QUẢN LÝ DỰ ÁN BOT: Cần dung hòa lợi ích các bên

Đầu tư - Ngày đăng : 09:20, 09/06/2016

(BKTO) - Tại “Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theohình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao)giai đoạn 2011-2015” do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý, Phó Thủ tướngTrịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ cần tăng cường kiểm soát đầu tư BOT từ khâu chuẩnbị, lập dự án cho đến khảo sát, giải phóng mặt bằng, nghiệm thu bàn giao, xâydựng nhằm đảm bảo lợi ích người dân và nhà đầu tư, đảm bảo minh bạch thu phí,minh bạch trong lựa chọn nhà thầu.



Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và BT.Ảnh:LÊ HÒA
Hạ tầng thay đổi nhưng thu phí gây nhiều bức xúc

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia việc đầu tư theo hình thức BOT và BT đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông, nhưng đi kèm theo đó là nhiều bất cập mà các dự án này mang lại, gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây.

TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn nêu rõ, Bộ GTVT phải đặt lại câu hỏi tại sao chủ yếu là DN đầu tư vào lĩnh vực đường bộ và hoàn vốn thông qua các trạm thu phí, còn đường sắt và hàng không đến nay chưa có dự án BOT nào được ký kết. Ý kiến này được ông Thiên đưa ra khi báo cáo của Bộ GTVT cho biết “2 lĩnh vực chưa huy động được dự án BOT và BT nào là đường sắt và hàng không”.

Trong khi đó, giai đoạn 5 năm (2011-2015), tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mà Bộ GTVT đã huy động là hơn 444 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn tư nhân gần 187 nghìn tỷ đồng tại 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT (trong đó, lĩnh vực đường bộ có 58 dự án). Đến nay, giải ngân vốn tư nhân giai đoạn này đã đạt khoảng 122 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhìn nhận, hiện các tuyến đường BOT đang tồn tại nhiều hạn chế: nhất là việc đặt các trạm thu phí không đúng, rất gần nhau, quá manh mún. Đơn cử như tuyến Hà Nội - Thái Bình với chiều dài 100 km nhưng có tới 4 trạm BOT, phí đường bộ cao hơn cả xăng dầu, khiến chi phí giá thành của các DN vận tải quá lớn.

Rất nhiều người dân, DN vừa qua đã tỏ rõ sự bức xúc khi khoảng cách giữa các trạm thu phí quá gần. Trong 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, có đến 20 trạm có khoảng cách dưới 60km, trong khi đó theo quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí phải là 70km. Mặc dù lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định đã làm đúng quy trình nhưng vẫn thừa nhận việc xây dựng, quy hoạch trạm thu phí hiện chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Để khắc phục bất cập này, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành Thông tư về quy trình, nguyên tắc xác định trạm thu phí, mức phí và tham vấn người sử dụng nhằm đảm bảo tính minh bạch.

Nâng cao vai trò quản lý, tham gia của Nhà nước

Việc làm trên là hết sức cần thiết, bởi theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án hợp tác công - tư (PPP) trong từng lĩnh vực. Trong đó, tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP có hỗ trợ của Nhà nước các dự án đường cao tốc với chiều dài khoảng 751km, nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện có, đầu tư đồng thời tuyến cũ và tuyến mới; huy động nguồn vốn xã hội hóa (XHH) theo hình thức DN tự đầu tư đối với hệ thống nhà ga, kho, bãi, khu ga hàng đường sắt…

Bộ GTVT ước tính, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 1.039 nghìn tỷ đồng cho các dự án do Bộ trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, theo dự kiến, NSNN chỉ có thể đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu do nguồn vốn ODA đang thu hẹp, nợ công đang ở mức cao. Để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đó thì giải pháp đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân vào đầu tư là tất yếu.

TS.Trần Đình Thiên cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, cần phải phân bổ lại nguồn lực, tăng đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài đường bộ. Ngoài ra, xét về mức phí đầu tư và suất đầu tư sau kiểm toán thì suất đầu tư và chi phí dự án BOT giao thông của Việt Nam hiện còn rất cao so với thế giới. Vì vậy, sau khi thanh tra, kiểm toán công trình, nếu suất đầu tư cao quá, Nhà nước cần tham gia hỗ trợ nhà đầu tư, kéo dài thời gian thu phí để hạ mức phí trên các tuyến đường BOT. Nếu cần, có thể lấy ngân sách bù lãi suất, bù lỗ cho DN trong chừng mực nhất định để dung hòa lợi ích các bên.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Ngọc Bảo, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập, việc thực hiện nhiều dự án BOT mới nhìn trước mắt chứ chưa có quy hoạch vùng. Do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tăng cường công tác thanh tra giám sát, đánh giá tác động, phân bổ nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức trong và ngoài nước, vốn đầu tư Nhà nước cần tham gia tỷ lệ thích hợp (khoảng 20%), các cơ quan Nhà nước chủ động làm việc nhà đầu tư, định hướng cho các Nhà đầu tư.

Từ thực tiễn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, bên cạnh nhiều nhà đầu tư có tâm huyết, cũng có những nhà đầu tư năng lực hạn chế, nguồn vốn đầu tư phụ thuộc vào vốn ngân hàng, tính toán chưa chính xác khối lượng thực tế với khối lượng ban đầu dẫn đến việc thu phí quá cao. Do đó, Bộ GTVT cần sớm rà soát lại việc bố trí các trạm thu phí sao cho hợp lý, tránh tình trạng trạm thu phí dày đặc khiến dư luận bức xúc.

LÊ HÒA