Ưu đãi Doanh Nghiệp trong đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN, KCX tại TP. HCM: Kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước thêm 1.600 tỷ đồng

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:30, 11/06/2019

(BKTO) - Ghi nhận những kết quả đạt được trong đầu tư, xây dựng khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên địa bàn TP. HCM, song qua kiểm toán, KTNN cũng chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất, quản lý đầu tư cũng như việc tuân thủ pháp luật về ưu đãi đầu tư và việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN tại các KCN, KCX. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN xác định các khoản thu nộp vào NSNN tăng thêm 1.638 tỷ đồng (số liệu trong bài được làm tròn).


Những vấn đề đặt ravề quy hoạch

Kết quả kiểm toán cho thấy công tác lập, thực hiện và định hướng quy hoạch còn một số bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển; một số KCN được lập nhưng vị trí không thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giữa bên trong và bên ngoài KCN, hệ thống giao thông kết nối đến các KCN, KCX chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; các KCN, KCX có quy mô nhỏ, phân tán rải rác tại các quận, huyện, chưa tạo sự kết nối về hạ tầng; các KCN chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa liên kết giữa các DN trong KCN để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng. Từ đó ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, một số KCN, KCX đến nay vẫn chưa thực hiện được theo kế hoạch, dẫn đến quy hoạch treo, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực dự án.

UBND TP. HCM ban hành các Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khi chưa tiến hành lấy ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt, vi phạm quy định của Chính phủ... Việc quyết định chấp thuận điều chỉnh quy hoạch sau khi các chủ đầu tư đã triển khai đầu tư là hợp thức hóa cho các vi phạm về quy hoạch và không đúng thẩm quyền; không phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng phê duyệt. Bên cạnh đó, KCX Linh Trung 1 và KCX Linh Trung 2 đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất chưa đảm bảo tỷ lệ loại đất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Trong việc thực hiện quy hoạch, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm, làm chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư KCN, KCX. Các công ty đầu tư hạ tầng KCN chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh theo quy hoạch được phê duyệt mà chỉ tiến hành đầu tư từng hạng mục để cho thuê. Hiện trạng sử dụng đất tại một số KCN không phù hợp quy hoạch được phê duyệt.

Một bất cập khác cũng được KTNN chỉ ra, đó là Sở Tài nguyên và Môi trường chậm ký hợp đồng cho các DN thuê đất, thời gian hợp đồng cho thuê đất không phù hợp với thời gian sử dụng đất được duyệt; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời gian sử dụng đất không phù hợp với Quyết định cho thuê đất. Bên cạnh đó, việc UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương cho thuê lại đất để đầu tư KCX Linh Trung 2 là không phù hợp quy định của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất.

         
Tại KCN Vĩnh Lộc, còn có DN xây dựng nhà máy ngoài ranh giới giao đất, lấn vào đất giao thông; DN xây dựng khu xử lý nước thải trên diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh nhưng Ban quản lý KCN vẫn cho phép xây dựng. Các vi phạm này tồn tại trong thời gian dài và đã được điều chỉnh lại quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 của KCN Vĩnh Lộc cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất tại KCN để hợp thức
   
Đối với công tác quản lý đầu tư, một số trường hợp DN hoạt động ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, lĩnh vực ngành nghề không phù hợp với lĩnh vực ngành nghề đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào KCN. Các trường hợp vi phạm tại KCN Cát Lái chưa được ban quản lý các KCN, KCX kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời mà đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận hoạt động trong KCN, nhằm hợp thức hóa các lĩnh vực ngành nghề hoạt động trong KCN. Nhiều trường hợp đã ký hợp đồng thuê đất nhưng chưa triển khai thực hiện dự án, chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ đã giao kết trong hợp đồng; 22 DN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc cấp phép đầu tư không phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư cho chi nhánh Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân tại KCN Hiệp Phước được hưởng ưu đãi như cơ sở kinh doanh mới thành lập là không đúng quy định pháp luật về chính sách ưu đãi đầu tư vào KCN, KCX. Ban quản lý các KCN, KCX chấp thuận điều chỉnh tiến độ dự án theo yêu cầu của Công ty Cổ phần (CP) KCN Hiệp Phước, kéo dài thời gian thực hiện dự án từ 6 - 9 năm là chưa hợp lý, làm chậm tiến độ khai thác quỹ đất tại KCN và ảnh hưởng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KCN trên địa bàn Thành phố.
Về công tác cấp phép xây dựng đối với dự án đầu tư trong KCN, KCX, đến thời điểm kiểm toán, có 145 DN đã xây dựng xong nhà xưởng và đi vào hoạt động kinh doanh; 3 DN đang xây dựng nhưng chưa được ban quản lý cấp phép xây dựng. Theo KTNN, ban quản lý các KCN, KCX và công ty kinh doanh hạ tầng chưa có cơ chế phối hợp về quản lý trật tự xây dựng. Ban quản lý các KCN, KCX cũng thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát về trật tự xây dựng dẫn đến việc xây dựng nhà xưởng không tuân thủ quy hoạch, không có Giấy phép xây dựng nhưng chưa được phát hiện, xử lý.

