Tiếp tục phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Chưa đạt mục tiêu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng
Đối nội - Ngày đăng : 08:00, 22/09/2016
(BKTO) - Ngày 21/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành phần lớn thời gian nghe và thảo luận về: Báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Ảnh: TTXVN
Trình bày Báo cáo tóm tắt công tác PCTN năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, công tác PCTN đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Trong đó, KTNN đã ban hành 306 Báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 20.432 tỷ đồng; kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 103 văn bản không phù hợp; cung cấp 13 hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát. Kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính năm 2014 đối với niên độ ngân sách năm 2013 thực hiện đến 15/8/2016 là 14.733 tỷ (đạt 64,3% tổng số kiến nghị).
Về công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 35 vụ, 71 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Từ 01/10/2015 đến 31/7/2016 Cơ quan điều tra thụ lý điều tra 254 vụ án, 627 bị can phạm tội về tham nhũng.
Tuy nhiên, theo Báo cáo, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi. Công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng... Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN...
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, năm 2016, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác PCTN và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”. Trong đó, nhiều tồn tại, hạn chế đã được Ủy ban Tư pháp nêu ra từ những năm trước nhưng chưa có nhiều chuyển biến. Đó là: Thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở một số nơi còn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác PCTN; việc nâng cao trách nhiệm và kỷ luật công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu chậm chuyển biến; tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu; việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự trong xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn diễn ra; số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít và tiếp tục giảm, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng, tiến độ xử lý một số vụ còn để kéo dài; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm; thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ rất thấp...
Đáng lưu ý, theo cơ quan thẩm tra, trong 4 năm gần đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng” như năm 2012 trở về trước, trong khi đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như phản ánh của nhiều người dân và DN thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”. Theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2015 do Tổ chức minh bạch quốc tế công bố thì điểm số của Việt Nam là 31/100 điểm (giữ nguyên từ năm 2012 trở lại đây), đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung, không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi. Cơ quan thẩm tra cho rằng, để xây dựng một Chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính như cam kết trước Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì trước hết phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, các thành viên UBTVQH đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Chính phủ. Các đại biểu cho rằng, báo cáo cần nêu bật và phân tích rõ những tiến bộ, những hạn chế trong công cuộc PCTN cũng như những giải pháp hữu hiệu cho công tác PCTN trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, từ những báo cáo này, từng ngành sẽ phát hiện được những vấn đề trong công tác quản lý, phát hiện những nguyên nhân và tìm ra giải pháp phòng tránh.
Hôm nay (22/9), UBTVQH sẽ bế mạc phiên họp thứ 3. Trước khi bế mạc, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về Hội.
Đ.K