Xử lý tội phạm môi trường: Sẽ không thể “đánh bùn sang ao”?
Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 02/06/2016
(BKTO) - Vừa qua, câu chuyện DN xả thải, gây ô nhiễm môi trường tiếp tục trởthành vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Hậu quả của các vụviệc để lại được đánh giá là rất nghiêm trọng, song do thiếu chế tài xử lý nênvấn nạn này vẫn tái diễn. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có hiệu lực từ 01/7 tớiđây với những thay đổi đáng kể trong việc xử lý tội phạm môi trường đang đượcdư luận xã hội kỳ vọng sẽ giúp chấn chỉnh những bất cập vừa qua.
Người dân kỳ vọng tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ không còn tái diễn khi BLHS năm 2015 có hiệu lực. Ảnh: TS
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) năm 2015, cơ quan này đã phát hiện và thụ lý 41 vụ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 23 vụ với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. Đáng lưu ý, trong số hàng chục vụ việc vi phạm kể trên, chưa vụ việc nào được đưa ra xét xử để tạo tính răn đe.
Ngay cả hàng loạt các vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra trước đây như: Công ty Vedan xả thải ra sông Thị Vải (Đồng Nai), Công ty Nicotex Thanh Thái chôn thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng và các chất thải gây nguy hại môi trường (Thanh Hóa)… thì vấn đề xử lý hình sự đã được đặt ra, nhưng kết quả chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, gây bất bình trong nhân dân.
Theo các chuyên gia, từ trước tới nay, Việt Nam mới chỉ khởi tố điều tra và đưa ra xét xử đối với các hành vi vi phạm thuộc hai tội danh: Hủy hoại rừng và vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Trong khi đó, các tội danh khác, mặc dù gây thiệt hại rất lớn cho môi trường và sức khỏe, tài sản của người dân nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một phần nguyên nhân của những bất cập này đến từ những hạn chế, thiếu sót của quy định pháp luật hiện hành. Theo quy định của BLHS năm 1999, chỉ những trường hợp gây ra ô nhiễm và xác định được hậu quả thì mới có căn cứ để truy tố. Trong khi đó, theo các chuyên gia pháp luật về môi trường, việc xác định hậu quả là vô cùng khó khăn, bởi hành vi vi phạm có thể đã thực hiện nhưng hậu quả thì chưa bộc lộ ngay. Chưa kể, yêu cầu định lượng hậu quả do vi phạm gây ra càng khó thực hiện...
Chỉ rõ thêm về những lỗ hổng này, GS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN cho biết, BLHS năm 1999 quy định chỉ truy cứu hình sự đối với các cá nhân vi phạm, chứ không áp dụng cho các đối tượng là các tổ chức, DN có tư cách pháp nhân. Khi vi phạm môi trường, các đối tượng DN cũng mới bị xử lý hành chính, hoặc cao nhất là yêu cầu đóng cửa, chấm dứt sản xuất theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường.Đây là lý do vì sao nhiều DN “sẵn sàng” hoặc “thích” được nộp phạt để duy trì sản xuất, hơn là áp dụng các công nghệ giảm thiểu ô nhiễm, hủy hoại môi trường nhưng đòi hỏi mức đầu tư cao hơn nhiều lần so với số tiền bị phạt hành chính.
Truy tố khi xác định được hành vi
Với khung luật pháp hiện nay, các cơ quan tố tụng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của các pháp nhân, tổ chức như trong tiền lệ là Công ty Vedan, Công ty Giấy Lửa Việt, Công ty Nicotex Thanh Thái... Vàhiện tượng cá chết hàng loạt ở một số tỉnh ven biển miền Trung vừa qua, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Điều đáng mừng là BLHS năm 2015 được thông qua, đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc xử lý hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường. Theo Thứ trưởng - người phát ngôn Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, BLHS năm 2015 có hiệu lực từ 01/7 tới sẽ có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, việc xử lý tội phạm môi trường sẽ chú ý hành vi mà không cần phải chờ hậu quả. Luật cũng quy định rõ hơn về chủ thể phạm tội, chế tài xử lý đối với tội phạm môi trường...
Là một chuyên gia trong ngành hóa học, PGS.TS Trần Hồng Côn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần quy định rõ ràng danh mục chất thải, các chất hóa học. Ông Côn cũng cho biết, trường hợp cá chết hàng loạt dọc các tỉnh ven biển miền Trung, dù chưa được các cơ quan chức năng công bố nguyên nhân cuối cùng, nhưng nghi vấn đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh là rất lớn. Bởi, các chất hóa học hay hỗn hợp hóa học được đơn vị này nhập về để xử lý chất thải, xúc rửa đường ống thải đều là chất độc hại. Cũng theo vị chuyên gia này, nếu các chất thải trên được xác định đã thải ra môi trường, Fomosa Hà Tĩnh cần phải bị truy tố để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam.
Với những thay đổi trong vấn đề xử lý tác nhân gây ô nhiễm môi trường đã được thông qua và sớm có hiệu lực, người dân kỳ vọng tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ không còn tái diễn. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tích cực vào cuộc và kiên quyết xử lý đến cùng các cá nhân, tổ chức vi phạm, tránh tình trạng “đánh bùn sang ao” dẫn đến tâm lý “nhờn luật” như nhiều trường hợp vừa qua khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc.
NGUYỄN LỘC