Kiểm toán Nhà nước 25 năm xây dựng, phát triển - Sự kiện và con số

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:50, 09/07/2019

(BKTO) - Lịch sử phát triển của KTNN được ghi dấu bằng những sự kiện đặc biệt và được minh họa bằng những con số thể hiện sinh động sự đóng góp, nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành.


1 - Ngày 11/7/1994 - KTNNđược thành lập

Ngày 11/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 70-CP về việc thành lập KTNN và ngày 24/01/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 61/TTg về Điều lệ tổ chức và hoạt động của KTNN.
Đây là những căn cứ pháp lý đầu tiên có giá trị như “tuyên ngôn khai sinh” KTNN với chức năng ban đầu là kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan, đơn vị kinh tế nhà nước, các đoàn thể, tổ chức xã hội có sử dụng kinh phí do NSNN cấp.

2 - Địa vị pháp lý của KTNNđược hiến định

Ngày 28/11/2013, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Trong đó, lần đầu tiên địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước đã được quy định tại Điều 118 như sau:
“1. KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

2. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu KTNN, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của KTNN do luật định”.

Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa to lớn, quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển của KTNN. Sự kiện trọng đại này đã nâng tầm KTNN từ cơ quan được luật định trở thành cơ quan được hiến định, giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đồng thời khẳng định vị trí của KTNN trong bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

3 - Ban hành Luật KTNN, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động KTNN

Trong 25 năm hoạt động, KTNN đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động KTNN. Theo đó, ngày 14/6/2005, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật KTNN, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, mở ra một thời kỳ phát triển mới, một vị thế mới của KTNN.


Triển khai việc thi hành Hiến pháp năm 2013, KTNN đã tiến hành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật KTNN năm 2005. Ngày 24/6/2015, Luật KTNN (sửa đổi, bổ sung) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Sự kiện này đánh dấu việc hoàn thành mục tiêu chiến lược “Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN”.

Yêu cầu của công cuộc đổi mới gắn với hội nhập quốc tế đòi hỏi phải hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của KTNN. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua, KTNN đã trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015. Dự kiến, Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 8.

4 - Cơ bản hoàn thành các mục tiêucủa Chiến lược phát triển KTNNđến năm 2020

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành theo Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 ngày 19/4/2010.

Triển khai thực hiện Chiến lược, ngày 09/10/2013, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 với 8 mục đích và 29 mục tiêu chiến lược. Sau 9 năm thực hiện, đến nay, KTNN đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng cơ quan KTNN có trình độ cao, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và tạo tiền đề, động lực phát triển cho những năm tiếp theo.


Hiện nay, KTNN đang nỗ lực triển khai xây dựng Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2035 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành làm cơ sở chuẩn bị cho sự phát triển trong giai đoạn tới. Theo đó, Ban cán sự đảng KTNN đã chỉ đạo xây dựng Chiến lược với tầm nhìn: Xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công “Minh bạch - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng - Không ngừng gia tăng giá trị”, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

5 - Kiến nghị xử lý tài chính hơn 400.000 tỷ đồng

Tổng hợp kết quả kiểm toán 25 năm qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 413.145 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN 92.716 tỷ đồng, giảm chi NSNN 93.730 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 5 năm gần đây (2014-2018), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 265.565 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN 63.568 tỷ đồng, giảm chi NSNN 71.365 tỷ đồng.


Các thông tin, kiến nghị do KTNN cung cấp ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ hoạt động giám sát, xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội cũng như công tác chỉ đạo điều hành, quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của Chính phủ; thúc đẩy các cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực một cách toàn diện; góp phần minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch hơn.

6 - Kiến nghị sửa đổi, thay thế, hủy bỏ,bổ sung 1.200 văn bản không còn phù hợp hoặc sai quy định

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị sửa đổi, thay thế, hủy bỏ hoặc bổ sung 1.200 văn bản pháp luật, bao gồm các luật, nghị định, thông tư, chỉ thị, quyết định, nghị quyết và nhiều văn bản khác.


Đó là những văn bản không còn phù hợp với quy định của pháp luật hoặc thực tiễn; cần hủy bỏ, sửa đổi hoặc thay thế nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí, góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, đóng góp vào quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý tài chính công, tài sản công.

Cùng với đó, KTNN còn tham gia, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện các văn bản pháp luật quan trọng.

