Đảm bảo hiệu quả thi hành án góp phần cải thiện môi trường đầu tư

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:35, 05/08/2019

(BKTO) - Cùng với những cam kết giúp cho nhà đầu tư, DN yên tâm kinh doanh, sản xuất, việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thi hành án dân sự (THADS) cũng góp phần tạo dựng môi trường đầu tư lành mạnh và thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam.


Còn nhiều khó khăn

Theo Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp), trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan THADS đã thi hành án (THA) xong trên 243.000 việc, tương ứng với trên 18.000 tỷ đồng, tăng trên 1.000 việc (tăng 0,5%) với trên 6.000 tỷ đồng (tăng 3,58%) so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, tại một số địa phương, kết quả THADS về tiền trong 6 tháng đầu năm đạt rất thấp. Điển hình như: Hà Nội chỉ đạt 8,39%, Hải Phòng đạt 3,87%, TP. HCM đạt 21,2%, Đà Nẵng đạt 25,3%, Cần Thơ đạt 18%, Bình Dương đạt 10%... Cá biệt, có Chi cục THADS cấp huyện có kết quả THA về tiền chỉ đạt hơn 1% như huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương)…

Theo đánh giá của Tổng cục THADS, tính chất phức tạp của việc THA ngày càng tăng, do giá trị tiền, tài sản phải thi hành trên một việc ngày càng lớn, nhất là số việc thi hành các khoản thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Điều này sẽ dẫn tới những khó khăn nhất định cho công tác THA. Điển hình như việc THA liên quan đến vụ án đánh bạc, rửa tiền qua mạng internet với tổng giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng được Tòa án tỉnh Phú Thọ tuyên án cuối năm 2018. Mới đây, Cục THADS tỉnh Phú Thọ ban hành các quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền trên tài khoản tại ngân hàng của bị cáo với số tiền gần 99 tỷ đồng, tức là chỉ đạt tỷ lệ 2,3% so với tổng số tiền phải thi hành là hơn 4.200 tỷ đồng.

Theo Tổng cục THADS, tại các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, do giá trị phải THA lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ so với nghĩa vụ phải THA; người phải THA đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam không có tài sản để THA; tài sản kê biên có tình trạng pháp lý không rõ ràng, chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho cơ quan THADS trong quá trình xử lý...

Một trong những lĩnh vực gặp khó khăn nhất đối với công tác THADS thời gian vừa qua phải kể đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, đặc biệt là trong các vụ án hình sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng có một phần án dân sự. Đơn cử như tại tỉnh Hậu Giang, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 363 vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, chiếm 4,6% so tổng số việc phải giải quyết, với số tiền tương ứng lên đến 269 tỷ đồng, chiếm hơn 32% tổng số tiền. Đến thời điểm này, các cơ quan THADS trong tỉnh chỉ mới thực hiện xong 29 vụ việc (đạt 7,9%) với 46 tỷ đồng (đạt 17%). Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do số tiền thi hành lớn, trong đó chủ yếu nhằm vào tài sản thế chấp, bảo lãnh nên quá trình THA gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

Hiệu quả thi hành án sẽ tác động đến nhà đầu tư

Nhìn nhận kết quả THA có tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang mở cửa, xu thế hội nhập toàn cầu ngày càng rộng rãi sẽ tất yếu dẫn đến các tranh chấp dân sự của các nhà đầu tư. Việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả THA sẽ góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với công tác thực thi pháp luật của Nhà nước. Do đó, ông Khôi yêu cầu: “Việc xử lý THA phải được nhìn nhận dưới góc độ tạo lập môi trường đầu tư, từ đó các cơ quan liên quan cũng cần có trách nhiệm hơn, sát sao hơn trong việc cùng tháo gỡ khó khăn để việc THA đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra” - ông Khôi nhấn mạnh.

Dẫn câu chuyện thực tế ở địa phương, ông Lê Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thái Bình cho biết, có trường hợp nhà đầu tư nước ngoài tranh chấp quyền lợi với DN trong nước, họ khởi kiện ra tòa và thắng kiện. Sau khi bản án được ban hành, cơ quan THADS địa phương lập tức vào cuộc, kiên quyết buộc DN trong nước thua kiện phải phân định tài sản, số tiền của nhà đầu tư nước ngoài cùng đầu tư để trả cho nhà đầu tư. Sau vụ việc, nhà đầu tư nước ngoài không những không rút đầu tư khỏi tỉnh mà còn mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Lý do được họ cho biết là cơ quan tòa án, THA của chúng ta rất chuyên nghiệp, giúp họ cảm thấy an tâm khi đầu tư.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành cho rằng, hằng năm, công tác THADS còn góp phần giải phóng hàng chục nghìn tỷ đồng khỏi các tranh chấp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. THADS còn được nhìn nhận là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, từ đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư vào trong nước. Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, nhiều trường hợp phải THA có điều kiện thi hành, nhưng người chấp hành ý thức kém, thậm chí chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ THA. Đối với các trường hợp này, ông Thành đề nghị, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về THADS, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm vi phạm để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong việc THA cũng như tính thượng tôn pháp luật.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 01-8-2019