Gian nan xuất khẩu dệt may vào thị trường trăm tỷ USD
Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 12/08/2019
(BKTO) - Từ nhiều năm qua, khi còn đang đàm phán ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều chuyên gia đã nhận định, ngành dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định này có hiệu lực. Điều này là có cơ sở, trên nhu cầu nhập khẩu dệt may lớn của thị trường EU, cũng như khả năng đáp ứng của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ có thuận lợi, nhiều gian nan đang hiện hữu trên con đường đến với thành công...
Nhiều lợi ích hiện hữu
Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may cả nước đã đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, EU đứng ở vị trí thứ 2 (chỉ sau Mỹ) trong Top 5 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 2,56 tỷ USD, tăng 4,52%. Nhìn lại năm 2018, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU chỉ đạt 4 tỷ USD trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 36 tỷ USD của toàn ngành. Nhưng năm này, EU chi tới 280 tỷ USD nhập khẩu hàng dệt may từ các nhà cung ứng trên toàn thế giới nên thị phần của Việt Nam rất nhỏ, chiếm chưa đến 2% tổng mức chi nhập khẩu hàng dệt may của EU. Do vậy, kết quả của 6 tháng đầu năm là tín hiệu khởi sắc rất đáng mừng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang kỳ vọng EVFTA sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực vào đầu năm 2020, kéo theo đó là dư địa tăng trưởng xuất khẩu lớn cho ngành dệt may.
Ngay sau khi Việt Nam và EU chính thức ký kết Hiệp định EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế - đã chia sẻ, ngành dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA có hiệu lực. Theo lộ trình xóa bỏ thuế quan, chỉ trong 7 năm, mức thuế hiện hành 15% sẽ được đưa dần về 0%. Cơ hội thị trường rộng lớn cùng với ưu đãi thuế quan tạo thành chất xúc tác lớn cho các DN dệt may đẩy mạnh xuất khẩu sang EU.
Hiển hiện trước mắt các DN dệt may còn là lợi ích đến từ quy tắc xuất xứ của EVFTA, do được yêu cầu đơn giản hơn so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây cũng là một thành công lớn của Đoàn đàm phán phía Việt Nam, trong khi CPTPP yêu cầu Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, có nghĩa là các công đoạn từ sợi - vải - cắt may đều phải thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, thì Hiệp định EVFTA chỉ yêu cầu các DN đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải trở đi.
Hơn nữa, theo ông Trần Quốc Khánh, quy định của EU còn cho phép các quốc gia sẽ ký FTA với EU được cộng gộp xuất xứ với những nước đã có FTA với EU. Theo đó, các DN dệt may Việt Nam có thể nhập khẩu vải từ Hàn Quốc (nước này đã ký FTA với EU vào cuối năm 2010, có hiệu lực từ 01/7/2011 và có hiệu lực đầy đủ từ giữa năm 2016) để sản xuất các mặt hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường EU và vẫn được hưởng ưu đãi về thuế quan từ EVFTA do được cộng gộp xuất xứ.
Sắp tới, ưu đãi này cũng được vận dụng tương tự khi EU ký FTA với Nhật Bản - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết thêm. Cùng với đó, đối với một số mặt hàng dệt may đang được hưởng Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP với mức thuế 9% sẽ tiếp tục được hưởng cho đến hết thời hạn của GSP, sau đó sẽ áp dụng theo EVFTA.
Nhưng không ít gian nanphía trước
Theo các chuyên gia trong và ngoài ngành thì điểm yếu của ngành dệt may lâu nay vẫn là chưa chủ động được nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải. Đây là thách thức không nhỏ trong thời gian tới, mặc dù quy tắc cộng gộp xuất xứ vẫn được hưởng ưu đãi mà EU áp dụng đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Bởi, đơn cử số liệu năm 2018, trong khi kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 36 tỷ USD thì kim ngạch nhập khẩu vải đã lên tới gần 13 tỷ USD. Như vậy, hơn 1/3 giá trị xuất khẩu thu về đã được dành cho việc nhập vải phục vụ sản xuất. Điểm tựa để giải bài toán thiếu hụt vải và hưởng ưu đãi trong EVFTA là tăng sử dụng vải nhập khẩu tại Hàn Quốc để cắt may tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tỷ lệ này sẽ không lớn do 70% lượng vải đều được nhập từ Trung Quốc.
Nhìn sâu hơn vào thực trạng, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho rằng, khâu yếu nhất hiện nay của ngành dệt may là dệt và điểm nghẽn là nhuộm. Nếu muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì DN Việt Nam phải nắm được mấu chốt cơ bản của chuỗi cung ứng đó. Nếu không có sự chuẩn bị về mặt tổng thể, không có sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương để cùng khắc phục thách thức trên thì việc tận dụng cơ hội này rất khó.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam - nhận định, để đạt được lợi ích mà EVFTA mang lại, các Bộ, ngành, địa phương cần tìm cách giúp DN dệt may khắc phục nguồn cung nguyên liệu bị thiếu hụt, thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đáp ứng yêu cầu EVFTA đưa ra, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải. Bởi theo số liệu thống kê, khoảng 90% nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA và không được hưởng ưu đãi cộng gộp.
Theo các DN dệt may, trong ngắn hạn, tác động tích cực của EVFTA đối với các DN là chưa đáng kể. Xuất khẩu chưa thể tăng mạnh ngay vì đơn hàng thường được thương lượng và ký kết trước khoảng 4 - 5 tháng. Hơn nữa, theo cam kết, số chủng loại hàng hóa có thuế giảm ngay về 0% không nhiều. Hiện thuế suất nhập khẩu bình quân EU áp dụng với hàng dệt may Việt Nam là 9,6% và sẽ có 42,5% dòng thuế sẽ giảm về 0% khi EVFTA có hiệu lực. Về dài hạn, EVFTA sẽ tác động tích cực khi các dòng thuế còn lại giảm về 0% sau từ 3 - 7 năm. Tất nhiên, mức độ ảnh hưởng của EVFTA tới mỗi DN sẽ khác nhau và phụ thuộc vào cơ cấu thị phần xuất khẩu của từng DN.
Bài và ảnh: H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019