7 - Đóng góp thiết thực, hiệu quảvào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là những năm gần đây, với việc tăng cường đổi mới hoạt động kiểm toán, các kết quả kiểm toán đã góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Trung bình mỗi năm, KTNN đã phát hiện và có trên 200 kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm phát hiện qua kiểm toán; cung cấp hàng trăm báo cáo, hồ sơ cho các cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của Luật KTNN và Luật Phòng, chống tham nhũng; chuyển hàng chục hồ sơ về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

8 - Ban hành, đưa vào áp dụng Hệ thống Chuẩn mực KTNN


Ngày 14/7/2016, Hệ thống Chuẩn mực KTNN, gồm 39 chuẩn mực và Danh mục thuật ngữ sử dụng đã được ban hành. Hệ thống Chuẩn mực mới này được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao, phù hợp với pháp luật, thực tiễn môi trường hoạt động của KTNN Việt Nam. Hệ thống gồm các chuẩn mực của 3 cấp độ, áp dụng cho cả 3 loại hình kiểm toán là kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

9 - Phát triển các loại hình, lĩnh vựckiểm toán mới

Nhận thức rõ cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các vấn đề về môi trường toàn cầu, bên cạnh các loại hình kiểm toán truyền thống, KTNN đã chủ động phát triển các loại hình, lĩnh vực kiểm toán mới: kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT), kiểm toán môi trường (KTMT), kiểm toán hoạt động (KTHĐ), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Cụ thể, về kiểm toán CNTT, KTNN đã thực hiện lồng ghép vào một số cuộc kiểm toán đối với các đơn vị, lĩnh vực sử dụng CNTT trong quản lý, điều hành nhằm hỗ trợ đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, việc tuân thủ các quy định trong quản lý, vận hành hệ thống CNTT và đánh giá rủi ro có sai phạm trọng yếu phát sinh từ hệ thống CNTT... Bên cạnh đó, KTNN cũng thí điểm tổ chức các cuộc kiểm toán độc lập về CNTT tại một số cơ quan, đơn vị và đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quản trị CNTT.


KTNN cũng đã nghiên cứu, thiết lập bộ máy và triển khai thí điểm các cuộc KTMT; qua đó, đã bước đầu phát hiện và kiến nghị một số bất cập trong quản lý của cơ quan nhà nước đối với các hoạt động tiềm ẩn rủi ro, tác động xấu tới môi trường. Đồng thời, KTNN đã tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực kiểm toán này để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; phối hợp thực hiện các mục tiêu kiểm toán chung với một số cơ quan kiểm toán tối cao và tham gia hội thảo về KTMT.

Nhiều năm gần đây, KTNN đã thực hiện lồng ghép nội dung KTHĐ trong các cuộc kiểm toán tài chính, đặc biệt là kiểm toán quyết toán ngân sách Bộ, ngành và địa phương. Hằng năm, KTNN còn ưu tiên lựa chọn các chương trình mục tiêu, dự án, chủ đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc có rủi ro cao về tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực để tổ chức các cuộc KTHĐ độc lập theo quy trình và chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Đến nay, số lượng các cuộc KTHĐ độc lập chiếm khoảng 10 - 15% số lượng các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện và có xu hướng tăng dần qua từng năm.

10 - Thực hiện tốt nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề với quy mô lớn, phạm vi rộng

Trải qua 25 năm hoạt động, KTNN đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiều cuộc kiểm toán với quy mô lớn, phạm vi kiểm toán rộng, lĩnh vực sử dụng nhiều nguồn lực của Nhà nước, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hoặc có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tiêu biểu là các cuộc kiểm toán chuyên đề: Phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ; việc quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn ODA; công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế; đánh giá hiệu quả chính sách đầu tư tại các khu kinh tế...


Việc lựa chọn chủ đề kiểm toán đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề đã đáp ứng một phần yêu cầu quản lý vĩ mô nền kinh tế. Kết quả kiểm toán chuyên đề đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn.

11 - Phát triển tổ chức, bộ máy,nguồn nhân lực

Từ khi thành lập đến nay, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực của KTNN đã có sự phát triển vượt bậc. Những năm đầu mới thành lập (1994-1995), KTNN chỉ có 5 đơn vị trực thuộc với hơn 60 công chức, kiểm toán viên. Đến nay, KTNN có 32 đơn vị trực thuộc với hơn 2.300 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Về năng lực, trình độ cán bộ, công chức, viên chức và kiểm toán viên, KTNN hiện có 5 giáo sư và phó giáo sư, 65 tiến sĩ, 174 người được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, 100% tốt nghiệp đại học.

