Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016: Các trường ngoài công lập gặp khó?
Xã hội - Ngày đăng : 10:20, 03/03/2016
(BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo(GD&ĐT) vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Quy chế thi trung học phổ thông (THPT)quốc gia và dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2016 với mộtsố điều chỉnh so với các năm trước. Theo đó, một số quy định mới khi được thôngqua, dự báo các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL), sẽ tiếp tục trảiqua một mùa tuyển sinh khó khăn.
Lãnh đạo trường Đại học Đại Nam thừa nhận gặp khó khăn trong phương án tuyển sinh mới. Ảnh: TS
Cạnh tranh để hút người học
Dự kiến năm 2016, các trường tiếp tục được sử dụng kết quả thi THPT quốc gia làm căn cứ xét tuyển. Đặc biệt, Bộ đã bổ sung thêm quy định, các trường được sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT và bỏ quy định điểm “sàn” với bậc CĐ. Những quy định này được coi là hướng mở mới, giúp tăng cơ hội được học tập cho người học, đồng thời các trường có thêm sự lựa chọn nguồn thí sinh chất lượng...
Dù chưa được thông qua, nhưng ngay sau khi đón nhận thông tin, nhiều trường ĐH-CĐ công lập đã ráo riết chuẩn bị cho phương án tuyển sinh. Trong đó, nhiều trường cam kết sẽ dành số lượng chỉ tiêu xét tuyển nhất định bằng học bạ với một số ngành. Cụ thể, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho biết sẽ tuyển sinh bậc ĐH-CĐ tại hai cơ sở đào tạo với ba phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển các ngành học căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia; xét tuyển dựa trên học bạ THPT vào một số ngành; tổ chức thi, xét tuyển đối với môn năng khiếu. Tương tự, ĐH Huế thông báo tuyển sinh theo hai phương thức: Dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và xét tuyển theo học bạ THPT.
Trong khi các trường ĐH-CĐ công lập đang rất mong chờ quy định mới, thì đối với số đông trường NCL, đây thực sự là cuộc đua có rất ít cơ hội cạnh tranh. Ngoài nhóm trường NCL đã gây dựng được thương hiệu, uy tín với chất lượng được khẳng định, đa số các trường NCL được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh năm nay.
Thừa nhận sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh theo phương án tuyển sinh mới, PGS.TSPhan Trọng Phức-Hiệu trưởng trường ĐH Đại Nam cho hay, để “cứu” tình trạng này, ngoài việc nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, uy tín để cạnh tranh, nhà trường đã mở hướng liên kết với các DN, ngân hàng để sinh viên có cơ hội được thực tập, làm quen với môi trường, công việc; ký kết với nhiều DN đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Khó khăn trong tuyển sinh đang là tình trạng chung của nhiều trường NCL, tuy nhiên không phải trường nào cũng có điều kiện để mang về lợi thế tuyển sinh cho nhà trường. Thậm chí, một số trường NCL có tên tuổi cũng không dám tỏ ra lạc quan với mùa tuyển sinh này.
Đổi mới, nhưng cần bước đi phù hợp
Xét về bản chất, việc đổi mới phương thức tuyển sinh được Bộ GD&ĐT đưa ra là phù hợp với xu thế chung của giáo dục hiện đại và nằm trong lộ trình cải cách của ngành Giáo dục. Quy định này sẽ đặt các trường ĐH-CĐ vào tình thế buộc phải đổi mới, nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu để thu hút người học, nếu không muốn bị xóa sổ. Dù vậy, trong bối cảnh hiện tại, bất cứ sự thay đổi nào trong công tác thi, tuyển sinh ĐH-CĐ cũng sẽ ảnh hưởng đến các trường. Theo GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, nội dung sửa đổi, bổ sung trong quy chế sát với thực tế; phương thức tuyển sinh được mở rộng, đa dạng hơn và cũng sát với nhu cầu xã hội, buộc các trường phải chứng minh được năng lực đào tạo để thu hút người học. Tuy nhiên, vì các trường công lập vốn được quan tâm đầu tư, có ưu thế tốt trong xã hội, nên nếu xét tuyển theo quy định mới sẽ khiến các trường NCL khó tuyển sinh. Chưa kể việc nâng cấp ồ ạt các trường CĐ lên ĐH trong thời gian qua cộng với tâm lý e ngại, mặc cảm học trường dân lập cũng trở thành những rào cản thu hút học sinh đăng ký thi vào các trường NCL.
Đồng quan điểm, GS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Về lâu dài, các trường NCL cần xem xét lại sự tồn tại trong tương lai, bắt buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên để thu hút học viên. Tuy nhiên, ông Nhĩ cũng lưu ý, trong bối cảnh vừa đổi mới, vừa rút kinh nghiệm như hiện nay, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu để có những bước đi phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả các trường NCL. Bên cạnh đó, Bộ cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định ban bố quy chế mới, đảm bảo mức độ ổn định trong một khoảng thời gian, không thể thường xuyên sửa đổi, bổ sung làm cho các trường liên tục phải lên phương án đối phó mỗi năm.
Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và dự thảo Quy chế tuyển sinh (ĐH-CĐ) năm 2016 có nhiều điều chỉnh trong công tác thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH-CĐ đáng chú ý về: Quy định về đối tượng ưu tiên chặt chẽ hơn; bỏ hình thức thí sinh trực tiếp đến các trường nộp hồ sơ xét tuyển; việc tổ chức cụm thi cũng có điều chỉnh hợp lý giúp thí sinh thuận tiện, tiết kiệm hơn khi tham gia thi...
NGUYỄN LỘC