Xuất khẩu khả quan nhưng còn nhiều thách thức
Đầu tư - Ngày đăng : 21:50, 04/07/2019
(BKTO) - Thông tin tại cuộc họp báo chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Kim ngạch cao nhờ vào nhóm hàng công nghiệp chế biến
Số liệu thống kê công bố tại cuộc họp báo cho biết, trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam vượt mức 200 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 122,42 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (ngồi giữa) chủ trì họp báo. Ảnh: H.THOAN |
Tính đến hết 6 tháng năm 2019, Việt Nam có 22 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, có thêm 2 mặt hàng mới đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước là rau quả và xơ, sợi dệt- kim ngạch cụ thể lần lượt là 2,08 tỷ USD và 2,01 tỷ USD. |
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2019. Ảnh minh họa |
Ngược lại với xu thế tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đều giảm.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nhu cầu và giá nông sản có xu hướng giảm khiến cho xuất khẩu nông, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản giảm tới 6,9% so với cùng kỳ 2018, ước đạt 12,4 tỷ USD. Trong đó, thủy sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất với 3,93 tỷ USD, giảm 0,8%; xuất khẩu cà phê cũng giảm 10,6% về lượng và 21,1% về trị giá; gạo giảm 2,9% về lượng và 17,6% về trị giá; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 17,7% về lượng và 13,9% về trị giá…
Còn kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 2,31 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu than đá giảm mạnh, tới 54,3%; mặt hàng dầu thô tuy tăng 6,4% về lượng nhưng lại giảm 1,7% về trị giá; mặt hàng quặng và khoáng sản khác giảm 18,6% về lượng nhưng tăng 14% về trị giá.
Tuy nhiên, khi đặt trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực tăng thấp hoặc giảm (như Singapore giảm khoảng 0,88%; Thái Lan giảm 2,7%; Ấn Độ chỉ tăng 2,37%); căng thẳng thương mại Mỹ- Trung tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng thì kết quả xuất khẩu của Việt Nam 6 tháng qua có thể xem là khá tích cực.
Kết quả này cũng cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ và tiếp tục có tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng của khối trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.
Tăng trưởng chưa bền vững, phải ứng phó với nhiều khó khăn
Theo Bộ Công Thương, tuy xuất khẩu qua các tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng chưa thực sự bền vững. Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như biến động giá cả thị trường thế giới, gia tăng các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhận định, chất lượng hàng hóa nông sản, thủy sản tuy đã được chú trọng cải thiện nhưng chưa đồng đều, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm còn hạn chế, tình trạng sản xuất vượt quá nhu cầu, cạnh tranh nội bộ về giá cả còn phổ biến… Điều này dẫn đến những bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong định giá xuất khẩu và gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Xuất khẩu nông sản dự báo gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa |
Tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông sản 6 tháng qua gặp nhiều khó khăn, một số mặt hàng có tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm, cạnh tranh gia tăng, nhu cầu tiêu thụ chững lại. Chẳng hạn, giá xuất khẩu gạo đã giảm tới 15,1% so với cùng kỳ năm 2018; cà phê giảm 11,7%; cao su giảm 6%... |
Một chỉ báo nữa chứng tỏ xuất khẩu chưa bền vững, theo phân tích của Bộ Công Thương, là cán cân thương mại chưa ổn định do từ đầu năm đến nay, mặc dù có sự thâm hụt thương mại trong một vài tháng nhưng tính chung 6 tháng, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu, với kim ngạch xuất siêu ở mức 1,64 tỷ USD (khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 16,6 tỷ USD, nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước là 14,99 tỷ USD).
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt khoảng 122,42 tỷ USD là thấp hơn kịch bản tăng trưởng đề ra (123,5 tỷ USD). Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu từ 8 - 10% mà Chính phủ giao cho ngành Công Thương, tương đương 263 tỷ USD, thì kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm phải đạt bình quân từ 23 – 23,4 tỷ USD. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD là tháng 8/2018, trong khi đó tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang suy giảm như hiện nay không phải là môi trường thuận lợi để Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2019.
QUỲNH ANH