quy định của địa phương.

Thứ hai, cần xác định những đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán thu ngân sách

Trong hoạt động kiểm toán thu ngân sách tại địa phương, đối tượng kiểm toán là công tác điều hành, quản lý của cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Thế nhưng, nguồn thu ngân sách phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh là của DN, cá nhân kinh doanh. Theo phương thức quản lý thu nộp thuế được quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành, đối tượng nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm về số liệu, nội dung kê khai và tuân thủ quy định của Luật Quản lý thuế. Do đó, khi tổ chức kiểm toán, ngoài đối tượng kiểm toán, KTNN cần xác định những đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán thu ngân sách, cũng chính là các đối tượng nộp thuế. Vì phạm vi kiểm toán khá rộng, KTNN cần phải chú trọng về xác định trọng yếu, rủi ro kiểm toán, phương pháp kiểm toán phù hợp với giới hạn về thời gian, nhân sự cụ thể của một cuộc kiểm toán ngân sách địa phương.

Thứ ba, thực hiện việc kiểm toán ngay từ khâu lập dự toán NSNN

Quy trình kiểm toán này là nhằm nhắc nhở, cảnh báo các cơ quan thuế, tài chính, UBND các địa phương; đánh giá những kịch bản hoặc dự báo tình hình có thể xảy ra trong trung và dài hạn liên quan đến các chu kỳ phát triển của nền kinh tế. Tham gia ý kiến ngay từ quá trình UBND các cấp thảo luận xây dựng dự toán NSNN. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán thu NSNN với mục tiêu xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực về lập và trình bày báo cáo nhằm phản ánh chính xác hơn hiệu quả và tình hình tài chính của địa phương. Tăng cường năng lực của KTNN trong việc áp dụng thực hiện chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Thứ tư, cần đổi mới phương pháp thu thập và xử lý thông tin trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán thu ngân sách

Lĩnh vực thuế có phạm vi, đối tượng liên quan trực tiếp và gián tiếp rất rộng, vì vậy cần nghiên cứu tiếp tục đổi mới phương pháp thu thập và xử lý thông tin trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán thu NSNN, trong đó lựa chọn số lượng, đối tượng kiểm toán dựa trên nguyên tắc các đối tượng kiểm toán phải đại diện cho tổng thể. Cần nghiên cứu, hướng dẫn các phương pháp thu thập và xử lý thông tin trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán thuế theo từng chuyên đề chuyên sâu, tránh dàn trải, nhằm đánh giá chuyên sâu theo từng sắc thuế.

Thứ năm, tăng cường kiểm toán đánh giá sự tuân thủ pháp luật và hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động tổ chức thu thuế

Tập trung phân tích, đánh giá những bất cập trong công tác quản lý thu thuế, nhất là việc ban hành các văn bản liên quan đến công tác thu; phân tích, làm rõ được nguyên nhân của các hạn chế trong công tác quản lý điều hành, làm tăng chất lượng các ý kiến tư vấn, kiến nghị hoàn thiện công tác quản lý thu thuế.

Kiểm toán thu NSNN cần đánh giá sự tuân thủ luật pháp trên tất cả các chức năng của quản lý thuế, từ đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế... Đồng thời, cần đi sâu vào loại hình kiểm toán hoạt động để đánh giá tác động của các sắc thuế đến đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng và tác động của từng sắc thuế đến tăng trưởng và phát triển bền vững của địa phương. Kết luận kiểm toán thuế cần có đánh giá về bản thân chính sách thuế và các quy định pháp lý về quản lý thuế, về thủ tục, trình tự kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế. Ý kiến kiểm toán cần nêu rõ sự hợp lý, chưa hợp lý về tính công bằng, công khai của các sắc thuế, về đối tượng chịu thuế và nộp thuế, thời gian áp dụng, thời hiệu có hiệu lực, căn cứ chịu thuế, mức thuế, thuế suất...

Thứ sáu, KTNN cần có văn bản quy định rõ nội dung, phạm vi, quyền hạn khi thực hiện việc đối chiếu thuế với các đối tượng nộp thuế.

Do chưa có quy định cụ thể nhiệm vụ cũng như thẩm quyền kiểm toán nghĩa vụ nộp NSNN của các tổ chức, DN thuộc mọi thành phần kinh tế, việc kiểm toán thuế chủ yếu mới chỉ thực hiện tại các DNNN, cơ quan quản lý thu, trong khi đó, đối tượng nộp thuế lại rất rộng, bao gồm cả DNNN, DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác xã, hộ cá thể kinh doanh... Vì vậy, các kiến nghị trực tiếp đối với người nộp thuế chưa nhiều, chưa tương xứng với yêu cầu ngày càng cao khi cơ chế quản lý thuế chuyển sang tự kê khai, tự nộp thuế.

NGUYỄN ĐỨC CHUNG
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30-5-2019