Phát hiện nhiều bất cập qua kiểm toán chi đầu tư phát triển

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:00, 22/09/2016

(BKTO) - Năm 2014, dự toán Quốc hội quyết định chi đầu tư phát triển và Chính phủ giao là 163.000 tỷ đồng. Con số quyết toán là 248.452 tỷ đồng, vượt 52,4% dự toán (85.452 tỷ đồng), chủ yếu do số vốn ngoài nước giải ngân vượt kế hoạch, nguồn dự phòng ngân sách và nguồn năm trước chuyển sang. Kết quả kiểm toán về vấn đề chi phát triển năm 2014 chỉ rõ: nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn chưa được xử lý dứt điểm và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.



Hàng nghìn dự án chậm tiến độ trong năm 2014 Ảnh: TS

Hàng nghìn dự ánchậm tiến độ

Kết quả tổng hợp Báo cáo đánh giá công tác giám sát đầu tư năm 2014 của 120/123 đơn vị gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tính đến ngày 20/5/2015 cho thấy vẫn có hàng nghìn dự án mới được khởi công tại các địa phương, trong khi hàng nghìn dự án đang thực hiện khác vẫn chậm tiến độ.

Đối với các dự án đầu tư sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên, trong năm 2014 có 39.173 dự án đang thực hiện đầu tư, trong đó có 17.638 dự án khởi công mới (chủ yếu là dự án nhóm C chiếm 95% với 16.750 dự án) - chiếm 45%. Tỷ lệ này tăng vọt so với 3 năm trước đó, lý do là giai đoạn 2011-2013 có nhiều dự án phải thực hiện cắt giảm, ngừng khởi công mới, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện nên tỷ lệ dự án khởi công mới giữ ổn định ở mức 33,3% - 36,8%/năm.

Bên cạnh các dự án khởi công mới, trong năm 2014 có 14.419 dự án kết thúc đầu tư được đưa vào sử dụng. Theo nhận xét của Bộ KH&ĐT, nhiều địa phương trong năm 2014 đã có số dự án khởi công mới cao, điển hình như TP.HCM 1.614 dự án, Quảng Nam 536 dự án, Quảng Ngãi 464 dự án, Phú Yên 409 dự án, Khánh Hòa 590 dự án, Tây Ninh 477 dự án, Long An 452 dự án, Kiên Giang 776 dự án…

Tuy nhiên, trong số các dự án đang thực hiện trong kỳ, có 2.869 dự án chậm tiến độ. Nguyên nhân được xác định như sau: 1.063 dự án do công tác giải phóng mặt bằng; 659 dự án do không bố trí vốn kịp thời; 248 dự án do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu; còn 557 dự án do các nguyên nhân khác. Một số địa phương có nhiều dự án chậm tiến độ đã được Bộ KH&ĐT “điểm danh” như Hải Phòng, Bình Định, Bình Phước, Bến Tre, Bạc Liêu…

Về quyết toán dự án hoàn thành, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số dự án được thẩm tra, phê duyệt quyết toán năm 2014 là 72.092 dự án, tăng 22.588 dự án so với năm 2013, với tổng số vốn đầu tư được phê duyệt quyết toán là 319.253 tỷ đồng, tăng 64.619 tỷ đồng so với năm 2013. Trong đó, vốn NSNN quyết toán 67.077 dự án với tổng số vốn 281.129 tỷ đồng; vốn trái phiếu chính phủ quyết toán 5.015 dự án với tổng số vốn 38.123 tỷ đồng. Năm 2014, cả nước đã rà soát, xử lý và quyết toán được 46.771 dự án hoàn thành từ năm 2005 đến năm 2012 với số vốn đầu tư được quyết toán là 173.216 tỷ đồng.

Nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư

Mặc dù KTNN đánh giá, cơ bản các chủ đầu tư đã chấp hành trình tự, thủ tục đầu tư, quản lý và sử dụng vốn đầu tư theo quy định, song qua kết quả kiểm toán vẫn phát hiện khá nhiều tồn tại, hạn chế.

KTNN nêu rõ, một số dự án lập quy hoạch không phù hợp thực tế dẫn đến phải điều chỉnh, công tác khảo sát, lập và phê duyệt dự án đầu tư không tuân thủ quy định, không hợp lý dẫn đến phải điều chỉnh quy mô, tăng tổng mức đầu tư, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án không kịp thời. Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, trong năm 2014, có tới 3.717 dự án phải điều chỉnh vốn đầu tư, tiến độ đầu tư; mục tiêu, quy mô đầu tư và địa điểm đầu tư (chiếm gần 9,5% tổng số dự án đang thực hiện).

Báo cáo của KTNN còn nhấn mạnh: “Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư đối với hầu hết các dự án hoàn thành đều không đảm bảo thời gian quy định, hầu hết các địa phương chưa tuân thủ triệt để những giải pháp, chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Liên quan đến tồn tại, hạn chế này, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số dự án hoàn thành chậm lập báo cáo quyết toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán so với quy định lũy kế từ năm 2005 đến hết năm 2014 còn rất lớn. Cụ thể, có 6.928 dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 7 đến 24 tháng với số vốn đã thanh toán 59.454 tỷ đồng; 7.682 dự án chậm nộp báo cáo quyết toán trên 24 tháng với số vốn đã thanh toán 29.707 tỷ đồng; 2.587 dự án chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán từ 7 đến 24 tháng với số vốn đề nghị quyết toán 25.889 tỷ đồng; 600 dự án chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán trên 24 tháng với số vốn đề nghị quyết toán 10.296 tỷ đồng.

Về vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, số nợ đọng xây dựng cơ bản đến 31/12/2014 là 86.995,6 tỷ đồng (Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020). Năm 2015, các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương đã bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản 29.895 tỷ đồng. Số nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31/12/2014 chưa bố trí kế hoạch vốn để thanh toán là 57.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, con số Bộ KH&ĐT đưa ra chỉ là số liệu tổng hợp, không có chi tiết dự án, chưa có phương án, lộ trình xử lý trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. KTNN còn chỉ ra 39/50 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới trong năm 2014 với tổng số tiền 13.377 tỷ đồng; tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản của một số địa phương còn lớn so với tổng chi đầu tư phát triển của địa phương; một số địa phương chưa xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; một số Bộ, cơ quan T.Ư chưa bố trí nguồn vốn để xử lý nợ đọng.

Qua kiểm toán chi đầu tư phát triển năm 2014, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 2.037 tỷ đồng, trong đó, thu hồi nộp NSNN 229 tỷ đồng, giảm thanh toán 758 tỷ đồng, xử lý khác 1.049 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị các Bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách còn bất cập cho phù hợp với thực tiễn.


HỒNG THOAN