Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thăm và làm việc với KTNN

Chính trị - Ngày đăng : 20:21, 18/07/2019

(BKTO) - Sáng 18/7, tại trụ sở KTNN (số 116 Nguyễn Chánh- Cầu Giấy- Hà Nội), KTNN vinh dự được đón đồng chí Trần Quốc Vượng- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tới thăm và làm việc.


                
   

Quang cảnh buổi làm việc củaỦy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng với KTNN

   

Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình- Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư; Bùi Thị Minh Hoài- Ủy viên T.Ư Đảng- Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Võ Văn Dũng- Ủy viên T.Ư Đảng- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính T.Ư; Bùi Văn Thạch- Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng; Nguyễn Hữu Nghĩa- Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư; Dương Quốc Hưng- Trợ lý Thường trực Ban Bí thư và các đại biểu thuộc Văn phòng T.Ư Đảng, các Ban Đảng T.Ư…

Về phía KTNN có đồng chí Hồ Đức Phớc- Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Nguyễn Quang Thành, Đoàn Xuân Tiên, Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, Nguyễn Tuấn Anh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.

Trước chương trình làm việc chính thức, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đại biểu đã thăm Phòng Truyền thống và Trung tâm dữ liệu của KTNN.

Bước vào chương trình làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng và các đại biểu đã nghe Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018, 6 tháng đầu năm 2019 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của KTNN.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của KTNN

   

Báo cáo nêu rõ, trong những năm qua, KTNN luôn bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động kiểm toán; Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN và Tổng KTNN đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của Đảng và Nhà nước sát hợp điều kiện thực tiễn của KTNN. Nhờ vậy, KTNN đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, tích cực phòng, chống tham nhũng (PCTN) và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
         
Năm 2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng (trong đó tăng thu, giảm chi NSNN là 44.466 tỷ đồng), cao nhất trong 25 năm hoạt động của KTNN; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 160 văn bản pháp luật; chuyển hồ sơ 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan Cảnh sát điều tra; cung cấp 146 hồ sơ và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Trong 6 tháng đầu năm 2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 37.513,4 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN là 19.105,5 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 02 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan Cảnh sát điều tra; cung cấp 31 hồ sơ và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Qua công tác kiểm toán, KTNN phát hiện và chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công như: Công tác quản lý hoàn thuế GTGT còn bất cập, sai sót; Hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến; nhiều dự án điều chỉnh quy mô trái thẩm quyền, sai khối lượng, đơn giá...; Kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT phát hiện nhiều bất cập; Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được hoàn thiện, nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; Tình hình cân đối Quỹ bảo hiểm y tế từng năm không ổn định; Kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2017 đã phát hiện nhiều sai phạm và bất cập chính sách quản lý, sử dụng đất đai...

Về công tác Đảng, Đoàn thể, báo cáo do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành trình bày cho biết, đến nay, Đảng bộ KTNN là đảng bộ cấp trên cơ sở có 34 tổ chức đảng trực thuộc, gồm 14 đảng bộ cơ sở, 10 đảng bộ bộ phận, 04 chi bộ cơ sở, 06 chi bộ trực thuộc với 1.512 đảng viên, chiếm 71,7% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành. Đảng bộ KTNN luôn chỉ đạo sinh hoạt chi bộ tạm thời trong thời gian đi kiểm toán và thu được kết quả cao; luôn được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Về tổ chức bộ máy, KTNN hiện có 32 đơn vị cấp vụ gồm: 08 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực, 07 đơn vị tham mưu, 03 đơn vị sự nghiệp và Văn phòng Đảng - Đoàn thể. Hệ thống tổ chức của KTNN theo mô hình tập trung, thống nhất, đảm bảo tính độc lập trong hoạt động. Đây là đặc điểm thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động kiểm toán nói chung và công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán nói riêng, cũng như tổ chức thực hiện công tác PCTN trong nội ngành của KTNN.
         
Góp phần tích cực vào công tác PCTN, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, KTNN đã chuyển hồ sơ 07 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan Cảnh sát điều tra, gồm:
   (1) Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng trong việc giải quyết cho thông quan 30 xe ô tô từ nước ngoài về Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, gây thất thu NSNN 55,9 tỷ đồng.
   (2) Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty MTV Dệt 19/5 Hà Nội trong việc quản lý tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước có dấu hiệu gây thất thoát hơn 319 tỷ đồng.
   (3) Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Ban Quản lý dự án Công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn về hành vi để ngoài sổ sách 22 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án không phản ánh trung thực số liệu phát sinh 1.626,1 tỷ đồng trên tài khoản theo quy định, tiềm ẩn những sai phạm ở phạm vi và mức độ rộng.
   (4) Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương trong việc lựa chọn hình thức mua sắm trực tiếp không qua đấu thầu rộng rãi đối với 02 gói thầu mua sắm thuốc cho năm 2017 với giá trị 679,1 tỷ đồng trái quy định.
   (5) Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế, nghiệm thu thanh toán khối lượng xây dựng tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình Thủy Lợi Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông có dấu hiệu vi phạm pháp luật, giá trị khối lượng nghiệm thu thanh toán vượt so với thực tế thi công 7,4 tỷ đồng.
   (6) Vụ việc Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa Công ty mẹ và Công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 342,7 tỷ đồng.
   (7) Vụ việc Công ty TNHH xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỷ đồng.

