Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước

Đối nội - Ngày đăng : 08:00, 22/09/2016

(BKTO) - Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 3. Việc sửa đổi Luật được kỳ vọng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành; đồng thời thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp về tài sản công; tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.



Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước (sửa đổi) Ảnh: TTXVN

Với tinh thần đó, góp ý vào dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, Luật cần quy định bao quát, thống nhất, cụ thể đầy đủ phạm vi, đối tượng, nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng các loại tài sản công đã được quy định trong Hiến pháp nhằm đảm bảo tài sản công được quản lý chặt chẽ, hiệu quả; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm, xâm hại đến tài sản công; bảo đảm sử dụng tài sản công đúng mục đích, thiết thực vì lợi ích quốc gia.

Theo các đại biểu, bên cạnh những quy định mới tiến bộ, dự thảo Luật còn lúng túng trong việc xác định khái niệm về tài sản công. Khái niệm về tài sản công tại dự thảo Luật chỉ mang tính liệt kê một số loại tài sản mà không đưa ra được định nghĩa chung nhất về các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân, dẫn đến không đủ tính bao quát, không phù hợp với xu thế phát triển, vận động và thay đổi của nền kinh tế. Do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để định nghĩa về tài sản công và quy định ngay các nhóm loại tài sản trong phần khái niệm để phù hợp với Hiến pháp và đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.

Đặc biệt, vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra khi góp ý vào dự thảo Luật. Các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung ngay trong dự thảo Luật đối tượng, tiêu chuẩn, định mức trang bị tài sản công như: xe công, trụ sở làm việc, nhà công vụ trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản dưới luật trong thời gian vừa qua để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch và thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản công.

Đề cập đến bức xúc của dư luận về quản lý xe công, nhà công vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga băn khoăn: "Chính sách có rồi nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa quản lý tốt nhà công vụ, xe công?”. Bà Nga đề nghị Chính phủ cần có báo cáo tổng kết, tổng hợp ý kiến đầy đủ từ các cơ quan, đơn vị có quản lý sử dụng tài sản công để phản ánh đúng tình hình thực tế. Bà Nga cho rằng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải giải quyết được tình trạng sử dụng xe công quá niên hạn, sai mục đích còn nhiều; số lượng xe công vẫn còn lớn; cùng với đó là tình trạng không cho mua xe mới nhưng chi phí sửa chữa hàng năm cho xe cũ lại rất lớn…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh mục tiêu đặt ra của Luật là sử dụng tài sản công, tài sản nhà nước hiệu quả, tiết kiệm, khắc phục yếu kém, bất cập lâu nay, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài sản công. Do đó, Luật đưa ra được nguyên tắc quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực từ tài sản công, căn cứ xác định tiêu chuẩn định mức là cần thiết. Bên cạnh đó, Luật cần đưa vào cơ chế, chế định kiểm tra, thanh tra giám sát để bảo đảm sử dụng hiệu quả tài sản công, bổ sung thêm trách nhiệm của Quốc hội, của các cơ quan được giao tài sản công trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung một điều quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Quốc hội trong việc ban hành các chính sách quốc gia về quản lý, sử dụng tài sản công và các luật chuyên ngành có liên quan, đảm bảo tính thống nhất giữa các luật chuyên ngành và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công đúng Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo phục vụ mục đích phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Đặc biệt, để bảo đảm việc quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu quả và được sự giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời đảm bảo thông tin kịp thời, giúp Quốc hội có căn cứ hoạch định các chính sách quốc gia trong việc quản lý, khai thác nguồn tài sản quốc gia, cơ quan thẩm tra đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm KTNN báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán về tình hình quản lý sử dụng tài sản công hàng năm.

NGUYỄN HỒNG