Đội ngũ công chức, viên chức, kiểm toán viên của KTNN từng bước được tăng cường, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, chuyên nghiệp, có uy tín nghề nghiệp cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Quốc hội và nhân dân.

12 - Đẩy mạnh công tác luân chuyển,điều động công chức

Trong nhiều năm gần đây, việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đã được KTNN thực hiện thường xuyên, qua đó vừa nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và bố trí, phân công công tác, vừa tạo động lực mới, môi trường mới cho công chức thử sức và cống hiến. Công tác luân chuyển, điều động, biệt phái không chỉ giúp nâng cao chất lượng, phát huy năng lực, sử dụng hiệu quả đội ngũ công chức mà còn khắc phục được tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, ngăn ngừa tâm lý thỏa mãn, ngại khổ, ngại khó.

Năm 2016, Ban cán sự đảng KTNN đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/BCS về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức KTNN. Sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết đã tạo sự chủ động trong công tác quản lý, sử dụng công chức, bảo đảm sự kế thừa, phát triển và chuyển tiếp giữa các thế hệ, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đảm bảo sự ổn định và phát triển của Ngành.

Hiện nay, KTNN đang tiếp tục triển khai Kế hoạch luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức, trong đó kết hợp bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức lãnh đạo ở các đơn vị trực thuộc và tập trung bố trí công chức ở những địa bàn, lĩnh vực khó khăn để phát hiện nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

13 - Không ngừng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo củatổ chức Đảng

Từ một Đảng bộ cơ sở với 56 đảng viên lúc mới thành lập (năm 1994), Đảng bộ KTNN đã được nâng cấp lên thành Đảng bộ cấp trên cơ sở có tổ chức hoạt động thống nhất trong toàn Ngành (tháng 5/2009). Trải qua 6 nhiệm kỳ với những bước kiện toàn, phát triển, đến nay, Đảng bộ KTNN đã có 34 tổ chức cơ sở đảng với tổng số 1.504 đảng viên. Hoạt động của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và các Ban tham mưu của Đảng ủy KTNN ngày càng nền nếp, khoa học và hiệu quả.
Việc thành lập các chi bộ sinh hoạt tạm thời đối với đoàn kiểm toán đã giúp phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của các đoàn kiểm toán, duy trì chế độ sinh hoạt đảng đối với đảng viên, đảm bảo quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên trong thời gian đi kiểm toán một cách chặt chẽ, nghiêm túc và hiệu quả hơn.

14 - Tăng cường hội nhập, nâng cao vị thế của KTNN trên trường quốc tế

Sau gần 1/4 thế kỷ xây dựng, phát triển và trưởng thành, KTNN đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 130 cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới; đã ký kết 28 thỏa thuận hợp tác với các cơ quan kiểm toán tối cao và các tổ chức kế toán, kiểm toán quốc tế.


KTNN đã trở thành thành viên của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) từ tháng 7/1996; thành viên nhóm công tác của INTOSAI về kiểm toán ngành công nghiệp khai khoáng (năm 2013); thành viên nhóm công tác của INTOSAI về kiểm toán môi trường (năm 2018); thành viên của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) từ tháng 01/1997; thành viên Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2009-2012 và giai đoạn 2015-2024; Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. KTNN còn là thành viên đồng sáng lập của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) vào tháng 11/2011, là Chủ tịch Uỷ ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI từ khi Tổ chức được thành lập đến nay và hoàn thành xuất sắc vai trò này giai đoạn 2015-2017. KTNN đã và đang khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín ngày càng lớn mạnh trong khu vực và thế giới.

15 - Đại hội ASOSAI 14 thành công tốt đẹp, KTNN trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021

Đại hội ASOSAI - diễn đàn hợp tác đa phương lớn nhất và là cơ quan cao nhất của ASOSAI - lần thứ 14 do KTNN Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức, diễn ra từ ngày 19 - 22/9/2018, tại Hà Nội. Đại hội có sự tham dự của các đoàn đại biểu quốc tế đại diện cho các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đến từ 46 quốc gia thuộc khu vực châu Á và các quốc gia đại diện cho INTOSAI; hơn 400 khách mời trong nước, các tổ chức quốc tế và Đại sứ quán một số quốc gia tại Việt Nam.


