Nhiều chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu trên địa bàn TP Hà Nội
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:00, 09/08/2019
(BKTO)- Chiều 8/8, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất kiến nghị trong thời gian tới”.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Bùi Huyền Mai; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Kim Anh.
Quang cảnh Hội nghị- Ảnh: H.Thu |
Tính đến 30/6/2019, dư nợ xấu theo Nghị quyết 42 của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội là 174 tỷ đồng; đã xử lý được 140,9 tỷ đồng nợ xấu, trong đó: khách hàng trả nợ 21,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 15,25%); sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý 86,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 61,39%); xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ 32,9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 23,35%). Như vậy, tỷ lệ nợ xấu có những bước chuyển biến rõ nét, cụ thể tại thời điểm 31/7/2017 tỷ lệ nợ xấu là 2,8%/tổng dư nợ; đến 30/6/2019 tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 2,02%/tổng dư nợ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng để thực hiện Nghị quyết 42 có hiệu quả hơn, các bộ ngành, địa phương và đơn vị có liên quan cần tích cực vào cuộc, tham mưu Thủ tướng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các TCTD liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nộp thuế khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm; cần bổ sung thêm trường hợp sang tên, đăng ký quyền sở hữu bất động sản liên quan đến việc xử lý nợ xấu của TCTD vào các trường hợp tạm thời chưa thu thuế...
Tại hội nghị, nhiều cử tri đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm; để thực hiện hiệu quả nghị quyết này, Quốc hội cần có giải pháp mạnh thúc đẩy thiết lập một thị trường mua bán nợ rộng rãi… Cử tri cũng đề nghị trong thực hiện Nghị quyết, Quốc hội cần bỏ bớt những quy phạm pháp luật, thủ tục không cần thiết để phù hợp với việc thực hiện tại Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ xấu.
Bên cạnh đó, các cử tri cũng cho rằng, cần có thị trường mua bán nợ rộng rãi có sự tham gia của ngân hàng thương mại và TCTD trong nước và quốc tế; cho phép TCTD, ngân hàng thương mại bán nợ xấu công khai minh bạch; cần tuân thủ quy định pháp luật, quy chế của ngành trong việc thực hiện nghiệp vụ của ngân hàng, trong thực tế nhiều tài sản bảo đảm khi thu hồi, phát mại gặp nhiều vấn đề về pháp lý…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng có những khó khăn cần tháo gỡ. Do đó, việc tiếp xúc cử tri là rất quan trọng để lắng nghe ý kiến phản ánh của các ngân hàng, các đơn vị liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội, qua đó, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để phản ánh với Quốc hội và các cơ quan liên quan, từ đó, có những điều chỉnh phù hợp để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các Quận, Huyện thực hiện nghiêm Chỉ thị 22/CT-UBND ngày 30/11/2017 của UBND TP Hà Nội; đề nghị NHNN chi nhánh TP Hà Nội phối hợp với các ngành liên quan tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 42 để đánh giá những mặt được, hạn chế và kiến nghị những giải pháp trong thời gian tới.
THÙY LÊ