Hiến kế đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam

Đầu tư - Ngày đăng : 10:20, 25/02/2016

(BKTO) - Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thươngtổ chức “Tọa đàm về thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam” với sự tham gia củanhiều Tham tán thương mại, đại diện hiệp hội ngành hàng. Đây là dịp để cácchuyên gia cùng hiến kế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới.



Vượt qua các rào cản thương mại ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu đang là thách thức không nhỏ đối với nông sản Việt Nam.Ảnh: TS

Xuất khẩu nông sản đóng vai trò quan trọng

Theo số liệu thống kê, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản Việt Nam đạt 30,45 tỷ USD, tăng 0,2% so với năm 2014. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính chỉ đạt 14,04 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2014, giảm mạnh nhất ở các mặt hàng như cà phê (24,8%), cao su (13,9%), chè (6,6%) và gạo (4,5%). Giá trị xuất khẩu thủy sản cũng chỉ đạt 6,57 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2014, giảm mạnh nhất ở 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc với mức giảm lần lượt là 23,4%, 13,4% và 12,2%. Dù xuất khẩu có dấu hiệu suy giảm trong năm 2015, song xét cả giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn đạt 3,13%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra (từ 2,6 - 3%). Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 140,6 tỷ USD, bình quân tăng 9%/năm. So với năm 2010, tổng kim ngạch đã tăng từ 19,5 tỷ USD lên 30,38 tỷ USD năm 2014 và 30,45 tỷ USD năm 2015.

Từ những kết quả trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra chỉ tiêu cụ thể cho kế hoạch năm 2016 và 5 năm 2016-2020 là: tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản năm 2016 là 3% và kế hoạch 2016-2020 từ 2,5 - 3%; xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2016 đạt 31 tỷ USD, phấn đấu năm 2020 đạt 39 - 40 tỷ USD…

Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu đặt ra của ngành nông nghiệp như trên hoàn toàn có khả năng thực hiện được. Bởi ngay từ năm 2016, việc nhiều Hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực sẽ tạo ra những cơ hội tốt hơn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất lúc này là các mặt hàng của ta phải vượt qua được các rào cản thương mại ngày càng khắt khe từ các nước nhập khẩu.

Tiềm năng lớn nhưng thách thức không nhỏ

Ông Đào Trần Nhân - Tham tán thương mại tại Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhưng cũng là thị trường có các hàng rào thương mại, chống phá giá, trợ cấp… khó khăn nhất. Hiện Hoa Kỳ đang thành lập Tổ công tác liên ngành do Tổng thống Hoa Kỳ trực tiếp đứng đầu để chống lại nạn đánh bắt hải sản bất hợp pháp. “Việc này nghe có vẻ chỉ liên quan tới hải sản đánh bắt, nhưng Hoa Kỳ mở rộng sang truy xuất nguồn gốc đối với cả hải sản nuôi trồng. Cụ thể, với một đĩa tôm, cá đưa lên bàn phải có mã vạch, chỉ cần nhắn tin là biết được xuất xứ từ tỉnh nào, huyện nào. Đây là vấn đề rất khó khăn và tốn kém, thực chất là hàng rào trá hình. Hiện Tham tán đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Việt Nam để can thiệp” - ông Nhân cho biết.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại tại Australia cho biết, Australia là thị trường rất tiềm năng nhưng lại có quy định về an toàn thực phẩm rất ngặt nghèo để bảo hộ nền nông nghiệp của họ. Để phát triển được tại thị trường này, các sản phẩm trái cây Việt Nam phải giải được bài toán về giá cả và chất lượng. Như trái vải, ở Thái Lan chi phí cho chiếu xạ chỉ có 0,3 USD/kg; trong khi ở Việt Nam lại từ 0,5-0,8 USD/kg. Chi phí vận chuyển hàng không ở Thái Lan cũng chỉ 1,6 USD/kg, nhưng ở Việt Nam lại 2,6 USD/kg. Do đó, cần xem xét đầu tư khâu đóng gói, kho lạnh, chiếu xạ… gắn với vùng nguyên liệu.

Ở một khía cạnh khác, theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Ai Cập Phạm Thế Cường, Ai Cập là thị trường có nhiều cơ hội kinh doanh đối với nông thủy sản. Nhiều hàng hóa nông thủy sản Ai Cập không trồng lại là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như tiêu, điều, cá tra... Tuy nhiên, gần như không có đoàn xúc tiến thương mại nào sang thị trường này. Các Tham tán phải làm ngược trở lại là giới thiệu với các DN Ai Cập về Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin thêm, bên cạnh việc dựng lên các rào cản thương mại, ở hầu hết các thị trường hiện nay, thủy sản Việt Nam còn bị tác động do truyền thông nước sở tại bôi nhọ. Giống như 4 năm trước ở Italia, họ bôi nhọ sản phẩm cá tra của Việt Nam liên quan tới chất dioxin từ trong chiến tranh, dẫn tới người tiêu dùng ở tại thị trường này đã ngừng sử dụng sản phẩm của ta. Đây là vấn đề cần sự phối hợp của các cơ quan để tìm cách giải quyết.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Công thương và các Tham tán, tùy viên thương mại đã hỗ trợ ngành nông nghiệp giải quyết nhiều vướng mắc kỹ thuật trong xuất khẩu. Nhờ đó, vừa qua, nước ta đã hoàn tất đàm phán đưa vú sữa, xoài sang Mỹ; vải, thanh long ruột trắng sang Nhật Bản; thanh long sang Đài Loan… Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn, trong thời gian tới, các Tham tán thương mại tiếp tục cung cấp thông tin kịp thời, dự báo thị trường, cảnh báo các quy định về rào cản; phối hợp giải quyết các vướng mắc, tranh chấp thương mại, góp phần hỗ trợ DN trong nước đẩy mạnh xuất khẩu.


THANH TÙNG