Kiểm toán viên lên miền biên viễn

Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 08:05, 09/06/2016

(BKTO) - Hết đèo Giàng đến đèo Gió rồi Khau Khoang, Cao Bắc,Tài Hồ Sìn… Mảnh đất Cao Bằng - vùng đất từng mệnh danh là “thủ đô gió ngàn”nơi góc trời Đông Bắc - chào đón đoàn công tác chúng tôi bằng những cung đườngsa sẩm mặt mày như vậy. Chiếc xe cứ lầm lũi bò lên “cổng trời”. Ngoài cửa kính,mây trời bảng lảng, anh kiểm toán viên Dương Minh Tuấn chợt ngâm nga câu ca daomột thời xa ngái: “Nàng vềnuôi cái cùng con/Đểanh đi trẩy nước non Cao Bằng”.



Những con đường của dự án được thiết kế rộng rãi đúng tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B. Ảnh: TÙNG LONG
Ấn tượng Cao Bằng

Trong cái nắng gay gắt đầu hạ, chúng tôi cùng với đoàn kiểm toán của Vụ Pháp chế thực hiện kiểm toán Dự án công trình hạ tầng quy mô nhỏ thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2 do Chính phủ Ailen viện trợ tại Cao Bằng.

Xuất phát từ Hà Nội, qua an toàn khu Định Hoá - Thái Nguyên, khung cảnh đã dần mang hương vị núi rừng. Lên Cao Bằng mùa này, có một điều đặc biệt là màu man mát tím khắp nơi. Những cánh rừng, triền đồi bạt ngàn sắc tím hoa mua, rung rinh trong nắng, gió đèo. Lúc gặp mua ở sườn núi, khi lại thấy mua dịu dàng bên hiên. Một nét đẹp mộc mạc, giản dị và tươi nguyên trong đá núi. Đi giữa đất trời Đông Bắc, vượt đèo gió thung mây và thấy mình chìm trong sắc tím bung nở của những đồi hoa mua. Quả là một trải nghiệm ấn tượng và thi vị trên chặng đường công tác.

Đoàn kiểm toán có nhiệm vụ thực hiện kiểm toán dự án trên địa bàn 9 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum, Trà Vinh và Quảng Trị. Đoàn đã thực hiện kiểm toán xong 8 tỉnh, Cao Bằng là tỉnh cuối cùng. Anh Lại Xuân Nghị - Trưởng đoàn kiểm toán cho chúng tôi biết: Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Đông Bắc tổ quốc với hơn 52 vạn người, có tới 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi đây địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, dân trí còn thấp, kinh tế chậm phát triển. Chính vì vậy, Dự án này có ý nghĩa to lớn, đóng góp cho công tác giảm nghèo tại những xã đặc biệt khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiệm vụ của đoàn là phải xác minh tính đúng đắn, trung thực của số liệu tài liệu kế toán sử dụng nguồn hỗ trợ này cũng như đánh giá tính tuân thủ pháp luật, chính sách khi thực hiện dự án, đánh giá hiệu lực, hiệu quả thực hiện dự án và kiến nghị khắc phục các sai phạm… Khối lượng công việc nhiều mà thời gian gấp rút nên anh em phải làm việc hết sức khẩn trương.

Những con đường xóa đói nghèo

Ngót 9 tiếng đồng hồ chạy xe, chúng tôi cũng đến thành phố Cao Bằng. Dù ai cũng thấm mệt, nhưng cả đoàn lập tức vào “guồng” luôn. Trong buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, đồng chí Mạc Văn Nheo – Trưởng ban phấn khởi cho chúng tôi biết, đối với các con đường lớn liên huyện hoặc liên xã thì NSNN phải đẩu tư, nhưng với những đoạn đường nhỏ thì nguồn vốn của Chính phủ Ailen là rất phù hợp. Khi làm thì nhân dân thấy hiệu quả ngay nên nhiệt tình ủng hộ. Bà con không chỉ hiến đất mà còn góp công sức để làm công trình trên tinh thần tự nguyện. Toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư 11 công trình giao thông nông thôn cho các xã đặc biệt khó khăn. Tính đến tháng 1/2015, toàn bộ số công trình đã được đưa vào sử dụng và phát huy tác dụng. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, mức sống của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt. Minh chứng là tỷ lệ hộ nghèo trong năm qua của tỉnh giảm được 3,65%. Trong đó điều đáng mừng là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có tỷ lệ giảm hộ nghèo đói bình quân 5 – 6%.

Sau khi kiểm tra số liệu tại Ban Dân tộc tỉnh, đoàn kiểm toán đã xuống kiểm tra thực địa tại dự án đường giao thông nông thôn Nặm Thuổng – Uổng Luộc xã Sỹ Hai – huyện Hà Quảng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sỹ Hai Vi Thị Hồng thì 2 xóm Lũng Túm và Uổng Luộc là 2 xóm đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao của xã Sỹ Hai. Tuy khoảng cách từ chợ của xã đến 2 xóm này chỉ hơn 3 km nhưng đi rất vất vả. Bà con phải đi theo lối mòn tự nhiên, men theo sườn núi đá nên độ dốc rất lớn. Điều này không chỉ gây khó khăn khi đi lại mà còn làm tăng chi phí hàng hóa của bà con. Việc đầu tư làm đường là nhu cầu cấp thiết và cũng là nguyện vọng làm đổi thay cuộc sống của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới.

