CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt

Đầu tư - Ngày đăng : 20:25, 02/07/2019

(BKTO) - Ngày 2/7, tại Hà Nội, Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công Thương, Báo Nông thôn Ngày nay cùng phối hợp tổ chức hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.


Phát biểu tại Hội thảo, ông Thào Xuân Sùng khẳng định, Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thể hiện sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, DN và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn.

Việc CPTPP đi vào thực hiện với 11 thành viên sẽ tác động sâu sắc hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp, nông dân, bởi đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) do lớn thứ 3 trên thế giới. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức, nhất là lĩnh vực thương mại nông sản khi Việt Nam ngày càng đi sâu vào CPTPP để vượt qua khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi to lớn và có lợi cho người nông dân.
                
   

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Danviet.vn

   
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay và được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam. Để tận dụng tốt các cơ hội và đối phó hiệu quả với các thách thức mà các FTA mang lại là vấn đề mà Chính phủ, DN và người dân cần sẵn sàng chuẩn bị càng sớm càng tốt.

Theo đánh giá của các chuyên gia, về cơ bản CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó có nông sản Việt, nhất là các thị trường mà Việt Nam chưa có FTA song phương nhờ những ưu đãi về thuế quan. Đồng thời, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động… cũng sẽ là động lực hàng nông sản Việt Nam để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. CPTPP sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư (cả vốn đầu tư của nước ngoài và tư nhân trong nước) cho nông nghiệp.

Tuy nhiên, nông sản Việt vẫn còn nhiều hạn chế như: chất lượng tái cơ cấu nông nghiệp ở một số địa phương còn thấp; sản xuất chưa gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương phát triển thiếu bền vững; hạ tầng cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế… Hầu hết nông sản Việt hiện nay mới được xuất khẩu dưới dạng thô; hoạt động xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương còn chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều nhà sản xuất, DN chưa quan tâm tới bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đối thoại, trao đổi một số vấn đề cơ bản. Cụ thể, nhận diện về tình trạng sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay của Việt Nam, bao gồm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; xuất khẩu thô và chế biến. Xu hướng và triển vọng của tiêu thụ nông sản của Việt Nam trong CPTPP sẽ diễn biến như thế nào; cơ hội, thời cơ, thách thức, khó khăn như thế nào khi CPTPP tác động đến sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Nam? Kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới đối với tiêu thụ nông sản cho nông dân và vận dụng vào Việt Nam? Đồng thời, đề xuất các giải pháp giúp lao động nông nghiệp và người nông dân tận dụng được lợi thế, cơ hội của CPTPP, vượt qua thách thức, khó khăn mà CPTPP tác động tới; tình hình xây dựng, vận hành các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay ra sao, ở mức độ nào, có cần điều chỉnh về cơ cấu sản xuất, ngành hàng và cần làm gì để các chuỗi giá trị nông sản thích ứng với các tiêu chuẩn cao của CPTPP…
LÊ HÒA