Việt Nam đứng trước cơ hội tăng trưởng xuất khẩu và thu hút FDI
Đầu tư - Ngày đăng : 14:45, 01/07/2019
(BKTO) - Kể từ đầu tháng 5/2019, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng trở lại với các đợt áp thuế qua lại lẫn nhau, tạo cơ hội lớn cho Việt Nam tăng thị phần xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may, da giày. Cuối tháng 6 này, nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận nào thì dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh.
Tăng cơ hội xuất khẩu cho dệt may, da giày… vào thị trường Mỹ
Kể từ khi khởi phát vào tháng 6/2018 cho đến nay, xung đột thương mại Mỹ-Trung đã và đang có những tác động nhất định tới xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 17,8 tỷ USD, tăng 29,1% YoY so với mức tăng 11,5% cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cùng thời gian này giảm tới 13%.
Các nhóm hàng mà Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ hiện nay chủ yếu thuộc 2 lĩnh vực chính là công nghiệp chế biến, chế tạo thâm dụng nhiều lao động và các linh kiện, máy móc, các sản phẩm điện tử. Trong số này, hàng dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất (25%), đứng thứ hai là điện thoại và các loại linh kiện (18,6%), thứ ba là giầy dép (11%), tiếp đến là gỗ và các sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác...
Tính đến nay, những nhóm hàng xuất khẩu mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế như: dệt may, giầy dép, sản xuất đồ chơi... đều chưa thấy có sự tăng trưởng bứt phá (do trong gói hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế bao gồm những mặt hàng này). Tuy nhiên, nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại mới vào cuối tháng 6 này, dẫn tới việc chính quyền Donald Trump quyết định áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc thì cơ hội tăng thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường Mỹ là rất lớn. Mức thuế 25% là khá lớn đối với những ngành có biên lợi nhuận trung bình, thâm dụng nhiều lao động. Bởi vậy, xu hướng các nhà nhập khẩu Mỹ dịch chuyển đơn hàng sang các nước khác nhằm tránh thuế sẽ diễn ra mạnh hơn. Khi đó, những mặt hàng tiêu dùng là thế mạnh sản xuất của Việt Nam như: dệt may, da giầy, đồ chơi, dụng cụ thể thao... sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để lấy thị phần từ Trung Quốc khi nước này bị đánh thuế. Đặc biệt, với thế mạnh đang có, ngành dệt may sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận cơ hội mở rộng thị phần ở thị trường Mỹ.
Cơ hội thu hút vốn FDI vào Việt Nam
5 tháng đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng cao về vốn đăng ký mới và bổ sung. Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt 6,45 tỷ USD, tăng 26,7% về số dự án và tăng 38,7% về vốn so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bổ sung đạt 2,63 tỷ USD, tăng 5,5% YoY. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung trong 5 tháng đầu năm đạt 9,08 tỷ USD, tăng 27,1% YoY - mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Việc vốn đăng ký tăng cao sẽ mang đến cơ hội để vốn FDI thực hiện của Việt Nam tăng tốc mạnh hơn trong thời gian tới.
Trong trường hợp cuối tháng 6 này, Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuậ̣n nào, dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân vào Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh và mạnh hơn. Trên thực tế, Việt Nam đã được hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc +1” nhằm đa dạng hóa rủi ro của giới đầu tư trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ giúp thúc đẩy quá trình này nhanh và mạnh hơn nữa.
Việt Nam có nhiều lợi thế rõ ràng trong việc nổi lên là một địa chỉ thay thế hấp dẫn trước xu hướng dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Trước hết, Việt Nam có vị trí chiến lược thuận lợi: nằm ở trung tâm ASEAN, có hơn 3.000 km đường biển, kết nối tốt với Trung Quốc qua hệ thống đường bộ, tạo điều kiện để DN trong các chuỗi cung ứng lớn chuyển một số bộ phận sang sản xuất ở Việt Nam nhưng vẫn giữ được sự liên kết chặt chẽ với các đầu mối (hub) lắp ráp chủ chốt tại Trung Quốc.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với nhiều đường cao tốc, cầu cảng. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam đạt khoảng 6% GDP trong 5 năm gần đây, cao hơn 2 lần so với các nước ASEAN. Thêm vào đó, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương và các chính sách ưu đãi thuế, thuê đất cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam có nguồn lao động rẻ, dồi dào với tiền lương tối thiểu còn ở mức thấp, chỉ bằng 60% so với Trung Quốc và vẫn thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực ASEAN.
Như vậy, xung đột thương mại Mỹ - Trung diễn ra trong 1 năm qua và khả năng còn tiếp tục leo thang sau tháng 6/2019 đang mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam, thể hiện rõ rệt nhất qua tăng trưởng xuất khẩu và vốn FDI các tháng đầu năm 2019. Với bối cảnh thuận lợi này, 2 ngành dệt may và bất động sản khu công nghiệp sẽ là hai ngành có cơ hội để tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, tận dụng thành công cơ hội này hay không lại phụ thuộc vào sự quyết tâm và tầm nhìn của từng DN.
DŨNG TIẾN
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 27-6-2019
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 27-6-2019