Đề xuất tăng giờ làm thêm: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động
Xã hội - Ngày đăng : 14:25, 01/07/2019
(BKTO) - Trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành, từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Tuy nhiên, sau khi công bố, đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Doanh nghiệp đồng tình
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động (NLĐ) là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Sau khi nghiên cứu và tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan, Ban Soạn thảo thấy rằng việc mở rộng Khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định.
Theo đó, Ban Soạn thảo đề xuất mức mở rộng Khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. “Đề xuất này căn cứ vào thực tế nhu cầu làm thêm giờ để cải thiện đời sống của một bộ phận không nhỏ NLĐ cũng như mong muốn của DN, đặc biệt là các DN thường xuyên có đơn hàng theo mùa vụ” - đại diện Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết.
Nói về đề xuất này, đại diện giới chủ là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, so với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của NLĐ Việt Nam hiện ở mức thấp. Thời gian qua, nhiều DN kêu khó vì nhiều đơn hàng xuất khẩu bị lỡ do không thể huy động được lao động vì số giờ làm thêm đã vượt trần. Do đó, quy định này có thể được xem như “cởi trói” cho các DN thường xuyên phải sản xuất các đơn hàng theo thời vụ, mùa vụ.
Tại Hội thảo “Tham vấn và chia sẻ các khuyến nghị đối với Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi” do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức mới đây, một số DN trong lĩnh vực may mặc cho rằng, đặc trưng của ngành dệt may thường phải sản xuất theo đơn đặt hàng có thời hạn rất ngắn. Để đáp ứng được yêu cầu của đối tác, DN phải huy động mọi nguồn lực để thực hiện, từ đó dẫn đến câu chuyện NLĐ phải tăng ca để hoàn thành tiến độ. Tuy nhiên, quy định giờ làm thêm như hiện nay đang ảnh hưởng không nhỏ, đến tiến độ sản xuất của DN. Mặt khác, “nhiều NLĐ cũng trình bày mong muốn được làm thêm giờ để tăng thu nhập, song DN không thể đáp ứng vì nếu NLĐ làm thêm vượt trần thì sẽ bị các cơ quan quản lý “tuýt còi” vì làm trái quy định” - đại diện một DN may cho biết.
Cần thận trọng
Không phản đối đề xuất tăng thời gian làm thêm, tuy nhiên, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng, khi xem xét đề xuất tăng giờ làm thêm cần phải xem xét nhiều yếu tố. Đầu tiên là chính sách việc làm. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm có hàng trăm nghìn lao động thất nghiệp, nếu cho phép thời gian làm thêm giờ tăng cao như vậy, DN có tâm lý không chịu tuyển dụng lao động mới mà ép NLĐ tăng ca tối đa, dẫn đến số lao động đang thất nghiệp sẽ không được giải quyết. Chưa kể, thời gian làm việc dài trong một tuần (hơn 48 giờ/tuần) thường đi kèm tình trạng mệt mỏi, dẫn tới các vấn đề về sức khỏe, làm mất cân bằng cuộc sống, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy với chính NLĐ và với xã hội.
Ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, nguyện vọng của DN mong muốn NLĐ làm thêm giờ nhiều hơn cũng là chính đáng, nhằm giải quyết đặc thù công việc của DN. Do đó, để hài hòa tiếng nói của các bên, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động đề xuất, có thể nghiên cứu bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng, song cần bổ sung quy định lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến theo số giờ làm thêm. Chẳng hạn, khi NLĐ làm thêm giờ vào ngày thường và đến 30 giờ trong tháng được trả ít nhất 150%, từ trên 30 giờ trong tháng trở lên được trả ít nhất 200%. Có như vậy mới khiến các DN phải tính toán trước khi buộc NLĐ làm thêm giờ. “Mấu chốt vấn đề không phải là việc tìm mọi cách tăng thời gian làm thêm giờ mà các DN, các cơ quan quản lý cần có biện pháp cải thiện, nâng tiền lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu cho NLĐ” - ông Quảng nói và kiến nghị, nếu có thay đổi về thời gian làm thêm thì cần tiến hành từ từ, có lộ trình để tránh gây xáo trộn cho NLĐ.
Trong khi đó, đại diện CDI cho rằng, tố chất thể lực của người Việt không cao, bữa ăn cho NLĐ còn khá khiêm tốn. Do đó, nếu phải làm thêm quá nhiều cộng với những vấn đề về dinh dưỡng, môi trường nêu trên, rất có thể sức khỏe lao động, đặc biệt là lao động nữ sẽ suy kiệt. Vì thế phải cân nhắc, cân đối để đưa ra mức tăng phù hợp, nhằm vừa giải quyết khó khăn cho DN nhưng vừa đảm bảo được quyền lợi cũng như sức khỏe của NLĐ.
Còn theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), Dự thảo Luật vẫn đang trong thời gian lấy ý kiến nên Ban Soạn thảo sẽ lắng nghe phản hồi của tất cả các bên, bao gồm cả các ý kiến trái chiều, trước khi tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Theo kế hoạch, Dự thảo Luật sẽ được lấy ý kiến đến ngày 28/6 và dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 10/2019.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 27-6-2019