Mức độ công khai NSNN của địa phương đã được cải thiện

Đối nội - Ngày đăng : 21:50, 13/06/2019

(BKTO) - Mức độ công khai NSNN của 63 tỉnh, thành phố năm 2018 đã cải thiện hơn so với năm 2017 bởi chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh năm 2018 đạt 51/100 điểm, trong khi đó, chỉ số trung bình này của năm 2017 chỉ là 30,5 điểm.


Đó là một trong những thông tin vừa được công bố bởi Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

63/63 địa phương đã công khai ngân sách

Theo Luật Ngân sách nhà nước 2015, có nhiều loại tài liệu bắt buộc phải công khai như: Báo cáo dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2019 trình Hội đồng nhân dân tỉnh; Báo cáo dự toán ngân sách tỉnh; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh; Báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh... Các tài liệu này phải công khai trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh.
                
   

Toàn cảnh buổi công bố kết quả POBI 2018. Ảnh: Nguyễn Lộc

   
Ông Vũ Sỹ Cường- Đại diện nhóm nghiên cứu Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) năm 2018- cho biết: Một điểm sáng năm 2018 là có 6 tỉnh thuộc nhóm công khai đầy đủ thông tin (nhóm A) về NSNN, đặc biệt, không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0 (không công khai tài liệu nào). Trong khi ấy, năm 2017 có 4 tỉnh thuộc diện này.

6 tỉnh thuộc nhóm công khai ngân sách tỉnh đầy đủ năm 2018, gồm: Vĩnh Long đứng đầu với 90,52 điểm; Bà Rịa-Vũng Tàu với 85,91 điểm; Đà Nẵng 83,09 điểm; Vĩnh Phúc 82,05 điểm; tiếp đến là Quảng Nam và Hậu Giang.

Đáng chú ý trong kết quả khảo sát lần này, một số địa phương lớn nhưng mức độ công khai ngân sách lại ở mức trung bình thấp: Hà Nội đạt 49,72 điểm, TP. Hồ Chí Minh đạt 48,98 điểm. Năm 2017, Hải Phòng là tỉnh bị 0 điểm do không công bố tài liệu nào về ngân sách. Năm 2018, Hải Phòng đã được 5 điểm- vẫn là địa phương thấp điểm nhất cả nước.

Báo cáo POBI 2018 còn cho thấy, dự thảo dự toán ngân sách trình Hội đồng Nhân dân tỉnh là tài liệu có sự thay đổi lớn nhất với 47 tỉnh (74,6%) công khai còn năm 2017 chỉ có 27 tỉnh (42,9%) công khai tài liệu này. Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh quý III có 46 địa phương (73%) đã công khai trong khi năm 2017 là 28 địa phương (44,4%)….

Ông Cường cho rằng: Điều này cho thấy các tỉnh đã có trách nhiệm hơn trong việc công khai dự thảo dự toán NSNN để người dân có thể tham gia vào quá trình thảo luận và quyết định dự toán ngân sách của tỉnh.

Cần tăng cường sự tham gia của người dân

Mặc dù mức độ công khai ngân sách của 63 tỉnh, thành năm 2018 đã được cải thiện hơn so với năm 2017 nhưng vẫn còn tình trạng các tỉnh chưa công khai kịp thời tài liệu ngân sách theo quy định. Cụ thể, có 47 tỉnh (74,6%) công khai dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2019 trình Hội đồng Nhân dân tỉnh nhưng chỉ có 29 tỉnh (46%) công khai kịp thời (trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Nhân dân tỉnh gửi tài liệu này cho đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh).

Trong khi ấy, có 7 tỉnh công bố chậm (trong vòng 15 đến 30 ngày) và 11 tỉnh công bố sau 30 ngày hoặc không xác định được chính xác thời điểm công bố. "Như vậy, mục tiêu công khai dự thảo dự toán NSNN để cho người dân tham gia ý kiến chưa đạt được" - báo cáo nêu rõ.

Ông Vũ Sỹ Cường cho biết, một trong những trụ cột quan trọng mà POBI khảo sát để chấm điểm công khai ngân sách của các địa phương là sự tham gia của người dân vào việc quản lý ngân sách. Tuy nhiên, kết quả khảo sát POBI 2018 về mức độ tham gia của người dân cho thấy, nhìn chung các tỉnh ít tạo cơ hội cho người dân tham gia vào công tác quản lý ngân sách tại địa phương. Cả 63/63 cổng thông tin điện tử của các tỉnh đều có thư mục hỏi đáp và email liên hệ thế nhưng mức độ phản hồi của các tỉnh đối với người dân rất thấp. Chỉ có 3/63 tỉnh có phản hồi câu hỏi của nhóm nghiên cứu qua mục hỏi đáp, 6/63 tỉnh trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của nhóm nghiên cứu qua email.

Ông Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng VEPR khuyến nghị, hiệu quả của việc sử dụng NSNN chỉ được nâng cao khi có sự tham gia giám sát của cộng đồng. Bởi vậy, các tỉnh cần chủ động phản hồi các câu hỏi của người dân về ngân sách. Mặt khác, các tỉnh cần xây dựng và công bố quy chế nội bộ về quy trình cung cấp thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin 2016. Ngoài ra, các tỉnh có thể sử dụng mạng xã hội để tăng cường tương tác, trao đổi với người dân…

THÙY ANH