Cần cân đối nguồn thu nhập tăng thêm của giảng viên

Xã hội - Ngày đăng : 08:35, 24/06/2019

(BKTO) - Tình trạng giảng viên vượt giờ giảng, hoặc chưa đảm bảo dạy đủ giờ chuẩn đã tạo ra sự chênh lệch, bất hợp lý trong thu nhập của giảng viên, không đúng với quy định của pháp luật. Theo kiến nghị của KTNN, tình trạng này cần sớm được chấn chỉnh nhằm đảm bảo sự hợp lý cho nguồn thu nhập tăng thêm dành cho giảng viên, cũng như cân đối với các nhiệm vụ khác.



KTNN kiến nghị chấn chỉnh tình trạng giảng viên vượt giờ giảng. Ảnh: Thành Đô

Người vượt giờ giảng,người chưa đủ chuẩn

Tình trạng dạy vượt giờ, hoặc không đủ giờ trên lớp của giảng viên là câu chuyện diễn ra từ nhiều năm nay mà nguyên nhân có cả lý do khách quan và lý do chủ quan. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hầu hết các trường đại học (ĐH) hiện nay đều tồn tại tình trạng giảng viên không đủ chuẩn trình độ (theo quy định là từ thạc sĩ trở lên, trừ một số ngành đặc thù). Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp. Thực trạng này dẫn đến việc có giảng viên dạy quá nhiều, có giảng viên được bố trí dạy ít, không đủ số giờ, vi phạm quy định của Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giảng viên (Thông tư 47).

Mặt khác, mặt bằng thu nhập từ hoạt động giảng dạy và thu nhập tăng thêm của giảng viên hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống. Do đó, nhiều giảng viên có xu hướng coi trọng việc dạy thêm, giảng vượt giờ mà không cân đối thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác.

Qua thực tế kiểm toán năm 2018, KTNN cho biết, các trường được kiểm toán đều có giảng viên vượt giờ giảng, đồng thời, tại một số trường còn có giảng viên chưa đảm bảo dạy đủ giờ chuẩn (ĐH Thương mại, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Luật TP. HCM...). Việc bố trí giờ giảng cho giảng viên có nơi còn chưa hợp lý. Có 11/12 trường được kiểm toán đều có số giảng viên vượt giờ giảng trên 300 giờ là chưa đúng quy định của Bộ luật Lao động. Nguyên nhân được xác định là do bất cập về hướng dẫn quy đổi giờ chuẩn sang giờ làm việc theo Bộ luật Lao động tại Thông tư 47. Cụ thể, tại Điều 5 của Thông tư 47 quy định định mức giờ chuẩn của giảng viên là 270 giờ/năm học, nhưng Bộ GD&ĐT không có hướng dẫn cụ thể về cách quy đổi từ giờ chuẩn sang giờ hành chính nên gây khó khăn cho các đơn vị trong việc xác định giảng viên đã hoàn thành đủ định mức 1.760 giờ hành chính theo quy định.

Theo KTNN, nếu quy đổi sang giờ quy định theo Bộ luật Lao động, tổng số tiền chi trả giảng viên vượt giờ trên 300 giờ của các trường được kiểm toán là hơn 36 tỷ đồng. Như vậy, nếu xem xét chi vượt giờ giảng trên khía cạnh là khoản thu nhập tăng thêm cho giảng viên thì còn bất hợp lý với các giảng viên không có giờ giảng vượt giờ và ảnh hưởng đến nguồn thu nhập tăng thêm chung cho toàn bộ viên chức của trường.

Phải điều chỉnh cho phù hợp

Theo quy định của Thông tư 47, cùng với hoạt động giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học được coi là 1 trong 2 nhiệm vụ quan trọng nhất của cán bộ giảng viên. Tuy nhiên, do thời gian tham gia giảng dạy quá nhiều dẫn đến tình trạng giảng viên không thể dành thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Qua thực tế kiểm toán tại các trường ĐH vừa qua, KTNN nhận thấy, tại một số trường, giảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao (ĐH Kinh tế TP. HCM, ĐH Thương mại, ĐH Tây Bắc). Điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của đội ngũ giảng viên cũng như chất lượng đào tạo về lâu dài.

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị, trong khi Thông tư 47 chưa được sửa đổi, Bộ GD&ĐT cần chấn chỉnh việc chi vượt giờ tập trung vào một số giảng viên, trong khi đó một số giảng viên khác không đủ giờ lên lớp. Cần có biện pháp cơ cấu lại đội ngũ giảng viên tại trường cho phù hợp với quy mô đào tạo để đảm bảo số lượng và chất lượng giảng viên, không ảnh hưởng đến việc thanh toán vượt giờ.

Là một trong những đơn vị có tình trạng giảng viên giảng vượt giờ, đại diện Trường ĐH Luật TP. HCM lý giải, tồn tại tình trạng này là do việc đăng ký học theo tín chỉ, sinh viên có quyền lựa chọn giảng viên. Mặt khác, có thời điểm giảng viên được bố trí đi học nâng cao nhiều, nên một số giảng viên khác được bố trí thêm giờ giảng; việc thuê giáo viên thỉnh giảng gặp nhiều khó khăn và chi phí cao hơn so với việc bố trí giảng viên tại trường giảng dạy.

Còn theo các chuyên gia giáo dục, do thu nhập của giảng viên thấp và những bất cập trong việc quy đổi giờ chuẩn theo Thông tư 47 là nguyên nhân khiến cho tình trạng giảng vượt giờ kéo dài từ nhiều năm nay. Do đó, Bộ GD&ĐT cần sớm có giải pháp khắc phục những bất cập trên, đặc biệt là bất cập của Thông tư 47 để giải quyết triệt để tình trạng vượt giờ giảng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lưu ý, trách nhiệm cân đối số giờ giảng của giảng viên với các nhiệm vụ chuyên môn khác là của nhà trường. Chưa kể, nhà trường cũng cần có sự điều chỉnh hài hoà nhiệm vụ giảng dạy giữa các giảng viên với nhau để đảm bảo công bằng hơn trong việc cải thiện nguồn thu nhập tăng thêm cho giảng viên, tạo động lực cho giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ cống hiến cho trường và cho sự nghiệp đào tạo nói chung.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 20-6-2019