Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:55, 30/07/2019

(BKTO) - Ngày 29- 30/7 tại Quảng Ninh, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm đổi mới chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách giữa Quốc hội 2 nước Việt Nam và Lào. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Nguyễn Đức Hải và Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, tài chính và kiểm toán của Quốc hội Lào Vilayvong Bouddakham đồng chủ trì Hội thảo.



Phó TKTNN Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quang Hiệu

Thay mặt Lãnh đạo KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã chủ trì trao đổi, thảo luận về “Kinh nghiệm của Kiểm toán nhà nước trong việc kiểm toán NSNN hằng năm”

Kết quả kiểm toán quyết toán NSNN của KTNN những năm qua đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương và các phương tiện truyền thông; trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy cho hoạt động quản lý, điều hành kinh tế xã hội và giám sát tài chính Quốc gia, đặc biệt kết quả kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đã trở thành căn cứ quan trọng để Quốc hội, HĐND các cấp xem xét trước khi phê chuẩn quyết toán NSNN.

Từng bước nâng cao chất lượng kiểm toán quyết toán ngân sách

Thời gian qua, KTNN đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình, kỹ năng nghiệp vụ và phát triển đội ngũ KTV nhằm từng bước nâng cao chất lượng kiểm toán quyết toán ngân sách qua từng năm.

Sau khi địa vị pháp lý của KTNN được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, KTNN đã nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật KTNN năm 2015, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt là nhiệm vụ của KTNN trong việc trình Quốc hội Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; tham gia vớiỦy banTài chính- Ngân sách và các cơ quan khác của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét, thẩm tra báo cáovềdự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở Luật KTNN, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật quản lý nợ công, ngày 19/01/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm, trong đó xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong lập, xây dựng các báo cáo do Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự toán, quyết toán NSNN.

Quang cảnh hội thảo

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho KTNN thực hiện đầy đủ chức năng và nhiệm vụ được Quốc hội giao phó.KTNN đã xác định hệ thống quy trình nghiệp vụ chuyên môn là yếu tố then chốt quyết định tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán quyết toán NSNN nói riêng. Nhận thức điều này, trong những năm qua, KTNN đã nghiên cứu, ban hành đồng bộ Hệ thống 39 Chuẩn mực kiểm toán theo theo hướng tuân thủ Hệ thống các chuẩn mực kiểm toán của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao (ISSAIs) do Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) ban hành, phù hợp với Luật KTNN và điều kiện tổ chức hoạt động của KTNN nhằm hướng dẫn KTV nhà nước về các nguyên tắc, yêu cầu, đạo đức nghề nghiệp, thủ tục kiểm toán và xử lý các tình huống phát sinh trong hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, KTNN đã ban hành các quy trình và hướng dẫn kiểm toán từ tổng quát đến chi tiết nhằm hỗ trợ KTV trong thực thi nhiệm vụ kiểm toán.

Để thực hiện kiểm toán đạt chất lượng và hiệu quả, thời gian qua, KTNN đã luôn quan tâm xây dựng đội ngũ KTV có chất lượng và kinh nghiệm nghề nghiệp, nhất là các KTV có khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô để thực hiện kiểm toán quyết toán ngân sách, trong đó định kỳ 100% KTV được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; trong những năm qua, hàng trăm lượt KTV đã được đi học tập, nghiên cứu, tham gia các hội thảo quốc tế ở nhiều nước phát triển như: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Anh, Mỹ, Canada... thông qua việc hợp tác với các cơ quan kiểm toán tối cao các nước, các tổ chức INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI và nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động kiểm toán quyết toán ngân sách của KTNN cũng có khó khăn, hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.

Quy mô, số lượng đơn vị được kiểm toán tuy đều tăng qua mỗi năm nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; KTNN chưa kiểm toán thường niên đối với tất cả các đơn vị dự toán cấp I và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán ngân sách của HĐND các địa phương và Quốc hội; việc tham gia thẩm tra dự toán NSNN, thẩm định cho ý kiến về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia, kiểm toán nợ công còn hạn chế; thời gian một cuộc kiểm toán có độ trễ so với diễn biến thực tế nên các phát hiện qua kiểm toán chưa có tác dụng ngăn chặn các sai sót ngay từ khâu đầu của chu trình NSNN.

Các nội dung kiểm toán để đánh giá các cân đối vĩ mô của quốc gia và từng địa phương còn có khoảng cách so với yêu cầu đặt ra. Kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách chủ yếu chỉ tập trung vào đánh giá việc tuân thủ các quy định và xử lý tài chính, chưa có nhiều nội dung đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong hoạt động quản lý vĩ mô nền kinh tế.

Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán còn hạn chế, trong đó việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm phát hiện qua kiểm toán còn chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời; việc thực hiện kiến nghị xử lý tài chính năm cao nhất mới chỉ đạt 78,2%. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là do: Một số đơn vị chưa nghiêm túc trong chỉ đạo và thực hiện các kiến nghị của KTNN; một số kiến nghị kiểm toán còn chưa rõ ràng, chưa đảm bảo đầy đủ bằng chứng nên khó khăn cho đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện; chưa có chế tài để xử lý đối với những trường hợp đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc kiến nghị của KTNN. Để khắc phục vấn đề này cần có cơ chế đảm bảo tính hiệu lực của các kiến nghị kiểm toán; đồng thời KTNN cũng phải nâng cao hơn nữa chất lượng của các kiến nghị kiểm toán, tránh tình trạng kiến nghị chưa phù hợp với quy định của pháp luật hoặc khó khả thi trong thực tiễn.

Phát triển KTNN trở thành một cơ quan kiểm tra tài chính uy tín, chuyên nghiệp

Trước yêu cầu và thách thức đặt ra và để phát triển KTNN trở thành một cơ quan kiểm tra tài chính uy tín, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng và Nhà nước, thời gian tới, KTNN cần xây dựng các kế hoạch hành động, các đề án, chương trình cụ thể với bước đi, lộ trình thích hợp để thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt.

Hoàn thiện các hướng dẫn, quy trình, chuẩn mực chuyên môn phù hợp với chuẩn mực kiểm toán quốc tế, các thông lệ kiểm toán tốt và thực tiễn của Việt Nam như: Đổi mới các hướng dẫn kiểm toán quyết toán NSNN theo hướng xây dựng các chương trình kiểm toán mẫu đối với các các đơn vị có tính ổn định cao; tăng cường áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin để giảm thời gian kiểm toán, mở rộng quy mô mẫu kiểm toán, qua đó nâng cao chất lượng kiểm toán và góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số.

Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động, phát triển đội ngũ KTV có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, kiến thức và kỹ năng tương xứng với yêu cầu nghề nghiệp; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho KTV; tuyển chọn những cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, đồng thời có chế độ đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút được nhân tài cũng như giữ được những cán bộ có năng lực, giảm thiểu hiện tượng chảy máu chất xám;

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với từng cuộc kiểm toán cũng như từng KTV nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng như với đơn vị được kiểm toán nhằm ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán, phục vụ và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu giám sát tài chính công và việc quyết định các vấn đề kinh tế- xã hội lớn.

Mở rộng việc hợp tác với cơ quan kiểm toán tối cao các nước, các tổ chức kiểm toán quốc tế và khu vực nhằm trao đổi kinh nghiệm, nhất là đối với các lĩnh vực kiểm toán mới, các phương pháp, kỹ thuật kiểm toán tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao năng lực cho cơ quan KTNN, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý, điều hành tài chính- ngân sách của Nhà nước.

Đức Minh