5 năm thi hành Hiến pháp: Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trước Quốc hội và Nhân dân

Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 03/07/2019

(BKTO) - KTNN vừa có báo cáo gửi Bộ Tư pháp về sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp. Báo cáo nêu rõ: Sau 25 năm hoạt động, địa vị pháp lý của KTNN ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, từ khi địa vị pháp lý của KTNN được quy định trong Hiến pháp, KTNN ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trước Quốc hội và Nhân dân.


                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo trước Quốc hội theo quy định của Hiến pháp- Ảnh: Q. Khánh

   
Năm 2012, Quốc hội đưa ra chương trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhận thấy việc bổ sung địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp là vấn đề rất cấp thiết, từ đó nâng cao hơn nữa địa vị của KTNN trong nước cũng như trên thế giới, KTNN đã nghiên cứu trình Quốc hội Đề án bổ sung địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp. Ngày 28/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, trong đó đã quy định tại Điều 118 về địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Việc quy định vềđịa vị pháp lýKTNN trong Hiến pháp vào thời điểm đólà một mốc lịch sử trong tiến trình 20 năm xây dựng và phát triển của cơ quan KTNN. Sự kiện quan trọng này đã nâng tầm KTNN từ cơ quan do “luật định” thành “hiến định”, nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tải sản công.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp, KTNN xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014. Ngày 20/01/2014, KTNN ban hành Kế hoạch số 54/KH-KTNN tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp cho công chức, viên chức, người lao động; chủ động mời báo cáo viên là các chuyên gia am hiểu sâu về Hiến pháp để tuyên truyền trong toàn Ngành.

Cùng với đó, KTNN đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật KTNN năm 2015. Ngay sau khi Luật KTNN được Quốc hội thông qua (ngày 24/6/2015), Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai thi hành Luật; tổ chức tuyên truyền Luật KTNN đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động và các đối tượng khác có liên quan.

Hàng năm, KTNN ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm toán do Quốc hội, Chính phủ hoặc các Bộ ngành ban hành đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong KTNN, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự,...

Với địa vị pháp lý được quy định trong Hiến pháp cùng với việc Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội thông qua, công tác kiểm toán liên tục ghi nhận những kết quả tích cực trong việc đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức kiểm toán, nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán, chú trọng phát triển cả 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiềm toán hoạt động). Cùng với việc đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp, kiểm toán chuyên đề, KTNN không ngừng tăng cường việc xác nhận quyết toán ngân sách các địa phương, quyết toán NSNN.

Thông qua việc triển khai Kế hoạch kiểm toán hằng năm, KTNN đã có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Theo số liệu tổng hợp kết quả kiểm toán trong 05 năm qua (2013- 2018), KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý hơn 265.565 tỷ đồng; chuyển hàng chục vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Đồng thời, KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế.

Kết quả kiểm toán của KTNN đã cung cấp nhiều thông tin phục vụ Quốc hội trong quá trình xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN, quyết định dự toán NSNN; giúp HĐND các cấp thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán, quyết định dự toán ngân sách địa phương; giúp các Bộ, ngành cải thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng NSNN, tiền và tài sản nhà nước.

Các kết luận và kiến nghị kiểm toán của KTNN đã giúp Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thấy rõ những bất cập trong hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành cũng như những thiếu sót cần khắc phục trong việc quản lý, sử dụng NSNN, để có giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, thiết lập lại các trật tự, kỷ cương trong sử dụng NSNN, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, tải sản công; phát hiện và ngăn chặn những thất thoát, lãng phí trong chi tiêu NSNN, góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng,...

Cùng với đó, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong những năm gần đây cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng và phổ biến pháp luật, tổ chức cán bộ và đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán... ngày càng gặt hái được nhiều thành công, mang lại kết quả tốt, hỗ trợ đắc lực cho KTNN trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc như: hệ thống pháp luật hiện hành còn những khoảng trống pháp lý, quy định thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ, thậm chí trong một số văn bản pháp luật quan trọng có liên quan đến hoạt động của KTNN vẫn chưa quy định làm cơ sở để KTNN thực hiện các chức năng của mình; cơ cấu tổ chức bộ máy của KTNN chưa được kiện toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, cũng như chưa được kiện toàn theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020; nhiều lĩnh vực kiểm toán chưa có đơn vị đầu mối độc lập chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN.

Mặt khác, quy mô kiểm toán hàng năm tuy đã được tăng lên trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của Luật KTNN, Luật NSNN; việc lập kế hoạch kiểm toán, phương pháp kiểm toán tiên tiến dựa trên chọn mẫu, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu thực hiện chưa đồng bộ; thực hiện kiểm toán tổng hợp chưa thực sự chất lượng. Trong triển khai kiểm toán chưa chú trọng phân tích, đánh giá hiệu quả, hiệu lực của các cơ chế, chính sách, những tồn tại vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách.

Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, triển khai Hiến pháp có hiệu quả, KTNN kiến nghị thời gian tới cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015; đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến hoạt động KTNN. Bên cạnh đó, KTNN cũng đề xuất các giải pháp về kiện toàn tổ chức, bộ máy; đổi mới nội dung phương pháp kiểm toán; hoàn thiện quy định về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán…

Đ. KHOA