Không ngừng chăm lo đời sống cho người có công, gia đình chính sách
Xã hội - Ngày đăng : 14:05, 29/07/2019
(BKTO) - Thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp ngành, toàn xã hội không ngừng đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, gia đình chính sách (gọi chung là NCC) với nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, qua đó góp phần nâng cao mức sống của NCC.
Người có công là đối tượng ưu tiên quan tâm hàng đầu trong các chính sách xã hội. Ảnh: Quang Vinh
Nâng mức trợ cấp, quan tâm toàn diện tới người có công
Chính sách tài chính cho NCC trong thời gian qua đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện, góp phần hỗ trợ hiệu quả, từng bước nâng cao mức sống cho NCC. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến nay, cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu NCC, trong đó, gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Tính đến năm 2018, với mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi NCC theo Nghị định số 99/2018/NĐ-CP là hơn 1,5 triệu đồng, tổng kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi NCC hằng năm khoảng 31.000 tỷ đồng. Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với NCC thay thế Nghị định số 99/2018/NĐ-CP. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức ưu đãi đối với NCC nâng lên là 1,62 triệu đồng. Tổng kinh phí để thực hiện mức tăng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho NCC là khoảng 716 tỷ đồng.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, chỉ riêng dịp 27/7, mỗi năm, Nhà nước dành khoảng hơn 300 tỷ đồng trích từ NSNN để tặng quà cho đối tượng NCC; trong giai đoạn 2012-2018, cả nước đã chi hơn 10.700 tỷ đồng để hỗ trợ cho 85.400 gia đình NCC làm mới trên 44.600 căn nhà và sửa chữa hơn 40.700 căn nhà tình nghĩa; tặng hơn 63.500 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền gần 290 tỷ đồng.
Trước thực tiễn cuộc sống được đặt ra, Bộ LĐ-TB&XH đang được giao xây dựng Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi), với mục tiêu đảm bảo chăm lo tốt hơn cho NCC. Theo đó, ngoài việc xác định rõ các đối tượng chính sách, đảm bảo không để NCC chịu thiệt thòi, không được hưởng chính sách của Nhà nước, quy định mới cũng hướng đến việc tăng NSNN để chăm lo cho NCC, gắn với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác này; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi NCC.
Đánh giá về chính sách tài chính cho NCC thời gian qua, TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) - cho rằng, nhìn chung, chính sách này đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện, ngoài trợ cấp thường xuyên còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Riêng nguồn ngân sách chi bảo hiểm y tế, ưu đãi trong giáo dục đối với NCC và gia đình mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng… từ đó đã góp phần nâng cao mức sống cho NCC.
Nỗ lực giúp người có côngthoát nghèo
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những vấn đề liên quan đến NCC luôn được Nhà nước tập trung ưu tiên giải quyết; nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với NCC đã được ban hành; các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, theo tổng hợp kết quả giảm nghèo của Bộ LĐ-TB&XH, đến cuối năm 2018, cả nước vẫn còn trên 16.000 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC (khoảng 1,2% so với tổng số hộ nghèo trong cả nước). “Đây thực sự là điều trăn trở khi mà chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để NCC sống dưới mức sàn an sinh xã hội” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCC thuộc hộ nghèo, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đến hết năm 2020, cả nước không còn hộ nghèo có thành viên là NCC, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố cần tìm ra thực trạng, nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo có NCC; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình đặc điểm thực tế của các hộ nhằm đảm bảo đời sống của NCC từng bước được nâng lên, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, không để NCC nào sống dưới mức sống trung bình của cả nước.
Phân tích cụ thể về thực trạng này, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) Ngô Trường Thi cho rằng, do đặc thù của từng vùng, từng địa phương, tình trạng hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau… Tuy nhiên, về cơ bản, nhiều địa phương vẫn chưa thực sự có giải pháp căn cơ để giảm hộ nghèo có thành viên là NCC, do số lượng hộ nghèo thuộc chính sách khá lớn.
Để giải quyết căn bản, bền vững tình trạng nghèo của hộ nghèo có đối tượng NCC, bà Đỗ Thị Hồng Hà - Phó Cục trưởng Cục NCC (Bộ LĐ-TB&XH) - đề xuất một số giải pháp cụ thể. Đó là: cần rà soát đánh giá thực trạng, nguyên nhân dẫn đến nghèo của những hộ nghèo ở từng địa bàn để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho phù hợp, tăng hiệu quả của chính sách giảm nghèo; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của NCC và người thân về giải quyết việc làm, chủ động tìm kiếm và tự tạo việc làm cho bản thân cũng như thu hút lao động vào làm việc để tăng thu nhập; hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo có NCC thông qua chương trình giảm nghèo bền vững...
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 25-7-2019