Những bất cập trong kê khai, thu nộp nghĩa vụ NSNN

Đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật về ưu đãi đầu tư và thực hiện nghĩa vụ với NSNN, qua kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND TP. HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng, các DN liên quan hoàn thiện thủ tục và thu nộp vào NSNN - các khoản do KTNN xác định tăng thêm - hơn 1.638 tỷ đồng, gồm: các khoản thuế phải nộp 149 tỷ đồng; tiền thuê đất, sử dụng đất (tiền thuê đất là 1.296 tỷ đồng; tiền sử dụng đất là 190 tỷ đồng); tiền chậm nộp 3,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do: DN chưa kê khai, đơn vị chức năng chưa xác định tiền thuê đất phải nộp NSNN đối với đất đã cho thuê lại thu tiền một lần trước ngày 01/7/2014 theo quy định; DN chưa kê khai, chưa được tổ chức thu nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích từ đất công cộng sang đất xây dựng công trình xây dựng công nghiệp (KCN Linh Trung 2). Đồng thời, do đơn vị chức năng xác định tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ chưa loại trừ số tiền DN đã kết chuyển vào chi phí; DN kê khai, cơ quan thuế quyết định thời gian miễn tiền thuê đất chưa phù hợp; chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất theo giá đất nông nghiệp không phù hợp với mục đích sử dụng đất; đơn vị chức năng chưa thực hiện thu nộp do chậm đưa đất vào sử dụng.

KTNN cũng chỉ rõ, do chưa có cơ chế quy định trách nhiệm cụ thể của ban quản lý KCN, KCX trong việc thu, quản lý, sử dụng phí tiện ích công cộng, phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng cũng như tài sản hình thành từ nguồn phí này, dẫn đến việc thu phí tiện ích công cộng không đồng bộ, thống nhất giữa các KCN (đến thời điểm kiểm toán chỉ có 3/15 DN kinh doanh hạ tầng thực hiện thu phí tiện ích công cộng). Các DN quản lý nguồn phí tiện ích công cộng, phí duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đang cho các DN đầu tư hạ tầng thành lập, kinh doanh, trong khi nguồn hình thành tài sản thuộc đối tượng phải xác lập tài sản nhà nước. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế xử lý phù hợp nên ban quản lý KCN, KCX không quản lý, theo dõi thu, chi, tồn quỹ và không thống kê được tài sản hình thành từ nguồn phí các DN này. Các DN cũng chưa kê khai Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh sử dụng nguồn phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng và phí tiện ích công cộng.

Ngoài ra, Công ty CP Hòa Phú và Tổng công ty Bến Thành có dấu hiệu kê khai giá vốn chưa đúng, tiềm ẩn việc kê khai sai nghĩa vụ với NSNN nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán, DN chưa cung cấp được hồ sơ làm rõ nên KTNN kiến nghị cơ quan thuế thanh tra xác định lại.

Đánh giá về hiệu quả của các KCN, KCX, KTNN cho rằng, hiệu quả đầu tư còn hạn chế, do chất lượng công tác quy hoạch chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển; các KCN, KCX có quy mô nhỏ, nằm rải rác, chưa tạo sự kết nối về hạ tầng; các KCN cũng chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa liên kết giữa các DN trong KCN để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng. DN đầu tư chủ yếu là các dự án đầu tư có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn hạn chế.
         
Tại TP. HCM, từ khi thành lập KCX Tân Thuận năm 1991, KCX Linh Trung năm 1992 cho đến nay đã có 19 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích 4.546 ha. Trong đó, 12 KCN, KCX với diện tích gần 1.900 ha đã cơ bản hoàn thành đầu tư và cho thuê lại đất; 5 KCN và 1 khu mở rộng với diện tích 1.892 ha đang đầu tư hạ tầng, cho thuê lại.
   Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng của các DN có vốn nước ngoài là 145 triệu USD, của các DN trong nước là 12.887 tỷ đồng. Hiện có 1.525 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại các KCX, KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9,94 tỷ USD, trong đó: Dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 560 dự án, vốn đầu tư đăng ký là 5,68 tỷ USD; dự án có vốn đầu tư trong nước là 965 dự án, vốn đầu tư đăng ký là 4,26 tỷ USD. Việc hình thành các KCN, KCX có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cùng với sự đa dạng về ngành nghề, quy mô và trình độ công nghệ của nhà đầu tư đã giải quyết việc làm cho khoảng 290.785 lao động; thu hút công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý tiên tiến… Mặt khác, quá trình hình thành phát triển các KCN, KCX còn giúp cải tạo cảnh quan đô thị, đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ người lao động và dân cư địa phương…

KIM AN
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 06-6-2019