Không thể làm nông nghiệp theo cách cũ

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:00, 29/09/2016

(BKTO) - “Đã đến lúc không thể làm nông nghiệp theo cách cũ. Tốc độtăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước nhữnghiểm họa thời tiết và tác động của môi trường. Cần thay đổi để đảmbảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyệnvọng của người dân Việt Nam tốt hơn” - Đây là khuyến cáo của Giám đốc Quốcgia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dinoe tại Lễ công bố Báo cáoPhát triển Việt Nam 2016 với chủ đề “Chuyển đổi Nông nghiệp Việt Nam: Tăng giátrị, giảm đầu vào” diễn ra mới đây tại Hà Nội.


Tốc độ tăng trưởng đã chậm lại

Trong Báo cáo này, các chuyên gia của WB đánh giá, vài thập kỷ qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng kể, năng suất và sản lượng tăng góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia về an ninh lương thực, giảm nghèo, ổn định xã hội và thương mại. Năng suất sản xuất lúa tăng cao và thực hiện thâm canh tại các nông hộ nhỏ mang lại hiệu quả lớn. Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản-lương thực hàng đầu thế giới, xếp thứ 5 về xuất khẩu thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt điều, tiêu đen, cao su và sắn. Mặc dù vậy, “chất lượng và tính bền vững trong tăng trưởng nông nghiệp và cách thức phát triển vẫn còn nhiều điều phải bàn”- ông Ousmane Dione nhấn mạnh. Báo cáo của WB chỉ ra rằng, tỷ suất lợi nhuận trong các nông hộ nhỏ còn thấp, lao động nông nghiệp thiếu việc làm tương đối nghiêm trọng, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm không cao, trình độ đổi mới sáng tạo công nghệ và thể chế còn hạn chế…


Tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đã chậm lại trong những năm gần đây Ảnh: TS

Ông Steven Jaffee - Kinh tế trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp của WB tại Việt Nam, cũng đánh giá hiện tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp và mức tăng trưởng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) đã chậm lại. Trên một số phương diện, phát triển nông nghiệp đã gây tổn hại môi trường như tàn phá rừng, mất đa dạng sinh học, thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước và phát thải khí nhà kính. Tại hầu hết các địa phương, tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa trên tăng diện tích canh tác, thâm canh, tăng vụ và tăng cường sử dụng phân bón, tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, sản lượng đầu ra ngày càng đòi hỏi chi phí đầu vào cao hơn và làm tăng chi phí môi trường.

Trước thực tế đó, WB khuyến nghị: “Việt Nam thực sự không nhất thiết phải sản xuất một lượng lương thực dư thừa bằng 30% sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực trong khi người nông dân trồng lúa có giá trị gia tăng rất thấp. Hầu hết phần chênh lệch giữa sản lượng gạo và tiêu thụ nội địa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ những năm 2000 đến nay đều được xuất khẩu, chủ yếu nhắm vào thị trường giá thấp, chất lượng thấp. Việt Nam đã bị trói buộc bởi thành tựu về an ninh lương thực đối với tăng trưởng ngành nông nghiệp”.

Cần tăng giá trị, giảm đầu vào

Theo đánh giá của WB, chi phí lao động tăng đã bắt đầu hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế của Việt Nam vốn dựa trên ưu thế sản xuất nguyên vật liệu giá rẻ và không tạo sự khác biệt. Hệ quả tiêu cực của việc sử dụng thái quá vật tư đầu vào và tài nguyên thiên nhiên đối với môi trường và lợi nhuận của người nông dân đã bộc lộ ngày càng rõ.

Ông Steven Jaffee cho rằng, đã đến lúc ngành nông nghiệp Việt Nam phải thực hiện “tăng giá trị, giảm đầu vào”, tức là phải tạo thêm giá trị kinh tế cho nông dân và người tiêu dùng, đồng thời giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, lao động và các nguồn lực khác. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn phải chuyển hướng cạnh tranh bằng cách trở thành nguồn cung đáng tin cậy, chất lượng ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm và tạo thêm nhiều giá trị.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia của WB, ngành nông nghiệp Việt Nam cần tạo sự thay đổi không chỉ trong mô hình tăng trưởng mà ngay cả trong cơ cấu sản xuất và tổ chức chuỗi cung ứng. Hiện nay, sản xuất và cung ứng còn khá manh mún, mối liên kết tập thể giữa các nông dân và sự phối hợp theo ngành dọc còn yếu. Đó là nguyên nhân làm tăng chi phí giao dịch, không tận dụng được lợi thế quy mô và không tạo động lực sản xuất ra hàng hóa và nguyên vật liệu với chất lượng ngày càng cao.

Việt Nam đang đứng trước các cơ hội hứa hẹn cả trên thị trường trong nước và quốc tế nhưng muốn thành công thì các hộ nông dân và DN phải có khả năng tạo ra các sản phẩm có độ tin cậy, chất lượng và an toàn. Theo đó, trong tình trạng hàng xuất khẩu Việt Nam ít được biết đến và giá trị thấp tại thị trường nước ngoài, Chính phủ cần thực hiện một số biện pháp nhằm khẳng định lại vị thế và xây dựng thương hiệu để thúc đẩy thương mại. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có các chiến lược chủ động về nông nghiệp sinh thái nhằm lường trước và ngăn chặn suy thoái môi trường ngay từ đầu.

THANH TÙNG