Không giấu nổi vui mừng, anh Hoàng Văn Toàn - xóm Uổng Luộc chia sẻ: “Trước đây, từ nhà xuống chợ đi có một đoạn mà gần tiếng đồng hồ. Còn chở ngô, lạc xuống chợ bán thì vất vả hơn nữa, nhất là những ngày mưa thì chỉ có nước đi bộ. Giờ chỉ mất 15 phút chạy xe máy là xuống đến nơi, mưa gió cũng không phải lo gì...”. Giống như anh Toàn, nhiều hộ gia đình không chỉ trồng ngô, lạc, mà còn nuôi thêm lợn, trâu, gà để đem xuống chợ bán. Nhờ vậy, đời sống ngày một khấm khá.

Tiếp xúc với các hộ dân nơi đây, chúng tôi cảm nhận được con đường rộng rãi theo đúng tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B này đã đáp ứng được lòng mong mỏi của bà con bấy lâu nay. Nó không chỉ giúp việc đi lại thuận tiện hơn, mà còn là tiền đề để bà con thay đổi cơ cấu làm kinh tế nhằm thoát nghèo, phát triển ổn định. “Trước khi làm đường giao thông Nặm Thuổng – Uổng Luộc, đã có nhiều gia đình trong các xóm Lũng Túm và Uổng Luộc định rời nhà đi nơi khác vì đường đi lối lại khó khăn, thiếu nước, thiếu đất sản xuất. Nhưng khi con đường hoàn thành, bà con thấy thuận tiện quá nên lại thôi không chuyển đi nữa. Bà con mừng mà UBND xã cũng rất mừng” – Phó Chủ tịch xã Vi Thị Hồng vui vẻ cho chúng tôi biết.

Kiểm toán – kết nối những niềm tin

Trong 3 ngày, đoàn chúng tôi đã liên tục đi kiểm tra thực địa các công trình tại các huyện Hà Quảng, Thông Nông, Phục Hòa. Các dự án đều nằm ở những xã đặc biệt khó khăn, địa bàn xa xôi, hiểm trở, đi lại rất vất vả. Sau mỗi ngày đi thực địa, cả đoàn ai cũng mệt phờ nhưng vẫn cố làm xong công việc mới yên tâm nghỉ ngơi. Kiểm toán viên Nguyễn Huy Cung chia sẻ: Trong vòng 90 ngày, Đoàn phải thực hiện kiểm toán tại 9 tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam. Cao Bằng là tỉnh giao thông còn thuận lợi vì đi được xe, các tỉnh như Hà Giang, Điện Biên đến nhiều công trình phải đi bộ, lội gần chục con suối, làm việc mất 2 ngày mới xong. Nguyên việc di chuyển đã mất rất nhiều thời gian, anh em lại phải thực hiện khẩn trương để đảm bảo tiến độ. Ngoài ra, việc kiểm toán những chương trình nước ngoài tài trợ, một mặt là nhiệm vụ của ngành mặt khác còn liên quan đến mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Do vậy, cả Đoàn phải động viên nhau làm việc tập trung và nhanh gọn, tỉnh nào dứt điểm tỉnh đó, kết thúc kiểm toán là phải hoàn thành báo cáo kiểm toán luôn.

Cùng đi thực tế với Đoàn kiểm toán tại công trình đường giao thông nông thôn Nặm Đông – Khuổi Sói, xã Cần Nông, huyện Thông Nông, chị Trương Thị Minh – đại diện Đại sứ quán Ailen, cho biết đây là năm thứ 3 KTNN kiểm toán các dự án do Chính phủ Ailen tài trợ. Điều này thể hiện sự tin tưởng của Chỉnh phủ Ailen đối với cơ quan KTNN. Với tư cách là nhà tài trợ, chúng tôi luôn muốn biết khoản tiền của mình đầu tư có được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả hay không. Hơn thế nữa, trong báo cáo kiểm toán của KTNN không chỉ là báo cáo tài chính mà còn chỉ ra các tác động, hiệu quả của công trình đối với người dân. Chính vì vậy, phía Ailen đánh giá cao sự hợp tác và kết quả làm việc của KTNN.

Chia sẻ với chúng tôi về vai trò của KTNN, ông Mạc Văn Nheo cho biết: Đối với các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có vốn do nước ngoài tài trợ, công tác kiểm toán của KTNN là rất quan trọng. Nhờ kiểm toán mà các thông tin về dự án được rõ ràng, minh bạch. Điều này vừa giúp cho tỉnh trong công tác quản lý, giúp cho bà con tin tưởng hơn vào Nhà nước, đồng thời cũng giúp cho nhà tài trợ tin tưởng hơn vào địa phương, từ đó mới tiếp tục đầu tư trong những năm tới.

Sau hơn 10 ngày làm việc căng thẳng, Đoàn đã hoàn thành cuộc kiểm toán cũng như kết thúc 3 tháng đằng đẵng xa nhà. Trên chuyến xe rời TP. Cao Bằng rộn ràng niềm vui, câu chuyện về những người kiểm toán viên nhà nước và những con đường xóa đói nghèo nơi biên cương Tổ quốc đã để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc khó quên.

TÙNG LONG