Kiểm toán Nhà nước họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2018
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 19:05, 05/07/2019
(BKTO) - Chiều 5/7, tại trụ sở KTNN- 116 Nguyễn Chánh- Hà Nội, KTNN đã tổ chức họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2017 của KTNN.
Cuộc họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm và Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) Trần Khánh Hòa.
Chủ tọa họp báo |
Đặc biệt, buổi họp báo thu hút sự tham gia của các phóng viên đến từ gần 50 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, năm 2018, KTNN thực hiện kiểm toán đối với 212 đơn vị, đầu mối và chủ đề (gồm: 17 Bộ, cơ quan Trung ương; 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 09 chủ đề kiểm toán hoạt động; 22 chuyên đề; 56 dự án đầu tư; 36 DNNN và tổ chức Tổ chức tài chính- ngân hàng; 22 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các cơ quan đảng và 01 cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2017 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu tại buổi họp báo |
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện để kịp thời chấn chỉnh, tăng cường kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động kiểm toán từ Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán; kiểm soát hàng ngày hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên thông qua việc áp dụng Phần mềm quản lý thông tin Nhật ký kiểm toán nhằm nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của mọi cá nhân, đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu (Tổ trưởng tổ kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng) và góp phần nâng cao chất lượng của các cuộc kiểm toán.
Chính từ những giải pháp thiết thực và hiệu quả trên, năm 2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.722 tỷ đồng; chuyển 05 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, KTNN đã tiếp tục kiểm toán đối với các vấn đề nóng, đang được dư luận xã hội quan tâm; đẩy mạnh hoạt động kiểm toán chuyên đề, trong đó tập trung vào một số chủ đề lớn; qua đó cho thấy nhiều nội dung trong cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và là nguyên nhân gây nên nhận thức khác nhau dẫn đến vận dụng tạo ra sai phạm và cũng là kẽ hở để thất thoát trong quản lý NSNN. Các kết quả trên đến từ những nỗ lực phấn đấu của toàn ngành KTNN trong năm 2018.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Qua kiểm toán, KTNN đã đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017 gồm: Thu cân đối NSNN 1.683.045 tỷ đồng; chi cân đối NSNN 1.681.414 tỷ đồng; bội chi NSNN 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP thực hiện.
Bên cạnh kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017, báo cáo cũng khái quát những kết quả nổi bật qua kiểm toán chuyên đề đối với một số hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công như: công tác quản lý, hoàn Thuế Giá trị gia tăng; việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế ven biển; hiệu quả sử dụng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi; kết quả kiểm toán 08 dự án BOT, 07 dự án BT; công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018.
Báo cáo của KTNN còn đề cập đến kết quả kiểm toán của 9 chủ đề kiểm toán hoạt động; kiểm toán báo cáo tài chính của 31 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước; kết quả kiểm toán Chuyên đề ưu đãi đầu tư và thực hiện nghĩa vụ với NSNN của các DN đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; kiểm toán Chuyên đề việc xác định giá trị DN, thực hiện cổ phần hóa DNNN thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2013- 2017; kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 07 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; kiểm toán Chuyên đề việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Phóng viên đặt câu hỏi tại buổi họp báo |
Về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2017, Báo cáo nêu rõ: Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2017 về niên độ NSNN năm 2016 của KTNN trong năm 2018 cho thấy, các đơn vị được kiểm toán đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN. Theo đó, kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến 31/12/2018 là 66.451 tỷ đồng, đạt 73,2% tổng số kiến nghị (năm 2015 đạt 75,6%, năm 2016 đạt 78,2%), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 22.934 tỷ đồng, đạt 61,8%.
Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, có 28/159 văn bản đã và đang được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản. Đồng thời, có 43/56 cuộc kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.
Ông Hoàng Quang Hàm giải đáp câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo |
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Vũ Khánh Toàn giải đáp câu hỏi của phóng viên |
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị các phóng viên khi đưa tin về kết quả kiểm toán cần nghiên cứu kỹ các thông tin, số liệu, các đánh giá, tiếp cận vấn đề một cách toàn diện để phản ánh trung thực, chuẩn xác, đầy đủ, giúp độc giả hiểu đúng vấn đề.
Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.722 tỷ đồng; chuyển 05 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 02 vụ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí. |
NHÓM PHÓNG VIÊN