Hệ thống cảng biển Việt Nam: Nhiều tiềm năng nhưng chưa phát huy được lợi thế

Đầu tư - Ngày đăng : 15:40, 11/06/2019

(BKTO) - Việt Nam có 29/63 tỉnh, thành phố ven biển, con đường vận tải trên biển Đông với mật độ đứng thứ 2 thế giới. Vì vậy, vai trò của vận tải biển cũng như hệ thống cảng biển của Việt Nam trong phát triển kinh tế là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, để phát triển cảng biển và kinh tế biển xứng tầm với tiềm năng, cần sớm tháo gỡ những nút thắt, nhất là kết cấu hạ tầng kết nối cảng biển.


Thiếu sự kết nối hạ tầng

Việt Nam là quốc gia có vùng biển rộng lớn với diện tích trên 1 triệu km2, đường bờ biển dài trên 3.200 km và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ nằm trải dọc theo chiều dài đất nước; cùng với 45 cảng biển, một số cảng cạn (IDC) và trung tâm logistics. Hằng năm, hệ thống cảng biển Việt Nam thông quan đến 90% lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu… Tuy nhiên, thực tế, trong số các cảng biển này, mới chỉ có một số ít được đầu tư đúng nghĩa, phần còn lại mang tính chất bến nhiều hơn cảng, chưa có hạ tầng đạt chuẩn, đặc biệt là không có hạ tầng kết nối dẫn đến không khai thác được hết tiềm năng. Mặc dù các vùng kinh tế trọng điểm đều nằm dọc biển nhưng chức năng của mỗi vùng chưa được xác định để phát triển hệ thống cảng biển phù hợp. Một số vùng có điều kiện tự nhiên để phát triển cảng biển nhưng hậu phương công nghiệp lại rất mỏng. Ví dụ, miền Trung có những địa phương xuất khẩu chủ yếu là dăm gỗ, việc phát triển cảng biển hàng hóa gây lãng phí công suất, bởi những cảng biển chỉ khai thác 20 - 30% công suất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định, số lượng cảng đúng nghĩa là cảng biển rất ít. Nói đúng hơn, Việt Nam đang có nhiều bến hơn nhiều cảng, một số địa phương có bến nhưng hạ tầng phía sau lại bỏ ngỏ, việc xây dựng mạng lưới kết nối cảng biển cũng chưa được như kỳ vọng. Trong phát triển hệ thống cảng biển, hiện nay, Việt Nam quá tập trung vốn đầu tư vào các bến, mà chưa chú trọng vào sân bãi, logistic cũng như hạ tầng kết nối của các cảng.

Bên cạnh đó, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, tình trạng các địa phương đều muốn xây dựng cảng biển trên cơ sở tính toán lợi ích cục bộ đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Sự cạnh tranh không chỉ xuất hiện giữa hai địa phương đều có cảng biển mà còn diễn ra giữa các cảng ngay trong thành phố. Điều này đã kéo giá dịch vụ bốc xếp chênh nhau 30 - 50%. Mặt trái của cạnh tranh là các cảng đều suy yếu, lãng phí nguồn lực đầu tư. Hạn chế này đã thể hiện tầm nhìn còn hạn hẹp trong việc phát triển hạ tầng cảng biển, dẫn đến lãng phí nguồn lực.

Cần thay đổi tư duy đầu tư cảng biển

Để tháo gỡ những nút thắt trên, góp phần phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam xứng tầm với tiềm năng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, phải giải tỏa được ách tắc ở 2 vùng kinh tế trọng điểm tại hai đầu đất nước. Đây là cơ hội phát triển ngành cảng biển, cũng là điểm nghẽn cần tháo gỡ cho nền kinh tế. Nguyên nhân gây ách tắc trước hết do cơ sở hạ tầng cảng biển thiếu sự kết nối. Đơn cử, vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh về công nghiệp nhưng đường xuống cảng không có, chỉ phụ thuộc vào Quốc lộ 51.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu cho rằng, Việt Nam đủ tiềm năng để trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển. Tuy nhiên, để phát triển cảng biển, cần có liên kết ngành, liên kết vùng.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Lê Công Minh, muốn phát triển hệ thống cảng biển, việc đầu tiên là cần rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch dài hạn phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng cảng biển, sân bay, hệ thống IDC, trung tâm phân phối, dịch vụ tiện ích cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế phân quyền và trách nhiệm cho địa phương trong việc đảm bảo tính đồng bộ của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ liên quan. Đặc biệt, cơ chế giá, phí phải bảo đảm hài hòa lợi ích của chính quyền - nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ, sát hợp với năng lực và điều kiện đặc thù của mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư cảng biển cần tầm nhìn xa, dựa trên tư duy thị trường, trên cơ sở hình dung sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm. Việc huy động nguồn lực cần có sự tham gia của kinh tế tư nhân. Bộ Giao thông vận tải cũng cần nghiên cứu mô hình quản lý cảng biển hiệu quả, có tầm nhìn tổng thể để điều tiết hoạt động các cảng, phát huy thế mạnh từng địa phương, giảm thiểu sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đồng thời, vai trò "nhạc trưởng" của Nhà nước cần phải thể hiện mạnh mẽ hơn nữa, phải hài hòa được phần vốn của Nhà nước, tư nhân, vốn FDI, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN có thể yên tâm tham gia đầu tư cảng biển.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 06-6-2019