Doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông tiếp đà tăng trưởng

Đầu tư - Ngày đăng : 14:32, 04/07/2019

(BKTO) - Trong 02 bảng xếp hạng Top 10 doanh nghiệp công nghệ uy tín năm 2019 vừa được công bố ngày 04/7, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) giành vị trí quán quân của Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin- viễn thông và Công ty TNHH phần mềm FPT dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp công nghệ giải pháp phần mềm và cung ứng thiết bị công nghệ - viễn thông.


                
   

Nguồn: Vietnam Report, tháng 7/2019

   
                
   

Nguồn: Vietnam Report, tháng 7/2019

   
Tăng trưởng nhanh, doanh thu lớn

Năm 2018, ngành công nghệ thông tin – viễn thông tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông với tốc độ phát triển nhanh, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Các sản phẩm, dịch vụ của ngành được định hướng để tạo nền tảng phát triển kinh tế tri thức, thực hiện Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, đảm bảo an toàn thông tin.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Thông tin & Truyền thông, năm 2018, công nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu toàn ngành, với tổng doanh thu năm 2018 ước đạt 98,9 tỷ USD (năm 2017 là 91,5 tỷ USD), xuất khẩu ước đạt 94 tỷ USD. Lĩnh vực sản xuất phần mềm duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao (13,8%) với doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD.

Ở lĩnh vực sản xuất phần cứng, điện tử, viễn thông, tổng doanh thu năm 2018, đã tăng lên tới 2.000.000 tỷ đồng (88 tỷ USD), trong đó, công nghiệp viễn thông với vai trò là hạ tầng cho nền kinh tế số, tổng doanh thu là 350.000 tỷ đồng (15 tỷ USD), tăng trưởng hàng năm 6%. Các doanh nghiệp trong ngành đã xuất khẩu tới 50 nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, riêng đối với lĩnh vực nội dung số, theo kế hoạch, phải chiếm 20 - 30% doanh thu của các nhà mạng nhưng hiện nay mới chiếm chưa đến 10%. Tỷ lệ này là quá thấp so với các nước. Năm 2018, các doanh nghiệp viễn thông di động đã tập trung triển khai thành công kế hoạch chuyển đổi mã mạng, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, xử lý tình trạng SIM rác, quy hoạch tần số thử nghiệm 5G…

Hòa vào xu thế phát triển của toàn cầu

Năm 2019 được đánh giá là năm tiếp đà tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin – viễn thông theo hướng hoàn thiện và “thông minh” hơn.
                
   

Nguồn: Vietnam Report, khảo sát và công bố tháng 7/2019

   
Trong khảo sát các doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện gần đây, 85,7% doanh nghiệp cho biết họ dự định ưu tiên đầu tư cho việc đổi mới, nghiên cứu các sản phẩm mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, trước khi tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (71,4% doanh nghiệp lựa chọn) và nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới (57,1% doanh nghiệp lựa chọn), cho thấy mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông vẫn là phát triển sản phẩm mới.

Kết quả khảo sát nghiên cứu cũng cho thấy, tiềm năng phát triển của các ứng dụng công nghệ trong năm 2019 và thời gian tới là rất lớn. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu, điện toán đám mây, Blockchain, phân tích tăng cường, công nghệ Edge, thực tế tăng cường (AR)… là những lựa chọn ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp công nghệ. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, làn sóng AI đã lan rộng ra toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, trở thành tâm điểm của CMCN 4.0 cũng như trọng tâm phát triển của rất nhiều doanh nghiệp trong ngành.
                
   

4 vấn đề được doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông quan tâm hàng đầu hiện nay - Nguồn: Vietnam Report, khảo sát và công bố tháng 7/2019

   
Hiện tại, Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ việc nghiên cứu và ứng dụng AI trong kinh doanh và đời sống. Các lĩnh vực ứng dụng tiêu biểu như trong điều khiển tự động (làm xe tự lái, robot tự động); chăm sóc sức khỏe (thu thập, đánh giá, đưa ra các chỉ số sức khỏe và chế độ chăm sóc từng bệnh nhân); dịch vụ và quảng cáo…

Bên cạnh đó, tuy còn nhiều thách thức nhưng xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn diễn ra sôi động. Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam khi khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, bù lại các doanh nghiệp công nghệ thường rất quan tâm và dành nhiều tiềm lực tài chính để phục vụ việc xây dựng và triển khai nền tảng công nghệ thông tin vững mạnh. Bên cạnh đó, Chính phủ và Nhà nước luôn thể hiện rõ quan điểm khuyến khích, động viên và ưu tiên hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin thông qua các biện pháp miễn giảm thuế.
         
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin & Truyền thông hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới thành lập Trung tâm CMCN 4.0 tại Việt Nam, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2019. Đây là trung tâm hình thành các chính sách cho CMCN 4.0, nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành về công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo (AI); Internet kết nối vạn vật (IoT); chuỗi khối (Blockchain); Tự động hóa; Thiết bị không người lái và hàng không tương lai; Thương mại số; Công nghiệp 4.0 về Trái đất; Y tế chính xác; Dữ liệu lớn, những công nghệ có thể áp dụng rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Động thái này thể hiện sự quyết tâm nâng cao thứ hạng Việt Nam và đưa ngành công nghệ thông tin – viễn thông vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội và kinh tế.
PHÚC KHANG