Khung pháp lý và thực trạng nợ công ở Việt Nam

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:15, 29/07/2019

(BKTO) - Luật Quản lý nợ công (QLNC) mới đã được Quốc hội thông qua năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 thay thế cho Luật QLNC năm 2009, đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng cho hoạt động quản lý nợ công hiện nay.


Nhiều thay đổi trong Luật Quản lý nợ công 2017

Luật Quản lý nợ công (QLNC) mới đã được Quốc hội thông qua năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 thay thế cho Luật QLNC năm 2009, đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng cho hoạt động quản lý nợ công hiện nay.

So với năm 2009, Luật QLNC 2017 đã bổ sung các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế về các công cụ quản lý nợ công, đặc biệt là các chỉ tiêu an toàn nợ công. Ngoài ra, kế hoạch vay - trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay - trả nợ công hằng năm cũng được Luật quy định rất rõ.

Về cơ quan quản lý nợ công, Luật QLNC 2017 đã có bước thay đổi rõ rệt khi quy định Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản giúp Chính phủ quản lý nợ công và Bộ Tài chính cũng là cơ quan đầu mối duy nhất huy động vốn vay thay vì phân cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước như Luật cũ. Bên cạnh đó, Luật mới cũng đã tăng cường thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ, trong đó: Quốc hội quyết định kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, hạn mức bảo lãnh chính phủ 5 năm và quyết định hạn mức cho vay lại. Như vậy, Luật mới đã phát huy nguyên tắc chung là tăng thẩm quyền của tập thể và hạn chế thẩm quyền.

Một điểm nữa là Luật QLNC 2017 đã bổ sung nhiều quy định để tăng cường quản lý, siết chặt đối tượng cho vay lại, trong đó chỉ tập trung cho vay lại với chính quyền địa phương và DN, đơn vị sự nghiệp công lập với các điều kiện thắt chặt, đảm bảo khả năng trả nợ. Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định tăng cường công tác thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro bảo lãnh chính phủ, rủi ro cho vay lại; quy định đảm bảo khả năng trả nợ công, bao gồm: huy động vốn vay trong khả năng trả nợ, bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công, các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đánh giá tác động đến quy mô, khả năng trả nợ; quy định cụ thể quản lý và xử lý rủi ro nợ công.

Đối với việc công khai minh bạch, gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị sử dụng nợ công, Luật mới quy định rõ về thống kê nợ công, thông tin, báo cáo về nợ công; gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng nợ công với trách nhiệm quản lý và sử dụng hiệu qủa nợ công. Đặc biệt, Luật 2017 đã bổ sung một điều riêng về vai trò của KTNN liên quan đến công tác quản lý nợ công.

Mục tiêu quản lý nợ công được xác định là phải đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay để đáp ứng nhu cầu cân đối NSNN và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí, rủi ro phù hợp. Như vậy, ngoài vay cho bù đắp bội chi thì Việt Nam có thêm hoạt động cho vay lại, bao gồm các đối tượng vay lại là DN, chính quyền địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, việc quản lý nợ công còn phải đảm bảo việc các DN được tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh chính phủ. Trong nhiều năm qua, hoạt động này đã hỗ trợ rất nhiều DNNN huy động vốn vay trong và ngoài nước để đầu tư. Mục tiêu thứ hai của quản lý nợ công là kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong từng thời kỳ. Mục tiêu thứ ba là thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước. Đây là mục tiêu phải có của quản lý nợ công để tạo ra đường cong lãi suất cho thị trường trái phiếu trong nước.

Tái cơ cấu để đảm bảo an toàn nợ công

Năm 2016, nợ công của Việt Nam đã lên mức báo động, gần 64%/GDP (trần nợ công Quốc hội cho phép là 65%) và còn báo động hơn khi tốc độ gia tăng nợ công cao gấp 2,5 lần so với tốc độ tăng GDP. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; thông qua hàng loạt các biện pháp về kiềm chế tốc độ tăng nợ công, kiềm chế thâm hụt ngân sách, cắt giảm bảo lãnh chính phủ. Sau đó, nợ công của Việt Nam đã có xu hướng giảm và còn giảm hơn kỳ vọng của cơ quan quản lý nợ công. Tính đến hết năm 2018, nợ công ở mức 58%/GDP và khoản bảo lãnh chính phủ gần như đã cắt giảm hoàn toàn, chỉ duy trì nợ chính phủ.

Về cơ cấu huy động vốn vay, nhiều năm qua, cơ cấu vay thông qua trái phiếu chính phủ tại thị trường trong nước tăng lên đáng kể trong tổng lượng vốn vay. Đây cũng là một trong những thành công về việc phát triển thị trường vốn trong nước, đảm bảo mục tiêu quản lý nợ công và phát triển thị trường vốn nói chung.

Về cơ cấu nợ của Chính phủ, những năm qua Chính phủ đã rất thành công trong việc chuyển từ phụ thuộc nhiều vào vay nước ngoài sang vay trong nước. Cụ thể: trước đây, tỷ lệ khoản vay nợ nước ngoài chiếm khoảng 60% tổng nợ chính phủ, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 38%. Trong đó, nợ nước ngoài chủ yếu là vay ODA và vay ưu đãi (khoảng 98%) từ Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Mặc dù nợ công đã thoát khỏi tình trạng báo động nhưng chúng ta đang phải đối mặt với một số khó khăn, bởi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008, không thuộc diện hỗ trợ của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) từ năm 2017, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải trả nợ nhanh gấp đôi cho các khoản vay từ IDA (khoảng 15 tỷ USD). Cùng với đó, khả năng tiếp cận vốn ODA, vốn vay ưu đãi giảm, thay thế bằng các khoản vay kém ưu đãi hơn.

Một vấn đề nữa là hiệu quả sử dụng vốn vay, KTNN từ lâu đã rất quan tâm và tập trung kiểm toán đánh giá vấn đề này.

Để quản lý nợ công một cách hiệu quả, Bộ Tài chính đã xác định một số biện pháp cụ thể sau:
Một là, Bộ Tài chính thực hiện phân tích nợ để xây dựng các phương án trần, ngưỡng cảnh báo về nợ công giai đoạn 2021-2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, trong đó, xây dựng 5 chỉ tiêu an toàn nợ trong giai đoạn tới; Hai là, tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công, tập trung phát hành trái phiếu chính phủ có kỳ hạn dài, lãi suất hợp lý, tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ nợ; Ba là, thực hiện nghiêm nguyên tắc vay cho bù đắp bội chi NSNN, các khoản vay chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; Bốn là, kiểm soát nghĩa vụ nợ dự phòng phát sinh từ nợ của khu vực DN, tổ chức tài chính có nguy cơ chuyển thành nợ công; Năm là, tăng cường hoạt động quản lý rủi ro danh mục nợ công; Sáu là, xây dựng cơ chế huy động vốn vay trên thị trường và cân đối nguồn trả nợ tăng thêm khi Việt Nam bước sang giai đoạn trả nợ nhanh cho IDA.

Bên cạnh đó, để đảm bảo trần nợ công, Bộ Tài chính sẽ kiểm soát tốc độ gia tăng dư nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; tuân thủ mức bội chi NSNN và lộ trình cắt giảm bội chi trong trung và dài hạn, duy trì bội chi thấp hơn dự toán được Quốc hội cho phép; siết chặt bảo lãnh chính phủ và quản lý chặt chẽ cho vay lại; đảm bảo cân đối, bố trí đủ nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

THÙY LÊ (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 25-7-2019