KTNN Latvia: Cảnh báo Chính phủ về khả năng nợ công vượt ngưỡng

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:20, 29/07/2019

(BKTO) - Năm 2008, KTNN Latvia đã tiến hành kiểm toán và phát hiện các khoản bảo lãnh nhà nước không đảm bảo tính minh bạch, vì vậy, KTNN đã đưa ra rất nhiều khuyến nghị để Nhà nước xem xét lại các khoản bảo lãnh đó.


Khuôn khổ pháp lý về kiểm toánnợ công

Là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Latvia sẽ phải tuân thủ các quy định, hiệp ước chung của EU trong việc triển khai các hoạt động tài chính. Ngoài ra, Cộng hòa Latvia cũng có những quy định pháp luật riêng liên quan đến quản lý tài chính quốc gia, trong đó có nợ công. Cụ thể, khi tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính, KTNN Latvia sẽ căn cứ vào các quy định như: Luật Quản lý tài chính và ngân sách, Luật Tổ chức và vai trò của chính quyền địa phương, Luật Kỷ cương tài khóa (tương đương như Luật Quản lý ngân sách của Việt Nam). Ngoài ra, Latvia còn có Hội đồng Quản lý tài chính công với nhiệm vụ quản lý tất cả các chỉ số nợ công trong ngưỡng xác định và nếu xảy ra những rủi ro bất thường thì Hội đồng này sẽ xem xét để đưa ra khuyến nghị.

Bên cạnh đó, Latvia còn có Luật Ngân sách trung hạn, Luật NSNN hằng năm và nhiều quy định chuyên biệt liên quan đến vay nợ và bảo lãnh nợ. Hằng năm, Cộng hòa Latvia sẽ tổ chức một phiên điều trần và tất cả những vấn đề liên quan đến bảo lãnh nợ sẽ phải được tập hợp lại để thảo luận. Đồng thời, những cơ quan hay địa phương muốn được bảo lãnh nợ hoặc vay nợ nước ngoài sẽ phải chứng minh được tính phù hợp và hiệu quả của các mục đích vay nợ tại phiên điều trần này.

Nợ công được coi là một công cụ, thành phần của ngân sách, vì vậy, điều quan trọng là nó phải được sử dụng một cách hiệu quả với những mục đích phù hợp. Đối với KTNN Latvia, các cuộc kiểm toán tài chính hằng năm đều đánh giá về nợ công thông qua các công cụ tài chính như: phái sinh, trái phiếu ngắn hạn và dài hạn, vay nợ ngắn hạn và dài hạn, nợ tiềm tàng, nợ phải trả của các DNNN. Đây là các yếu tố rất quan trọng trong việc kiểm toán nợ công, qua đó, KTNN Latvia đưa ra các khuyến nghị với các Bộ, ngành liên quan để cải thiện hiệu quả quản lý nợ công.

Ở Latvia, nợ công được đánh giá và kiểm toán như một phần trong báo cáo tài chính, không được thực hiện thành chuyên đề riêng, nhưng nợ công vẫn phải đảm bảo yếu tố công bố thông tin rộng rãi. KTNN Latvia cũng không tiến hành kiểm toán hoạt động đối với nợ công bởi nhiều lý do, trong đó có một nguyên nhân là các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương đã tiến hành kiểm toán hoạt động và nợ công cũng là một phần trong các cuộc kiểm toán đó.

Đối với việc công khai, minh bạch thông tin về nợ công, Bộ Tài chính Latvia sẽ chịu trách nhiệm chính trong quá trình này. Tất nhiên, các báo cáo, số liệu mà Bộ Tài chính đưa ra sẽ phải được KTNN kiểm toán, phân tích, diễn giải để đảm bảo tính chính xác và có thể giúp các nghị sĩ, người dân hiểu rõ về nợ công.

Cảnh báo từ kiểm toán:Nợ công Latvia ngày càng xấu đi

Năm 2008, KTNN Latvia đã tiến hành kiểm toán và phát hiện các khoản bảo lãnh nhà nước không đảm bảo tính minh bạch, vì vậy, KTNN đã đưa ra rất nhiều khuyến nghị để Nhà nước xem xét lại các khoản bảo lãnh đó.

Đến năm 2009, KTNN Latvia đã không còn phát hiện các vấn đề về bảo lãnh nhà nước nữa nhưng lại phát hiện sai phạm về công bố thông tin và đưa ra các giả định về cam kết trong tương lai. Đây là nội dung rất quan trọng trong báo cáo tài chính và KTNN Latvia đã phải chỉ rõ về vấn đề này.

