Cập nhật kết quả kinh doanh quý II: Lợi nhuận doanh nghiệp thép sụt giảm, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng trưởng

Đầu tư - Ngày đăng : 08:45, 05/08/2019

(BKTO) - Tính đến ngày 29/7/2019, trong khi các DN ngành thép suy giảm, thậm chí thua lỗ về lợi nhuận thì các ngân hàng tiếp tục có lãi lớn.


Một số doanh nghiệp thép suy giảm lợi nhuận, thua lỗ

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm từ các DN, tổng lợi nhuận của các DN đã công bố cho thấy tín hiệu khả quan, tuy nhiên, nhiều DN thép dường như lại đang gặp bất lợi và có kết quả không mấy sáng sủa. Hầu hết các DN thép niêm yết có lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ.

Với DN thép lớn nhất niêm yết hiện nay - Công ty Cổ phần (CP) Tập đoàn Hòa Phát (cổ phiếu HPG) - mặc dù chưa chính thức công bố Báo cáo tài chính quý II nhưng tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết: Quý II, HPG đạt doanh thu 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.050 tỷ đồng, cao hơn quý I hơn 200 tỷ đồng và thấp hơn cùng kỳ năm trước 150 tỷ đồng, trong bối cảnh giá quặng sắt vượt trên 100 USD/tấn, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước, ngành thép thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, dù lợi nhuận quý II/2019 của HPG có giảm so với cùng kỳ năm trước song vẫn cao hơn so với kỳ vọng của các nhà đầu tư và tốt hơn nhiều so với các DN thép khác.

Cùng với HPG, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cũng ghi nhận mức suy giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu quý II/2019 của Công ty này giảm hơn 15% về mức 2.676 tỷ đồng so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 29 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty giảm 5.486 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ.

Trước đó, Công ty CP Thép Việt Ý (VIS) cũng ghi nhận quý lỗ thứ 5 liên tiếp trong hơn một năm trở lại đây với kết quả kinh doanh quý II kém khả quan. Kết thúc quý II/2019, doanh thu thuần của VIS đạt 1.333 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, dù lãi gộp cải thiện đáng kể nhưng biên lãi gộp vẫn ở mức rất thấp khi ngành thép đang cạnh tranh khốc liệt và giá thép xuống sâu. VIS vẫn lỗ 32,2 tỷ đồng trong quý II do chi phí tài chính và khoản chi nuôi bộ máy rất lớn. Thậm chí, Công ty CP Thép Dana - Ý đang ghi nhận mức lỗ lớn nhất (114,5 tỷ đồng) trong số các DN niêm yết quý II. Tổng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên đến hơn 171 tỷ đồng.

Lợi nhuận sụt giảm của các DN thép trên sàn niêm yết phản ánh khó khăn mà các DN ngành này đang phải đối mặt. Thép nhập khẩu giá rẻ cùng với sức ép từ nguồn cung dư thừa của sản xuất trong nước khiến cho mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các DN sản xuất liên tục giảm giá bán và đẩy mạnh các hình thức chiết khấu để giữ thị phần cũng như duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, sản xuất thép trong nước đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu: 70% thép vụ, 40 - 50% phôi thép nhập khẩu… Vì nguyên liệu thiếu chủ động đã khiến công tác dự báo giá của các DN trở nên khó khăn hơn, giá trong nước điều chỉnh nhưng không theo kịp giá thế giới và tất yếu lợi nhuận thường xuyên biến động mạnh.

Các ngân hàng tiếp tục lãi lớn

Trái ngược với các DN ngành thép, nhiều ngân hàng niêm yết báo lãi lớn trong quý II/2019. Tính đến nay, đã có Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) công bố kết quả kinh doanh quý II. Trong đó, VCB tiếp tục có mức lợi nhuận quý II lớn nhất trong số các ngân hàng này. Lợi nhuận sau thuế của VCB tăng trưởng mạnh gần 50% từ 2.926 tỷ đồng quý II/2018 lên 4.360 tỷ đồng quý II/2019. 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế của VCB đạt 9.068 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Ở nhóm ngân hàng TMCP, lợi nhuận sau thuế của ACB là 2.898 tỷ đồng, đạt gần 50% kế hoạch năm. Đây cũng là tổ chức đầu tiên trong nhóm ngân hàng triển khai sớm Basel II và được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng từ 13% lên 17% cho cả năm 2019. MBB cũng đã công bố lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 đạt tới 3.930 tỷ đồng, hoàn thành 50,5% kế hoạch năm, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, với những thông tin công bố bước đầu, một số ngân hàng như: VCB, ACB, MBB hay TPB đã ghi danh trong nhóm DN lãi khủng từ trên 1.000 tỷ đồng. Thông tin sơ bộ cho thấy, lợi nhuận của các ngân hàng còn lại có thể có kết quả thuận lợi trong 6 tháng đầu năm và đang đi đúng hoặc vượt mục tiêu nửa năm theo kế hoạch. Triển vọng trong 6 tháng cuối năm, lợi nhuận của các ngân hàng có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt khi một số ngân hàng đã được nới room tín dụng.

Tổng hợp báo cáo tài chính của những DN đã công bố kết quả kinh doanh quý II, có thể nhận thấy: các ngân hàng, DN dầu khí, DN bán lẻ đang có gam màu sáng về lợi nhuận, trong khi những DN thuộc ngành thép, bất động sản hay chứng khoán sẽ có gam màu xám. Tuy nhiên, do số lượng DN công bố mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn hóa nên chúng ta vẫn cần chờ đợi để có bức tranh toàn diện hơn về kết quả kinh doanh quý II của các DN niêm yết.
         
Tính đến ngày 29/7/2019, đã có 443/759 DN niêm yết trên HSX và HNX chính thức công bố kết quả kinh doanh quý II/2019. Trong đó, 388 DN có lãi và chỉ có 55 DN lợi nhuận âm. So với cùng kỳ năm 2018 (cùng mẫu có 438 DN), tổng lợi nhuận của 438 DN này đạt 22.908 tỷ đồng, tăng 10,45%; tổng doanh thu đạt 173.680 tỷ đồng, tăng 3,2%; 197 DN có lợi nhuận tăng trưởng, chiếm 44%.
   Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, có 383/435 DN báo lãi, 202/393 DN có mức tăng trưởng về lợi nhuận, tổng lợi nhuận của 393 DN này đạt 45.160 tỷ đồng, tăng 12,08% so với cùng kỳ năm ngoái.
THU HÀ
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 01-8-2019