Đại hội đã thành công tốt đẹp, đặc biệt là các kết quả đáng ghi nhận của Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và việc thông qua “Tuyên bố Hà Nội”. Việc được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 đã giúp KTNN khẳng định uy tín, vị trí, vai trò của mình đối với các SAI thành viên và các tổ chức quốc tế; minh chứng sự trưởng thành và phát triển, có thể đảm đương tốt các trách nhiệm quốc tế trong cộng đồng ASOSAI và nâng cao uy tín trên trường quốc tế.
Hiện nay, KTNN đang tích cực triển khai các hoạt động trong vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.


16 - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong hoạt động kiểm toán

Những năm qua, KTNN luôn quan tâm tới việc phát triển và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của Ngành. Ngày 09/4/2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 735/CT-KTNN về tăng cường ứng dụng CNTT trong các hoạt động của KTNN nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cũng như hoạt động kiểm toán. Năm 2019, KTNN ban hành Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, qua đó khẳng định quyết tâm của lãnh đạo KTNN trong việc thực hiện mục tiêu hiện đại hóa mọi mặt hoạt động của KTNN, bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới.


Đến nay, KTNN đã triển khai nâng cấp, đầu tư hạ tầng CNTT đảm bảo hoạt động an toàn, bảo mật cho hệ thống mạng KTNN. KTNN cũng đã xây dựng được một số ứng dụng hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành và quản lý nội bộ của Ngành; xây dựng, triển khai và đưa vào áp dụng hệ thống các phần mềm giúp hỗ trợ công tác kiểm toán từ khâu lập kế hoạch kiểm toán đến khâu theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán. Ngoài ra, KTNN đang tiến hành xây dựng phần mềm quản lý hoạt động kiểm toán và hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán cho các lĩnh vực: DN, ngân hàng và ngân sách.

Trong giai đoạn tới, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của KTNN tiếp tục được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số, đáp ứng hội nhập quốc tế.

17 - Công tác nghiên cứu khoa họcđạt nhiều kết quả tích cực

KTNN chính thức được công nhận là đầu mối khoa học và công nghệ từ năm 1996. Cho đến nay, KTNN đã thực hiện tổng cộng 461 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, bao gồm: 2 đề tài cấp Nhà nước, 200 đề tài cấp Bộ và 259 đề tài cấp Cơ sở. Kết quả nghiên cứu của các đề tài cơ bản được ứng dụng vào thực tiễn hoạt động của KTNN. Các đề tài nghiên cứu đã hoàn thành mục tiêu, nội dung nghiên cứu và được đánh giá tương đối tốt. Đặc biệt, trong giai đoạn 1996-2005, khoảng 30% đề tài các cấp đạt kết quả xuất sắc, 60% đề tài đạt loại khá và 10% đề tài đạt yêu cầu.


Một trong những điểm nổi bật đáng ghi nhận trong hoạt động nghiên cứu khoa học của KTNN là có tính ứng dụng cao. Các đề tài đã tiếp cận và nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực kiểm toán mới như: kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán lồng ghép, kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, kiểm toán quá trình tái cơ cấu, kiểm toán nợ công, kiểm toán dự án BOT, BT, kiểm toán xác định giá trị DN trước khi cổ phần hóa… Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã giúp các đoàn kiểm toán có cách tiếp cận mới và hoàn thiện phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán.

18 - Tổ chức hàng nghìn lớp đào tạo,bồi dưỡng cho công chức, viên chức,kiểm toán viên

Cùng với công tác nghiên cứu khoa học, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cũng đã được KTNN chú trọng triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, kiểm toán viên.


25 năm qua, KTNN đã tổ chức cho 4.866 lượt công chức, viên chức tham gia 70 lớp bồi dưỡng các ngạch kiểm toán viên nhà nước và 1.132 lớp bồi dưỡng tập huấn, cập nhật kiến thức cho 60.053 lượt công chức, viên chức. Hơn 294 lượt công chức, viên chức theo học các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp và 1.689 lượt công chức, viên chức theo học các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. 9.645 lượt công chức, viên chức tham gia 341 lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức tin học và ngoại ngữ. 1.900 lượt công chức, viên chức tham gia các đoàn công tác tập huấn, đào tạo tại nước ngoài về công tác kiểm toán (trong đó có 8 tiến sĩ và 22 thạc sĩ). KTNN cũng đã cử 389 công chức, viên chức tham gia học tập, nâng cao trình độ văn bằng 2, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; 47 công chức tham gia học Chứng chỉ kiểm toán ACCA, CPA Australia; 780 lượt công chức, viên chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh.