Báo cáo cũng đề cập đến 05 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của KTNN liên quan đến việc hoàn thiện cơ sở pháp lý; hoạt động kiểm toán; Đề án tổ chức và biên chế; phát huy vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021; đảm bảo cơ sở vật chất và đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhân dịp này, KTNN đã đề xuất và xin ý kiến đồng chí Thường trực Ban Bí thư về vấn đề hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của KTNN; cho phép KTNN xây dựng Đề án Tổ chức và biên chế của KTNN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035.

Tiếp đó, dưới sự chủ trì của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, trao đổi, thảo luận về phương diện công tác Đảng của KTNN, trong đó tập trung đánh giá những kết quả nổi trội, ấn tượng của KTNN năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019; đề cập đến những vấn đề cần thiết để KTNN làm tốt hơn nhiệm vụ của mình trước yêu cầu của đất nước; về nhiệm vụ sắp tới của KTNN, nhất là các công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025.
                
   

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chủ trì buổi làm việc với KTNN

   

Giải trình một số ý kiến của các đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, những con số kiến nghị xử lý tài chính qua kết quả kiểm toán trong những năm gần đây tăng mạnh, phát hiện ra thất thoát nhiều là do cơ chế chính sách còn lỗ hổng và do sự buông lỏng quản lý trong một thời gian dài đến khi siết lại thì mới rõ ra một số vấn đề thất thoát, lãng phí nhiều, đặc biệt là trong 3 lĩnh vực: thất thu thuế; quản lý đất đai; quản lý và thực hiện các dự án ODA.

Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đưa ra dẫn chứng làm rõ thêm vai trò, điểm khác biệt và kết quả kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của KTNN so với kết quả của các cơ quan kiểm toán độc lập.
                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc giải trình một số ý kiến của các đại biểu

   

Về công tác Đảng ở KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, KTNN luôn siết chặt vấn đề sinh hoạt Đảng cũng như công tác kiểm tra của Đảng, thực hiện nghiêm túc những quy định về sinh hoạt chi bộ, tổ chức sinh hoạt chi bộ tạm thời của các đoàn kiểm toán; đánh giá kiểm điểm đảng viên; tăng cường công tác giám sát nội bộ…

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà KTNN đã đạt được trong 25 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây. Đồng thời, đồng chí Thường trực Ban Bí thư đánh giá, KTNN đã luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nội bộ lãnh đạo KTNN luôn có sự đoàn kết, nhất trí.

“Kết quả mà các đồng chí đạt được trong thời gian vừa qua ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan KTNN trong bộ máy nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các đồng chí đã tạo niềm tin với Đảng, Nhà nước và nhân dân” – Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định.
                
   

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với KTNN

   

Chỉ đạo những vấn đề cần quan tâm và phương hướng nhiệm vụ của KTNN trong thời gian tới, đồng chí Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh:

Thứ nhất, hoạt động kiểm toán phải luôn bám sát nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phục vụ đắc lực thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội; giữ gìn và ổn định chính trị xã hội, góp phần vào đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây chính là mục tiêu, là trọng tâm của KTNN.

Thứ hai, KTNN là thiết chế đặc thù, trực thuộc phục vụ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có tính chất hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Do vậy, phương thức hoạt động của KTNN, kết luận, kiến nghị của KTNN phải thực sự có hiệu quả và chất lượng, từng bước xứng tầm với địa vị pháp lý được Hiến định.

Thứ ba, KTNN phải chủ động hơn nữa trong công tác PCTN, lãng phí, trước hết tập trung vào những lĩnh vực, đối tượng kiểm toán có nhiều nguy cơ tham những, lãng phí như đất đai, các dự án đầu tư xây dựng công trình, cổ phần hóa DNNN…

Thứ tư, phải chú trọng công tác xây dựng Đảng để KTNN phát triển một cách căn cơ, khoa học, để KTNN trở thành cơ quan kiểm tra, giám sát tài chính công, tài sản công có uy tín, trách nhiệm và chuyên nghiệp cao, tiến tới hiện đại.

Tin và ảnh: H.THOAN - N.LỘC