Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kinh tế tư nhân còn dư địa lớn phát triển
Đối nội - Ngày đăng : 17:20, 17/06/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Ngày 17/6, tại Trụ sở Chính phủ,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúcgặp mặt đoàn đại biểu Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt, các doanh nhân đều vui mừng đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã rất coi trọng kinh tế tư nhân, có Nghị quyết 10-NQ/TW khóa XII về kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Các doanh nhân cũng bày tỏ đánh giá cao phương châm hành động của Chính phủ xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời bày tỏ ấn tượng với thông điệp mà Thủ tướng nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân hồi tháng Năm vừa qua, đó là doanh nghiệp tư nhân cần sự “bình đẳng, bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội."
Để đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của đất nước, các doanh nhân đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để Việt Nam đứng nhóm 4 ASEAN và tiến tới tiêu chuẩn củaOECD.
Với việc lực lượng tư nhân trong nước đã lớn mạnh, có thể tham gia đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bay, bến cảng..., các doanh nhân cũng đề nghị Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều việc khó hơn nữa chokinh tế tư nhân. Cùng với đó là có cơ chế thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triểnkinh tế số, thúc đẩy đào tạo nhân lực 4.0.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần, trong đó có kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình. Các thành phần kinh tế này đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tạo điều kiện phát triển.
Thủ tướng nhắc lại, Nghị quyết 10 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thực tiễn cho thấy, kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP cho nền kinh tế và xu hướng thế ngày càng cao hơn, trong đó doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 10%, còn lại là kinh tế hộ.
Nhấn mạnh, kinh tế tư nhân còn dư địa lớn để phát triển, Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đó là không được thành kiến với kinh tế tư nhân; cần bình đẳng, công bằng đối với kinh tế tư nhân; phải phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh ở mọi thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là thúc đẩy phát triển các loại hình doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Phải thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gia tăng nhanh chóng về quy mô, số lượng, sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước, từ đó tiến vào các lĩnh vực giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cho rằng phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mới thành lập, công nghệ, nguồn vốn, nguồn lực chưa tốt, Thủ tướng đặt vấn đề, làm sao tiếp cận công nghệ, nguồn vốn và nguồn nhân lực có chất lượng để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam; làm thế nào để toàn bộ hệ thống hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn; làm thế nào để doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn sáng tạo, kinh doanh văn minh, có đạo đức kinh doanh; trong đó phải có vai trò của Hội Doanh nhân tư nhân.
Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phải có “khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm của mình," Thủ tướng cũng gợi ý các doanh nghiệp tư nhân cần có chiến lược, chiến thuật hợp lý, kiểm soát tốt rủi ro kinh doanh, làm sao đóng góp nhiều hơn cho chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, kể cả giải quyết việc làm, thu ngân sách, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là quan tâm tới trách nhiệm xã hội, phát triển xanh, bền vững, có ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, cam kết quốc tế.
Thủ tướng lưu ý doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh.
Theovietnamplus.vn