KTNN Bồ Đào Nha: Tập trung phân tích nợ chính phủ để không bỏ sót khoản thu, chi nào

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:25, 29/07/2019

(BKTO) - Việc kiểm toán nợ công tại Bồ Đào Nha được thực hiện chung trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính tổng hợp. Quá trình kiểm toán nợ công bắt đầu từ việc xác định cách tiếp cận, đối tượng và danh mục nợ. Trong đó, đối tượng sẽ bao gồm nợ công của các đơn vị hành chính T.Ư và nợ tài chính thông qua các công cụ như: trái phiếu ngắn - trung - dài hạn, tài khoản ký quỹ, công cụ tài chính phái sinh. Danh mục nợ bao gồm nợ chính phủ do cơ quan quản lý nợ quản lý và nợ tài chính của các đơn vị tự chủ trong hệ thống hành chính T.Ư.


Cơ chế của kiểm toán nợ công tại Bồ Đào Nha

Bước vào quá trình kiểm toán nợ công, trước tiên, KTNN Bồ Đào Nha sẽ phân tích nợ của các đơn vị tự chủ theo một số đặc trưng cá biệt liên quan đến mức độ tự chủ. Qua đó, KTNN sẽ ước tính được nợ của các đơn vị và nợ công tổng hợp, tức là ước tính nợ của tất cả các chủ thể từ T.Ư đến các đơn vị tự chủ. Cách làm này sẽ giúp mọi người hiểu một cách rõ ràng hơn bức tranh tổng thể về nợ công từ T.Ư đến địa phương, góp phần đảm bảo tính minh bạch của các số liệu trong báo cáo tài chính nhà nước.

Mục tiêu của việc phân tích nợ là để xác nhận tính hợp pháp và tính tuân thủ của các giao dịch, tính chính xác của các dữ liệu theo quy mô và hướng đi của dòng tiền. Đồng thời, việc phân tích nợ cũng là để kiểm soát các dữ liệu do Cơ quan Quản lý nợ cung cấp, thông qua việc lựa chọn các khoản mục liên quan đến: số liệu nợ và các biên chế, thu từ phát hành nợ đến quản lý nợ, chi phí liên quan đến phát hành và quản lý nợ. Sau đó, KTNN Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục xác định chủ nợ của các khoản nợ công trực tiếp; phân tích lịch trình trả nợ; xác định tổng số nợ; đánh giá việc tuân thủ các khuyến nghị đưa ra từ ý kiến kiểm toán của những năm trước.

Để đảm bảo tính tuân thủ, KTNN Bồ Đào Nha thực hiện kiểm toán dựa trên khung pháp lý quan trọng như: Luật Nợ công (quy định Nghị viện phê duyệt nguồn trả nợ của Nhà nước); Luật Ngân sách hằng năm (quy định giới hạn các khoản nợ mà Chính phủ được quyền vay trong năm); các hướng dẫn mà Cơ quan Quản lý nợ công phải tuân thủ khi thực thi các chính sách trả nợ và đã được Chính phủ Bồ Đào Nha thông qua (Bộ Tài chính ban hành các hướng dẫn này). Ngoài ra, Bồ Đào Nha còn có cơ chế chung về hoạt động phát hành và quản lý nợ công; nghị định về thực hiện ngân sách các năm, phân loại kinh tế các khoản doanh thu và chi tiêu công; các chuẩn mực pháp luật liên quan đến nhiều công cụ nợ công…

Quy trình phân tích nợ chính phủ

Dựa trên các cơ chế như vậy, KTNN Bồ Đào Nha sẽ bước vào quy trình phân tích nợ chính phủ với 9 công việc cụ thể sau:
Một là, phân tích diễn biến các khoản nợ (phát hành, khấu hao, vốn hóa lãi) theo loại công cụ trả nợ và theo loại luồng tài chính liên quan; Hai là, phân tích tiến triển của các sản phẩm phái sinh: các giao dịch và luồng tài chính liên quan; Ba là, so sánh kết quả phân tích năm trước với giá trị được trình bày trong báo cáo tài chính nhà nước tổng hợp, xác minh kết quả, đưa ra các nội dung sai sót hoặc bỏ sót; Bốn là, xác định các chủ nợ chính; Năm là, phân tích lịch trình thanh toán nợ và xác định những giai đoạn sẽ tập trung nhiều khoản nợ lớn; Sáu là, phân tích nguồn thu từ phát hành nợ, xác minh nguồn thu này, xác định các sai sót, đặc biệt là sai sót trong phân loại các khoản thu; Bảy là, phân tích chi phí liên quan đến khấu hao, lãi và các chi phí khác, xác định các nội dung sai sót hoặc bỏ sót; Tám là, phân tích tổng mức tài trợ trả nợ, so sánh với nhu cầu tài chính thực tế; Chín là, xác định chi phí của việc duy trì số dư cao hơn nhu cầu ngân sách.

Trong quá trình kiểm toán, Cơ quan Quản lý nợ công phải có trách nhiệm cung cấp cho KTNN các thông tin như: kế hoạch trả nợ được Bộ Tài chính phê duyệt, các báo cáo hằng quý về giám sát quản lý nợ công và ngân quỹ, báo cáo dòng tiền, sắp xếp thứ tự giá trị của phí quản lý, báo cáo quản lý nợ công hằng năm và các nội dung khác. Thậm chí nếu cần thiết, KTNN có thể yêu cầu các cuộc họp trực tiếp với Cơ quan Quản lý nợ công để hỏi và tìm hiểu thêm các thông tin liên quan.

Ngoài ra, để có được các luồng thông tin chính xác, đầy đủ, KTNN Bồ Đào Nha còn tiến hành khảo sát khoảng 50 đơn vị tự chủ có nợ tài chính trong năm trước hoặc trong hoạt động ngân sách có nợ tài chính. Đây là việc làm rất cần thiết để thu thập thông tin, bởi sau đó kết quả khảo sát sẽ được so sánh với báo cáo tài chính nhà nước tổng hợp. Qua việc làm này, KTNN có thể ước tính được tổng nợ và xác định các dòng thu - chi liên quan.

Sau khi đã tiến hành kiểm toán, KTNN sẽ đưa ra các kiến nghị về nợ công, trong đó có những phát hiện liên quan đến tính chính xác về mặt tài chính. Cụ thể: nợ công một số đơn vị tự chủ đã bị bỏ sót, phân loại kinh tế không chính xác đối với một số khoản thu - chi, ảnh hưởng đến kết quả tổng hợp báo cáo tài chính… KTNN Bồ Đào Nha đã đưa ra các khuyến nghị như: Bộ Tài chính Bồ Đào Nha phải làm rõ lãi từ nguồn thu thông qua hoạt động phát hành tín phiếu kho bạc theo khung rà soát phân loại kinh tế; Bộ Tài chính cần đảm bảo báo cáo tài chính tổng hợp có đầy đủ các số liệu về nợ tổng hợp cũng như các khoản thu - chi liên quan đến dịch vụ này.

BẮC SƠN (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 25-7-2019