Cân đối ngân sách nhà nước thặng dư gần 78.000 tỷ đồng
Đối nội - Ngày đăng : 15:10, 11/06/2019
(BKTO) - Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng và khối DN trong nước phát triển khá đã tạo nguồn để tổng thu NSNN 5 tháng đầu năm nay đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây. Lần đầu tiên, thu ngân sách đạt kết quả toàn diện với thu nội địa, thu thuế xuất nhập khẩu, dầu thô, thu ngân sách T.Ư đều vượt kế hoạch và bội thu tới 78.000 tỷ đồng.
Việc ngân sách có thặng dư trong 3 tháng liên tiếp vừa qua là tiền đề quan trọng để tổng thu ngân sách năm nay có thể tiếp tục vượt dự toán sau 3 năm liên tiếp hụt thu và tạo nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thu ngân sách đạt kết quảtoàn diện
Theo Bộ Tài chính, lũy kế thu cân đối NSNN 5 tháng đầu năm 2019 đạt 628.100 tỷ đồng, bằng 44,5% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, luỹ kế thu nội địa 5 tháng đạt 506.900 tỷ đồng, bằng 43,2% dự toán, tăng 13% so cùng kỳ năm 2018. 5 tháng qua, cả nước có 52/63 địa phương thu nội nội địa đạt kế hoạch dự toán.
Chiếm 1/5 tổng thu NSNN, tổng thu 5 tháng đầu năm của Cục Thuế TP. Hà Nội đạt gần 42% dự toán pháp lệnh. Hầu hết các chỉ tiêu thu ngân sách của TP. Hà Nội đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018, đặc biệt thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đã tăng trưởng tới hơn 80% so với cùng kỳ. Ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội - cho rằng: Vấn đề cốt lõi của công tác thu ngân sách là sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh. Có được kết quả thu như 5 tháng qua là do Chính phủ và Thành phố đã điều hành kinh tế vĩ mô đúng hướng và có hiệu quả.
Cùng với thu nội địa, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước tăng khiến số thu thuế xuất, nhập khẩu tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ các năm trước và chưa năm nào mới chỉ qua 5 tháng đã đạt gần 50% dự toán. Việc tăng cường thanh tra, đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả và điện tử hóa các thủ tục hải quan cũng tác động tích cực đến số thu thuế xuất nhập khẩu. Ông Lưu Mạnh Tưởng - Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan - cho biết: Cơ quan hải quan đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã tác động tích cực đến số thu NSNN. Năm 2019, ngành hải quan đã mở rộng ngân hàng để phối hợp thu thuế và số thu qua ngân hàng đã chiếm trên 90%. Đặc biệt từ ngày 01/4/2019, cơ quan hải quan đã không thu bằng tiền mặt đối với các tổ chức đã có mã số thuế. Nhờ đó, lũy kế thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5 tháng ước đạt 97.000 tỷ đồng, bằng 51,3% dự toán, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Tiến độ chi NSNN thấp hơntiến độ thu
Cùng với việc thực hiện có hiệu quả công tác thu ngân sách, các nhiệm vụ chi NSNN cũng được đảm bảo chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng tốt các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, luỹ kế tổng chi NSNN 5 tháng đạt 550.200 tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 94.100 tỷ đồng, bằng 21,9% dự toán, xấp xỉ mức thực hiện năm 2018; chi trả nợ lãi đạt 51.560 tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán, tăng 1,7%; chi thường xuyên đạt 401.600 tỷ đồng, bằng 40,2% dự toán, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Do tiến độ chi NSNN thấp hơn tiến độ thu ngân sách nên cân đối NSNN 5 tháng đầu năm 2019 thặng dư gần 78.000 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, thu cân đối ngân sách có thặng dư.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Đến ngày 23/5/2019, cả nước đã phát hành được 98.300 tỷ đồng trái phiếu chính phủ với kỳ hạn bình quân là 12,75 năm, lãi suất bình quân là 4,94%/năm.
Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính - cho biết thêm: Đến ngày 31/5/2019, tiến độ thu của 3 khu vực DNNN, DN FDI và DN ngoài quốc doanh đạt 41,1% dự toán, xấp xỉ tiến độ bình quân của các khoản thu nội địa (43,2%). Điều này cho thấy, việc xây dựng dự toán của cơ quan quản lý đã khá phù hợp với thực tế. Đồng thời, Bộ Tài chính đã quản lý điều hành ngân quỹ của Nhà nước rất chặt chẽ và đảm bảo tiến độ kỳ phát hành trái phiếu chính phủ, đảm bảo tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản và tiến độ trả nợ gốc theo kế hoạch. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo xử lý dòng tiền của ngân quỹ, đảm bảo cho Ngân hàng Nhà nước có lượng tiền nhất định để ổn định thị trường tiền tệ và góp phần cùng Bộ Tài chính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 06-6-2019