Cần kiểm soát lạm phát, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

Đối nội - Ngày đăng : 15:05, 11/06/2019

(BKTO) - Bức tranh tổng thể kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2019 có gam màu sáng là chủ đạo, tuy nhiên vẫn đan xen những điểm chưa tích cực. Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2019, một số chuyên gia nghiên cứu đã đề xuất, khuyến nghị nhiều giải pháp đối với các cơ quan quản lý.


Yếu tố tích cực, chưa tích cực đan xen

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, 5 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp khó khăn. Dịch tả lợn châu Phi diễn biến khá phức tạp, tiếp tục lây lan trên diện rộng. Sản lượng lúa đông xuân giảm 45.000 tấn so với vụ đông xuân năm trước. Xuất khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản bị giảm về lượng hoặc về giá trị.

Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2016, 2017. Chỉ số sản xuất công nghiệp của 59/63 tỉnh, thành tăng so với cùng kỳ, trong đó, Thanh Hóa dẫn đầu với mức tăng 44,8% do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất từ giữa năm 2018.

Làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế. 5 tháng đầu năm có gần 54.000 DN đăng ký thành lập mới - đạt cao nhất 5 năm qua. Nếu tính chung cả 19.600 DN quay trở lại hoạt động (tăng 48,1% so với cùng kỳ năm 2018) thì tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động là hơn 73.600 DN.

Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình thực hiện vốn đầu tư từ NSNN chưa cải thiện nhiều, đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2016-2019. Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 99.500 tỷ đồng, bằng 28,9% kế hoạch năm và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 27,4% và tăng 9,3%). Trong khi đó, vốn FDI tiếp tục khởi sắc với mức kỷ lục về cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới (5 tháng có 1.363 dự án cấp mới) với tổng vốn đăng ký đạt 6,5 tỷ USD, cao nhất 3 năm qua.

Về thu NSNN ước đạt 553.500 tỷ đồng, bằng 39,2% dự toán năm. Chi NSNN ước đạt 486.900 tỷ đồng, tập trung đảm bảo chi trả nợ, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Hoạt động thương mại dịch vụ được đánh giá tăng trưởng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,02 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 19% và 17,5% của 5 tháng đầu năm 2017 và 2018.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2018…

Kim ngạch nhập khẩu đạt 101,28 tỷ USD, tăng 10,3%, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,61 tỷ USD, tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,67 tỷ USD, tăng 6,9%. Xét về cán cân thương mại, Việt Nam nhập siêu khoảng 548 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu tới 2,6 tỷ USD. Cụ thể, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,28 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,73 tỷ USD.

Nhìn chung, đầu tư nhà nước đang dần được thu hẹp cùng với quá trình tái cơ cấu DNNN từ năm 2015. Khu vực tư nhân và FDI được dự báo sẽ dần lấn át Nhà nước trên bình diện đầu tư - “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019” nêu nhận định của các chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách.

Triển vọng kinh tế 2019

Theo PGS,TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, ngay trong những tháng đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam đã tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do động lực từ bên trong và bên ngoài thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế đang yếu dần.

Trong bối cảnh đó, Viện dự báo hai kịch bản tăng trưởng. Trong kịch bản thứ nhất, tăng trưởng của nền kinh tế dự báo đạt mức thấp 6,56%, xấp xỉ mục tiêu của Quốc hội đề ra. Kịch bản này có thể xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi. Kịch bản thứ hai khả thi hơn với mức 6,81% - đạt mục tiêu của Quốc hội - nhờ dư địa động lực tăng trưởng của 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện với mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ… Lạm phát cả năm 2019 được dự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4 - 5% nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài. Các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như điều chỉnh tăng giá xăng dầu đã được thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ gây áp lực lớn gia tăng lạm phát. Để kiềm chế lạm phát, các cơ quan điều hành sẽ cần phải tiếp tục theo sát diễn biến giá cả trong nửa sau của năm.

PGS,TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, lãi suất gần như không có cơ hội giảm trong năm 2019 do áp lực tỷ giá và lạm phát cùng với các quy định nâng cao tính an toàn của hệ thống ngân hàng, điều này đồng nghĩa với việc sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng cao hơn. Do đó, Chính phủ và các Bộ, ngành cần tiếp tục đặt trọng tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa; đón đầu sự chuyển dịch của dòng vồn FDI vào Việt Nam do những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung...

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 06-6-2019