Năm 2010, thông qua kiểm toán, KTNN Latvia đã phát hiện việc nợ của các DNNN chưa được tổng hợp trong báo cáo tài chính. Ngay lập tức, KTNN đã khuyến nghị các cơ quan quản lý phải xây dựng một bộ tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch đối với việc công bố thông tin về các kết quả hoạt động từ DNNN cũng như tác động tới ngân sách và nợ công. Thực tế, Latvia có khá nhiều DNNN đóng vai trò quan trọng đối với NSNN, vì vậy, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm trong việc quản lý các DN này.

Theo đó, KTNN Latvia đã đưa ra những khuyến nghị về vai trò quản lý của Bộ Tài chính đối với DNNN là như thế nào, đặc biệt là trong việc quản lý và đưa ra quyết định bảo lãnh với DNNN, đánh giá việc sử dụng các nguồn lực công trong ngắn hạn và trung hạn. Ngoài ra, KTNN còn đánh giá và so sánh việc các DNNN này tiếp cận, sử dụng nguồn lực nhà nước hay vay từ bên ngoài sẽ hiệu quả hơn…

Sau những kiến nghị trên, đến năm 2011, Bộ Tài chính Latvia đã trích lập một khoản dự phòng rủi ro dựa trên nguồn ngân sách cấp cho DNNN và đến năm 2012, sau hàng loạt biện pháp siết chặt, kiểm tra, kiểm toán, các DNNN Latvia đã cải thiện rõ rệt hoạt động của mình. Năm 2012, KTNN vẫn tiếp tục kiểm toán và đánh giá lại các khoản bảo lãnh của Nhà nước.

Một ví dụ khác là về hoạt động của ngân hàng, do gặp phải khủng hoảng tài chính nên Latvia đã trải qua thời kỳ rất khó khăn và ngân hàng lớn nhất Latvia đã rơi vào trạng thái không thể hoạt động tiếp. Trước bối cảnh đó, Nhà nước đã quyết định mua lại ngân hàng với giá 1 EUR và KTNN Latvia gặp phải áp lực rất lớn khi đánh giá quyết định mua lại này. Nhiệm vụ của KTNN là phải độc lập và khách quan để đưa ra khuyến nghị Chính phủ có nên mua lại ngân hàng đó hay để nó phá sản tự nhiên.

Cũng trong giai đoạn này, nợ công của Latvia liên tục tăng cao và đến nay đã lên đến mức 30% GDP. Nợ công tăng cao là để tài trợ cho khoản thâm hụt ngân sách hằng năm, trong đó, nợ chính phủ chiếm tới 97% tổng nợ công. KTNN đánh giá rằng, việc vay nợ để đầu tư và tạo nên những giá trị lớn thì không phải là xấu, tuy nhiên, vay chỉ để bù đắp thâm hụt ngân sách là không chấp nhận được.

Theo tính toán của KTNN Latvia, năm 2016, nợ chính phủ đã lên đến 10 tỷ EUR, tăng 11% so với năm 2012 và khoản nợ này đã gây áp lực lên tới gần 11.000 EUR/người có việc làm. Đồng thời, KTNN Latvia cũng phát hiện ra rằng, cơ quan quản lý nhà nước Latvia chưa đánh giá khả năng thanh toán nợ quốc gia mà chỉ quy định về tái phân bổ và tăng nợ quốc gia để bù đắp thâm hụt. Bên cạnh đó, KTNN cũng tính toán và thấy rằng nhân khẩu học của Latvia đang già đi, áp lực của nợ công trên mỗi người có việc làm có thể sẽ vượt 21.000 EUR vào năm 2030.
Với những tính toán như trên, KTNN Latvia đã phải đưa ra những cảnh báo với Chính phủ rằng, tình hình nợ công của Latvia đang ngày càng xấu đi và nếu như không có các biện pháp kịp thời thì nó sẽ vượt ngưỡng vào năm 2030. Cùng với đó, cơ quan kiểm toán cũng đã đánh giá kỷ cương tài chính quốc gia và vai trò của Hội đồng Kỷ cương tài chính thông qua công tác giám sát và có báo cáo cụ thể để đưa ra khuyến nghị cho Bộ Tài chính và Chính phủ. Hiện nay, Chính phủ Latvia đã bắt đầu tính toán và đưa ra các giả định về việc GDP khi tăng hoặc không tăng, các khoản nợ sẽ là bao nhiêu, áp lực của EU lên ngân hàng T.Ư Latvia sẽ như thế nào… Điều này đồng nghĩa với việc, Chính phủ đang bắt đầu quan tâm đến các biện pháp cải thiện tài chính và chuẩn bị kịch bản cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới có thể diễn ra.
NGUYỄN LY (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 25-7-2019