Đẩy mạnh giám sát, tạo sự chuyển biến trong việc thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Xã hội - Ngày đăng : 14:00, 20/05/2019
(BKTO) - Với vai trò là cơ quan giám sát, đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, thời gian qua, mặt trận tổ quốc (MTTQ) cùng các tổ chức chính trị- xã hội các cấp đã tích cực tham gia giám sát, phối hợp cùng với cơ quan bảo hiểm xã hội để đưa chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) đi sâu vào đời sống.
MTTQ vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT
Trên thực tế, mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan MTTQ và BHXH đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Không chỉ tham gia giám sát, phản biện chính sách BHXH, BHYT, cơ quan MTTQ còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. Từ năm 2015, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và cơ quan BHXH Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp công tác về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT giai đoạn 2015-2020.
MTTQ tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT |
Theo đại diện MTTQ Việt Nam, trong năm nay và các năm tiếp theo, một trong những nhiệm vụ đặt ra với MTTQ các cấp, đó là phối hợp với đoàn thể địa phương, các tổ chức thành viên cùng hiệp thương vận động nhân dân trên địa bàn để nâng chỉ số người dân tham gia BHYT, BHXH.
Cụ thể, các nhiệm vụ sẽ được MTTQ tiếp tục đồng hành, triển khai cùng cơ quan BHXH từ nay tới năm 2020, gồm: Nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho các tầng lớp nhân dân; phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến BHXH, BHYT, trọng tâm là vận động “Toàn dân tham gia BHYT” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT...
Tại các địa phương, sự tham gia của các tổ chức thuộc MTTQ trong việc tuyên truyền chính sách, giám sát thực hiện chính sách BHXH đến người dân cũng khá tích cực. Tại tỉnh Sóc Trăng, MTTQ tỉnh đã phối hợp vớiBHXH tỉnh và MTTQ các huyện tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT gắn với 11 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT tại các địa phương;tổ chức giám sát việctriển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT và việc cấp phát thẻ BHYT cho người dân.
Cơ quan BHXH các địa phương cũng chủ động phối hợp và cung cấp thông tin cho các tổ chức thuộc MTTQ để thực hiện nhiệm vụ được giao. Tại buổi làm việc với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình mới đây, BHXH tỉnh cho biết, thời gian qua, BHXH tỉnh đã tập trung tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến với người lao động và Nhân dân.
Trong năm 2017, 2018, BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch công tác thông tin, truyền thông; tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với người lao động về chính sách BHXH, BHYT; tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với người lao động trên địa bàn tỉnh.
Tạo sự chuyển biến thông qua hoạt động giám sát
Cùng với MTTQ các cấp, hoạt động phối hợp, đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống hiện nay còn nhân được sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, như: Công đoàn, Hội phụ nữ... các cấp.
Cán bộ Hội phụ nữ phường (ảnh trái) tư vấn chính sách BHYT cho người dân |
Với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong những năm qua, tổ chức công đoàn các cấp đã chủ động tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH), Luật BHYT; tuyên truyền, phổ biến, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT.
Từ năm 2014, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã chủ trì ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam về giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình DN. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm, Đoàn giám sát liên ngành cấp T.Ư do Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại 15 - 20 DN thuộc 4 đến 6 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn đã thực hiện tốt vai trò tư vấn pháp luật cho người lao động. Trong giai đoạn 2015-2018, hệ thống tư vấn của công đoàn đã thực hiện 139.196 vụ tư vấn pháp luật cho 503.522 lượt người, trong đó: tư vấn trong lĩnh vực lao động, công đoàn, BHXH, BHYT là 134.811 vụ (chiếm 96,99%) cho 488.378 lượt người (chiếm 96,99%). Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn đã hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ người lao động tại 694 vụ án, giúp 3.177 người lao động được quay trở lại làm việc (với số tiền bồi thường hơn 65 tỷ đồng), truy đóng BHXH, BHYT cho 67.692 người lao động, chi trả trợ cấp thôi việc cho 3.514 người lao động…
Tại địa phương, tổ chức công đoàn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi tham gia, hưởng BHXH, BHYT của người lao động. Theo bà Đào Thị Mai Hương - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang), từ đầu năm 2019 đến nay, LĐLĐ huyện đã thực hiện giám sát các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT tại hàng chục DN. Qua giám sát, những bất cập trong thực hiện quy định về chế độ tiền lương, tiền thưởng, chính sách BHXH ở một số DN đã được khắc phục. Các tổ chức công đoàn trong DN đã tham mưu với Ban giám đốc các DN chăm lo hơn tới đời sống người lao động. Công ty Lâm nghiệp huyện Yên Sơn sau khi được giám sát đã có nhiều giải pháp thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với người lao động. Bắt đầu từ năm 2019, một số quy định mới về chính sách BHXH đối với người lao động của Công ty đã được thực hiện kịp thời. Mức lương bình quân hàng tháng của công nhân được nâng từ 3,9 triệu đồng/ người/tháng lên 4,2 triệu đồng/ người/tháng.
Nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động phụ nữ và người dân tham gia BHYT, đóng góp vào lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ trong cả nước đã tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều cách làm khác nhau và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ở cấp Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2015 - 2020 với BHXH Việt Nam nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa hai ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.
Công tác tuyên truyền, vận động còn được đa số các cấp Hội thực hiện thông qua đội ngũ cán bộ chi, tổ phụ nữ tại các địa bàn dân cư. Bằng cách tiếp cận trực tiếp đối tượng, cán bộ Hội đã kiên trì tuyên truyền, vận động theo phương pháp “mưa dần thấm lâu”, giúp đối tượng hiểu rõ về lợi ích của việc tham gia BHYT; đồng thời, có những ý tưởng, sáng kiến về việc vận động, tiết kiệm để mua BHYT cho nhau tại các chi, tổ phụ nữ.
Bài và ảnh: ANH HẢI