19 - Ký kết Quy chế phối hợp với nhiều Bộ, ngành, địa phương

Xác định vai trò quan trọng của công tác phối hợp giữa KTNN và các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của KTNN, trong những năm qua, KTNN đã ký Quy chế phối hợp công tác với hơn 20 Bộ, ngành và 61 cơ quan Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Việc ký kết và triển khai thực hiện các quy chế phối hợp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán và chất lượng thông tin phục vụ công tác giám sát của Quốc hội, HĐND, UBND các cấp đối với quá trình quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.


KTNN còn ký kết Quy chế phối hợp với 5 cơ quan báo chí gồm: Thông Tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Đại biểu nhân dân nhằm triển khai tốt công tác thông tin, truyên truyền về KTNN, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của KTNN trên trường quốc tế.

Ngoài ra, KTNN đã thực hiện ký kết Quy chế phối hợp với các tổ chức, hội nghề nghiệp nhằm không ngừng gia tăng giá trị và trách nhiệm trong quá trình hợp tác, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp kiểm toán viên nhà nước.

20 - Chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đạt hiệu quả tốt

Bám sát định hướng của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, KTNN đã chủ động xây dựng Kế hoạch kiểm toán hằng năm có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan và đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ. Điểm khác biệt, đổi mới so với các năm trước là Kế hoạch kiểm toán từ năm 2018 trở lại đây đã công khai rõ các đầu mối, đơn vị được kiểm toán và xác định chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, đầu mối, dự án được kiểm toán; qua đó góp phần tăng cường tính minh bạch; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được kiểm toán; hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra; giảm thiểu sự phiền hà đối với các đối tượng được thanh tra, kiểm toán.


Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thanh tra Chính phủ được thực hiện nghiêm túc giữa hai cơ quan, trong đó hai bên phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra hằng năm; xử lý trùng lặp khi thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán. Hai cơ quan cũng thống nhất, sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động để tiếp tục thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tránh chồng chéo, trùng lặp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, kiểm toán.

21 - Tổ chức nhiều hoạt động an sinhxã hội thiết thực

Công tác an sinh xã hội được KTNN quan tâm và thực hiện đạt những kết quả thiết thực. Hằng năm, Công đoàn KTNN vận động cán bộ, đoàn viên công đoàn ủng hộ từ 2 - 3 ngày lương vào Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ nhân dân ở các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai với tổng số tiền hàng tỷ đồng. Từ khi thành lập, Công đoàn KTNN tích cực triển khai các hoạt động xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, tổ chức thăm và tặng quà các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng... với tổng số tiền trên 16,3 tỷ đồng; xây tặng 192 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách xã hội tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước với tổng trị giá trên 19 tỷ đồng.

22 - Danh hiệu thi đua, khen thưởngdành cho cá nhân và tập thể

Với những thành tựu đạt được trong 25 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể KTNN đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2014), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2008), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2004); 2 lần được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 1999, 2004); 4 lần được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.


Đảng bộ KTNN từ năm 2004 đến nay luôn đạt “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”, năm 2008 được tặng Bằng khen của Đảng uỷ Khối các cơ quan T.Ư; năm 2009 được tặng Cờ thi đua của Đảng uỷ Khối các cơ quan T.Ư…

Công đoàn KTNN được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2015), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2009); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2004); Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động (năm 2003); Cờ thi đua xuất sắc của Công đoàn viên chức Việt Nam (năm 2002)…

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh KTNN được tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba” (năm 2009); được T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM tặng nhiều Bằng khen…

Ngoài ra, hàng trăm tập thể và cá nhân đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu cao quý.

23 - Biểu dương các cuộc kiểm toántiêu biểu thông qua phong trào thi đuađạt danh hiệu “Cuộc kiểm toánchất lượng vàng”

Nhiều năm gần đây, KTNN đều phát động phong trào thi đua đạt danh hiệu “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng” trong thực hiện các cuộc kiểm toán theo Kế hoạch kiểm toán năm.

Cuộc kiểm toán chất lượng vàng phải đảm bảo các tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại được quy định tại Quyết định số 1793/QĐ-KTNN ngày 04/11/2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Việc bình chọn và tặng Bằng khen cho các “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng” đã kịp thời động viên, ghi nhận, biểu dương các cuộc kiểm toán tiêu biểu, tạo khí thế thi đua sôi nổi, ý chí quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Điển hình năm 2017 đã có 17 cuộc kiểm toán xuất sắc đạt tiêu chuẩn “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng”, được nhận Bằng khen của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước tặng Bằng khen và Cúp cho 14 cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng; tặng Bằng khen cho 8 cuộc kiểm toán có thành tích xuất sắc.

