Bất cập trong đào tạo nhân lực y tế
Xã hội - Ngày đăng : 14:00, 29/09/2016
(BKTO) - Nhân lực thiếu về số lượng, yếu về trình độ vẫn là bài toán đau đầu củangành Y tế nhiều năm qua. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu chămsóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, dân số tăng và già hóa, sự thay đổi môhình bệnh tật chính là những thách thức lớn đặt ra, đòi hỏi phải có những đổi mớitrong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế.
Thiếu cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo
Phát biểu tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nhân lực y tế diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân ở Việt Nam hiện mới đạt 7,8; cán bộ y tế/vạn dân khoảng 20 người, trong khi mức trung bình của thế giới lần lượt là 20 và 50. Điều này cho thấy Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng số lượng lẫn chất lượng cán bộ y tế.
Chất lượng nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế Ảnh: TS
Trong khi đó, thực trạng đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam hiện bộc lộ nhiều bất cập. Ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2008 đến nay số lượng các cơ sở đào tạo trình độ đại học y khoa tăng nhanh, từ 8 lên 24 trường, nhưng nhiều tiêu chí đối với chuyên ngành đào tạo này chưa được chú trọng đúng mức như cơ sở thực hành, chuyên môn của giảng viên… Làm rõ hơn thực tế này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng: Tại Nhật Bản, sau 40 năm mới có thêm một trường đại học được đào tạo bác sĩ dù trường đào tạo điều dưỡng, kỹ thuật viên rất nhiều, trong khi ở nước ta cả trường đại học đa ngành cũng được đào tạo bác sĩ. Chưa kể với nguồn tài chính hiện nay, các trường y chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành đáp ứng yêu cầu học tập của sinh viên.
Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo y khoa ở Việt Nam hiện chưa rõ ràng, mới ở mức kiểm định cơ sở đào tạo mà chưa tiếp cận đến chương trình đào tạo; việc đánh giá sinh viên nặng về kiến thức thay vì năng lực, kỹ năng thực hành. Công tác đào tạo sau đại học đang tồn tại hai hệ thống song song về nghiên cứu (theo học vị thạc sĩ, tiến sĩ) và khám chữa bệnh (bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II). Trong lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề, chưa có cơ chế rõ ràng để kiểm soát chất lượng khi không thi sát hạch; chứng chỉ cấp một lần được sử dụng vĩnh viễn; cơ chế giám sát đào tạo liên tục kém hiệu quả, không rõ ràng, không kiểm định…
Ở góc nhìn khác, báo cáo kiểm toán Bộ Y tế năm 2013 của KTNN đã chỉ ra một thực tế bất cập trong công tác tuyển sinh, đào tạo của ngành Y. Đó là việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh chưa phù hợp với điều kiện về đội ngũ cán bộ và diện tích sàn xây dựng. Theo Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT ngày 2/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh: số sinh viên/1 giảng viên quy đổi nhóm trường Y dược là 15 sinh viên/giảng viên và diện tích sàn là 2m2/sinh viên). Tuy nhiên, qua kiểm tra chi tiết tại 3 trường và một số Viện, bệnh viện, cho thấy có đơn vị tuyển sinh vượt quá năng lực, một số đơn vị lại được giao chỉ tiêu tuyển sinh thấp hơn nhiều so với năng lực thực tế. Điển hình như trường Đại học Dược Hà Nội, chỉ tiêu tuyển sinh lên đến 23 sinh viên/1 giảng viên quy đổi và diện tích sàn chỉ đạt 1,8m2/sinh viên. Trong khi đó, hai đơn vị được coi là chủ lực trong đào tạo nhân lực y dược lại vượt mức quy định cả 2 tiêu chí trên và chưa đạt khả năng tối đa cho phép: Trường Đại học Y Hà Nội chỉ đạt 66,7% (10 sinh viên/giảng viên quy đổi, diện tích sàn là 3m2/sinh viên); Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 67% (10 sinh viên/giảng viên quy đổi, diện tích sàn là 2,85m2/sinh viên).
Cần thay đổi cả về chất và lượng
Trước những bất cập trên, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế là yêu bức thiết đặt ra. Chia sẻ kinh nghiệm vấn đề này, GS. Lincoln C. Chen - Đại học Harvard - Hoa Kỳ cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là cần xác định mục tiêu đào tạo y khoa theo hướng nghiên cứu hay khám chữa bệnh. “Nếu là định hướng khám chữa bệnh thì cơ sở thực hành cho sinh viên y khoa tại Việt Nam là vấn đề đáng lưu tâm và cần phải được chuẩn hóa về người giảng dạy cũng như khả năng tiếp nhận sinh viên thực hành”- GS. Chen nói.
Đồng tình quan điểm này, GS.TS Trần Bình Giang - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đứccho rằng, chất lượng nhân lực y tế nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa có chuẩn “đầu ra”. Trong khi nhiều nước trên thế giới 6 năm chưa đủ để hành nghề mà bắt buộc đào tạo 12-13 năm, trong đó việc đào tạo thực hành chiếm một nửa thời gian, còn Việt Nam đang đào tạo bác sĩ 6 năm, sinh viên ra trường đi làm với kiến thức thuần lý thuyết, chắc chắn không làm được mà phải “đi theo đàn anh” để học tập.
Từ thực tế trên, Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất mô hình đào tạo mới theo hướng, Bộ Y tế sẽ quản lý hệ hành nghề khám chữa bệnh, cấp bằng cử nhân y khoa, chứng chỉ hành nghề…, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quản lý hệ nghiên cứu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, công tác đào tạo nhân lực y tế cần sự chỉ đạo thống nhất, linh hoạt của cơ quan quản lý cũng như sự đồng thuận, tham gia tích cực của cả hệ thống đào tạo nhân lực y tế.
NGUYỄN HỒNG