Vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển đất nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:25, 04/07/2019
(BKTO) - KTNN Việt Nam ra đời trong bối cảnh đất nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển nền kinh tế vận hành từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước. Sự ra đời của KTNN là một tất yếu khách quan do yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, yêu cầu của việc tăng cường quản lý kinh tế tài chính đất nước ngày càng phải chặt chẽ, hiệu quả hơn và phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hơn của kinh tế nước ta với thế giới.
Nguyên Tổng Kiểm toánNhà nước Nguyễn Hữu Vạn |
Vị thế của Kiểm toánNhà nước ngày càng đượcnâng cao
Từ khi được thành lập đến nay, trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất, khẳng định địa vị pháp lý và nâng cao vị thế của KTNN. Từ chỗ ban đầu, khi mà tổ chức bộ máy cũng như hoạt động của KTNN được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ, thì nay đã có Luật KTNN thay thế và đang ngày càng hoàn thiện. KTNN tuy mới có 25 năm tuổi đời, so với các nước còn rất trẻ, nhưng đã có uy tín cao trong khu vực và quốc tế. Đó là, trước đây từng giữ chức Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) và hiện nay đang giữ vai trò là Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI).Bộ máy của KTNN ngày càng được hoàn thiện, đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn theo hướng chuyên nghiệp “nghệ tinh, tâm sáng”.
Vai trò của Kiểm toánNhà nước ngày càng đượcphát huy
Là một cơ quan hoạt động độc lập, do Quốc hội thành lập, chỉ tuân theo pháp luật để kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công của quốc gia, trong 25 năm qua, KTNN ngày càng thể hiện được vai trò đóng góp vào việc quản trị quốc gia một cách có hiệu quả hơn. Như chúng ta thấy, trong khu vực và trên thế giới, nếu quốc gia nào có nền quản trị quốc gia tốt, quản lý nguồn tài chính, tài sản quốc gia tốt, có hiệu quả cao, thì quốc gia đó sẽ phát triển nhanh, bền vững. Có những quốc gia có rất ít tài nguyên như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc,… nhưng họ có nền quản trị quốc gia tốt nên trở thành những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Ở những nước đó, KTNN luôn là một cơ quan có vai trò hết sức quan trọng đóng góp vào việc thực hiện và duy trì nền quản trị quốc gia. Tại đây, hình ảnh của KTNN luôn được đề cao.Ở nước ta, hoạt động KTNN trong thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng trong việc làm minh bạch việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đất nước, góp phần vào việc sử dụng có hiệu quả tiền và tài sản quốc gia, chống tham nhũng, lãng phí. Kết quả kiểm toán của KTNN đã và đang được sử dụng ngày càng nhiều hơn trong quản lý, điều hành, giám sát, phê chuẩn, quyết định những vấn đề tài chính, ngân sách và hoàn thiện chính sách pháp luật của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, thậm chí trong cả hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng.
Thông qua kết quả kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm của cơ quan KTNN đối với các tổ chức quản lý nhà nước, các tổ chức kinh tế nhà nước, các tổ chức quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công,... đã phát hiện và xử lý nhiều sai sót về việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công hằng năm hàng nghìn tỷ đồng, gây thất thoát, lãng phí NSNN và tài sản quốc gia, đã thu hồi về cho NSNN số tiền không nhỏ. Thông qua đó góp phần nâng cao công tác quản lý tài chính, tài sản công ở các đơn vị, cơ quan ngày càng nề nếp, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Cũng trong quá trình kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều văn bản, quy định, nghị định của Chính phủ, các Bộ ngành T.Ư, của địa phương còn thiếu sót hoặc chưa phù hợp để kịp thời bãi bỏ, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp hơn, chặt chẽ hơn, tránh kẽ hở để lợi dụng hoặc gây cản trở cho sự phát triển.
Ngày nay, loại hình kiểm toán hoạt động cũng đang được KTNN quan tâm và chú trọng triển khai nhằm phân tích, đánh giá việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các đối tượng kiểm toán, từ đó nêu ra những hạn chế và chỉ ra những vấn đề, giải pháp cần quan tâm để nâng cao công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị được kiểm toán ngày càng tốt hơn. Kiểm toán hoạt động chính là bước tiến về trình độ, chuyên môn và hiệu quả của hoạt động KTNN.
Trong những năm qua, phạm vi hoạt động của KTNN không chỉ chủ yếu là kiểm toán tài chính công mà còn đi sâu vào các chuyên đề, các lĩnh vực nhạy cảm, lĩnh vực lớn mà nhân dân và Quốc hội quan tâm, kết quả của các cuộc kiểm toán này đã được đánh giá cao.
Từ những thành tích đã đạt được trong suốt 25 năm qua đã khẳng định rõ vị trí, vai trò của KTNN đối với nền quản trị quốc gia và cũng chính là đóng góp của KTNN đối với sự phát triển của đất nước để xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh là rất đáng ghi nhận.
Để làm tốt vai trò và nâng cao hơn nữa vị thế của mình, KTNN cần phải tiếp tục có những bước đi tích cực và thiết thực. Đó là, phải nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; phải thực hiện đổi mới một cách toàn diện, sâu, rộng nội dung, phương pháp kiểm toán; tích cực ứng dụng kỹ thuật kiểm toán tiên tiến, công nghệ thông tin… vào hoạt động kiểm toán. Từ đó xây dựng KTNN thành cơ quan chuyên nghiệp, với đội ngũ kiểm toán viên có trình độ cao, hướng tới giá trị cốt lõi là “đảm bảo sự minh bạch, chất lượng, hiệu quả”, không ngừng gia tăng giá trị, góp phần đắc lực vào nền quản trị quốc gia, tăng cường quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công hiệu quả, tiết kiệm… Tất cả những điều đó sẽ góp phần đắc lực đưa đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường về mọi mặt trong thời gian tới.
TS. NGUYỄN HỮU VẠN
Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng
Nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước
Theo Báo Kiểm toán nhà nước số 27+28 ra ngày 4-7-2019
Nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước
Theo Báo Kiểm toán nhà nước số 27+28 ra ngày 4-7-2019