24 - Phát triển cơ sở vật chấtvà đưa trang phục mới vào sử dụng


Được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của toàn Ngành, cơ sở vật chất của KTNN được cải thiện qua từng năm. Công trình trụ sở cơ quan KTNN (số 116 Nguyễn Chánh, quận Cầu giấy, TP. Hà Nội) đã được hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng từ cuối năm 2017. Cùng với đó, KTNN tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và thủ tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Trong năm 2018, công trình xây dựng trụ sở KTNN khu vực X (tại Thái Nguyên) và KTNN khu vực V (tại Cần Thơ) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự án Xây dựng trụ sở KTNN khu vực I (tại Hà Nội) và Dự án Xây dựng trụ sở KTNN khu vực XIII (tại Đồng Nai) đã được phê duyệt, chuẩn bị khởi công; Dự án Xây dựng trụ sở KTNN khu vực III được phê duyệt chủ trương đầu tư. Đồng thời, Dự án Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (trụ sở chính tại Hà Nội và phân hiệu phía Nam), Dự án Cải tạo trụ sở làm việc của KTNN tại 111 Trần Duy Hưng - Hà Nội đã được khởi công trong năm 2018, đang được khẩn trương triển khai thi công.

Đầu năm 2018, cán bộ, công chức, viên chức KTNN đã bắt đầu sử dụng trang phục mới theo quy định. Việc đổi mới trang phục hướng đến chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; giúp nâng cao kỷ cương, danh dự, trách nhiệm nghề nghiệp của công chức, viên chức KTNN; góp phần để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

25 - Xây dựng các tổ chức chính trị -xã hội vững mạnh

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn KTNN đã bám sát nhiệm vụ chính trị của KTNN, luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy KTNN và lãnh đạo KTNN, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước thành chương trình, kế hoạch để mọi hoạt động công đoàn luôn đúng định hướng và đạt nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ.


Công đoàn luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo không khí dân chủ trong cơ quan, đơn vị; vận động đoàn viên chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của công đoàn cấp trên; tham gia học tập, quán triệt các Nghị quyết T.Ư. Tuyên truyền, vận động đoàn viên hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và của KTNN.

Ngày 22/12/2010, Hội Cựu chiến binh KTNN đã được thành lập; Đại hội Hội cựu chiến binh KTNN lần thứ nhất đã được tổ chức tháng 11/2012. Từ khi đi vào hoạt động, Hội luôn tích cực phổ biến, triển khai tuyên truyền đến hội viên nghiêm túc thực hiện các văn bản pháp luật, chỉ thị của Nhà nước của T.Ư Hội và Đảng ủy KTNN; hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Công tác đền ơn đáp nghĩa được các cấp Hội luôn quan tâm, phối hợp với đơn vị và các đoàn thể trong Ngành tổ chức về nguồn; trao tặng quà và nhà tình nghĩa cho nhiều cá nhân, gia đình chính sách...

Trải qua 9 kỳ đại hội, được sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ KTNN và Đoàn cấp trên, đến nay, cơ cấu tổ chức Đoàn thanh niên KTNN đã được kiện toàn và thống nhất trong toàn Ngành gồm 31 chi đoàn cơ sở với tổng số 1.007 đoàn viên (có 290 đảng viên tham gia sinh hoạt đoàn). Trong đó, 100% đoàn viên thanh niên có trình độ đại học, 60 đoàn viên thanh niên đang học cao học, 250 thạc sĩ, 8 nghiên cứu sinh, 7 tiến sĩ; có 11 đoàn viên thanh niên là trưởng phòng, 55 phó trưởng phòng; nhiều đoàn viên thanh niên được giao đảm nhận những vị trí công tác quan trọng của các đơn vị trực thuộc KTNN cũng như các đoàn kiểm toán và nhiều đoàn viên khác nằm trong diện quy hoạch cán bộ cấp vụ, cấp phòng.

Trong những năm qua, Đoàn thanh niên KTNN luôn đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: “Tháng thanh niên”, “Đền ơn đáp nghĩa”; “Uống nước nhớ nguồn”, “Vì đàn em thân yêu”, “Vì biên giới thân yêu” và các phong trào văn hóa, văn nghệ, phong trào thanh niên KTNN xung kích vào những khâu yếu, việc khó trong mọi hoạt động của KTNN...; có nhiều đóng góp quan trọng, tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển KTNN.