Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu lực chi ngân sách cho giáo dục ở Việt Nam

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 20:05, 17/06/2019

(BKTO) - Sáng 14/6, Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hiệu lực, hiệu quả chi NSNN cho giáo dục: Kinh nghiệm quốc tế và thực trạng ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức dựa trên đề tài Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi NSNN cho giáo dục ở Việt Nam (mã số KHGD/16-20.ĐT.023) do Học viện Tài chính là đơn vị chủ trì, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2020.


                
   

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: N.Ly

   
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Việt- Phó Giám đốc Học viện Tài chính đánh giá: “Hiệu quả và hiệu lực chi NSNN cho giáo dục là yêu cầu then chốt trong quá trình đổi mới cơ chế, chính sách và quản lý tài chính trong ngành giáo dục Việt Nam. Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đánh giá thực trạng về hiệu lực và hiệu quả chi NSNN cho giáo dục là nền tảng để xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho các đề xuất, kiến nghị có giá trị đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, trong quá trình sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học; cải cách định mức phân bổ, cơ chế phân bổ và cơ chế quản lý chi ngân sách, nhằm đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả chi NSNN cho giáo dục ở Việt Nam trong giai đoạn tới”.

Chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về việc tài trợ của nhà nước trong giáo dục, GS. Michel Bouvier- Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Tài chính công của Pháp cho biết, nghiên cứu và đào tạo là điều kiện không thể thiếu và là yếu tố cơ bản trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Một chính sách không thể phát huy được hiệu quả nếu không có cơ quan chủ trì hợp lý, quyết định vấn đề chi cho thực hiện chính sách. NSNN dành cho giáo dục phải được theo dõi cẩn thận. Tại Pháp, để quyết định được khoản ngân sách chi cho giáo dục phải dựa trên cơ sở và những nhiệm vụ khác nhau, từ đó cụ thể hóa thành những chương trình khác nhau. Trong đó, bao trùm lên tất cả là một chương trình tổng thể.

Trình bày tham luận đi sâu vào thực trạng chi NSNN cho giáo dục ở Việt Nam, PGS.TS Vũ Sỹ Cường- Học viện Tài chính cho biết, tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục đang ở mức 20% tổng chi NSNN hằng năm. Hiện nay, Bộ Giáo dục& Đào tạo chỉ chịu trách nhiệm phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc Bộ. Việc xây dựng định mức và chi ngân sách cho các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc trách nhiệm của chính quyền các địa phương. Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ có vai trò quyết định trong khoảng 6% trong tổng ngân sách dành cho giáo dục, còn lại do các bộ khác hoặc địa phương quản lý chi.

Ngành giáo dục đang cố gắng chuyển từ quản lý chi ngân sách theo đầu vào sang quản lý theo kết quả đạt được. “Đã có thông tư, nghị định hướng dẫn về việc đặt hàng cho giáo dục và chi ngân sách theo nhiệm vụ được giao, tuy nhiên chưa được triển khai trên thực tế” - PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhận định.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Lê Hải An đánh giá: đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi NSNN cho giáo dục ở Việt Nam” giai đoạn 2017- 2019 của các nhà khoa học đã góp phần xác định rõ những luận cứ khoa học, qua đó đề ra các giải pháp hữu hiệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quá trình quản lý nhà nước trong giáo dục- đào tạo. Các nghiên cứu đã cung cấp luận cứ để Bộ Giáo dục& Đào tạo thực hiện sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục dại học và Luật Giáo dục vừa được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019.

THÙY LÊ