Chậm giải ngân nguồn vốn ODA: Tình trạng đáng báo động!

Đối nội - Ngày đăng : 15:46, 24/07/2019

(BKTO) - Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ODA và vay ưu đãi là 360.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2019, con số giao cho dự toán NSNN giai đoạn 2016-2019 chỉ là 244.000 tỷ đồng. Riêng năm 2019, dự toán Quốc hội giao 60.000 tỷ đồng, nhưng giải ngân sau 5 tháng mới đạt trên 1.000 tỷ đồng, bằng 5,6% kế hoạch. Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, sự chậm trễ này là tình trạng rất đáng báo động.


Những nguyên nhân“thâm căn cố đế”

Phát biểu tại Hội nghị “Thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi”, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB - nhận định, thời gian trước, Việt Nam có tốc độ giải ngân nhanh và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, trong mấy năm qua, tốc độ bị chậm lại, trung bình chỉ bằng 1/2 so với các quốc gia khác đang nhận tài trợ. Cụ thể, tổng số vốn cam kết giải ngân năm 2018 của Việt Nam là 28,9 tỷ USD, nhưng có đến 16,9 tỷ USD chưa được giải ngân. Trong tổng số vốn này, phần lớn là vốn ODA và các khoản vay ưu đãi. Như vậy, tỷ lệ giải ngân năm 2018 của Việt Nam chỉ ở mức 11,2%, rất thấp khi so sánh với các quốc gia khác (tỷ lệ trung bình toàn cầu của ADB là 21% và của Ngân hàng Thế giới là 20,2%).

Ông Eric Sidgwick cũng chỉ rõ, theo khảo sát của ADB tại 81 đơn vị thực hiện dự án vào quý I/2019, có 4 nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Cụ thể là: quy định về quản lý vốn ODA không thống nhất hoặc thường xuyên thay đổi; chậm phê duyệt kế hoạch đầu tư công; phân bổ vốn hằng năm không đáp ứng nhu cầu; cơ quan hữu quan chậm trả lời, phê duyệt khi xem xét.

Đồng quan điểm trên, ông Lưu Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nhấn mạnh: Các nguyên nhân như chậm hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chưa xong thiết kế cơ sở, hay chậm giải phóng mặt bằng là những nguyên nhân “thâm căn cố đế” của tất cả các dự án đầu tư nói chung, không chỉ riêng đối với các dự án sử dụng vốn ODA.

Còn theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chậm trễ trong công tác giải ngân vốn ODA bao gồm:

Thứ nhất, hạn chế và vướng mắc trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 26 khoản vay có nhu cầu giải ngân với tổng trị giá là 3.463 triệu USD ký từ năm 2016 đến nay chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch đầu tư công năm 2019 phân bổ chậm, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Tình trạng này dẫn đến việc rất nhiều Bộ, ngành và địa phương không có nguồn vốn để giải ngân, trong khi nhu cầu thực hiện các dự án là rất cấp bách.

Thứ hai, vướng mắc về thủ tục đầu tư. Việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư của dự án thường kéo dài dẫn đến thời gian triển khai dự án là không đủ. Từ đầu năm đến nay, đã có 37 hiệp định vay phải làm thủ tục gia hạn với nhà tài trợ. Bên cạnh đó, để có thể nhanh chóng ký kết dự án, nhiều Bộ, ngành và địa phương đã cam kết bố trí đủ vốn đối ứng để thực hiện dự án. Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều dự án chưa được bố trí hoặc bố trí không đủ vốn đối ứng dẫn đến việc triển khai các dự án là rất chậm. Trong nhiều trường hợp, các dự án mặc dù được bố trí đủ kế hoạch vốn nhưng công tác chuẩn bị dự án như: tư vấn thiết kế, giải phóng mặt bằng, tái định cư... lại có nhiều bất cập.

Thứ ba, vướng mắc về thủ tục cho vay lại. Hiện nay, công tác thẩm định tài chính, thẩm định tài sản đảm bảo, ký kết và quản lý hợp đồng ủy quyền cho vay lại thường rất chậm. Chủ yếu các địa phương không thể đáp ứng các điều kiện được vay lại nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ như: dự án chưa có kế hoạch vốn trong giai đoạn thực hiện; địa phương có nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài quá hạn trên 180 ngày; công tác thẩm định cho vay lại của địa phương đôi khi bị kéo dài do phải chờ địa phương bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ thẩm định theo quy định.

Thứ tư, vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn. Tính đến nay, có 4 cơ quan T.Ư và 38 địa phương chưa làm thủ tục giải ngân với Bộ Tài chính. Ngoài ra, tình trạng hồ sơ rút vốn sai, thiếu thủ tục vẫn còn phát sinh. Điển hình như: đơn đề nghị rút vốn các khoản chi không đúng chế độ; chi tư vấn quản lý dự án, thực hiện dự án; tạm ứng khi chưa có quyết định giao dự toán vốn…

Tăng cường giám sátvà đánh giá hiệu quảgiải ngân vốn ODA

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, muốn thúc đẩy tiến độ giải ngân của các dự án, các Bộ, ngành, chủ đầu tư phải cùng chung tay vào công tác giải ngân nguồn vốn ODA. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan đến quản lý ODA cần tăng cường phối hợp, giám sát và đánh giá với trọng tâm là tính hiệu quả và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng về các quy định pháp luật mới.

Đưa ra khuyến nghị cho từng vấn đề đang vướng mắc, ông Eric Sidgwick cho rằng, đối với vấn đề thủ tục, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các đối tác phát triển để sửa đổi Nghị định số 132/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP liên quan đến quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Theo đó, các quy định cần đảm bảo tính thống nhất và rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tham gia khác nhau, đơn giản hóa các thủ tục và giảm số lượng các bước phê duyệt để phân cấp đến mức tối đa.

Đối với tính sẵn sàng của dự án, Chính phủ cần giải thích linh hoạt hơn về quy định xác định được nguồn vốn trong Luật Đấu thầu. Chủ đầu tư cần phân bổ vốn đối ứng trước khi phê duyệt khoản vay. Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại diện ADB khuyến nghị cần đơn giản hóa các thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư, đưa các dự án vào kế hoạch và giao vốn hằng năm. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần cập nhật hằng năm hoặc có thể là kế hoạch đầu tư công quay vòng. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tham vấn ý kiến của các đối tác phát triển khi xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, việc phân bổ ngân sách hằng năm phải được thực hiện vào tháng 1, bao gồm cả trong Hệ thống Thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) và phù hợp với nhu cầu của dự án.Việc tái phân bổ và phân bổ bổ sung vốn cần nhanh hơn với quy trình đơn giản để phản ánh nhu cầu giải ngân của dự án. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được phê duyệt với quy trình một bước để phân bổ ngân sách hằng năm.

Theo ông Lưu Quang Khánh, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nguồn vốn ODA và triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 05/10/2018 của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài; đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 93/2009/NĐ-CP về quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 18/7/2019