Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp
Đầu tư - Ngày đăng : 14:00, 22/09/2016
(BKTO) - Có chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu ví thương mại là “đôi chân” đưanông sản Việt Nam tiến xa trên thị trường thì khoa học công nghệ (KHCN) đượccoi là “xương sống” để ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị cho nông sản. Tuynhiên, thực tế những năm qua cho thấy, dù Nhà nước đã có chính sách ưu đãi để khuyếnkhích nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN trong nông nghiệp nhưng kết quảvẫn còn rất khiêm tốn.
Thực thi chính sách không hiệu quả
Tỉnh Lâm Đồng hiện có diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 43.000 ha (chiếm 16,4% diện tích canh tác). Sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho giá trị sản xuất tăng gấp 2 lần, năng suất tăng từ 30-50% so với bình quân chung, lợi nhuận đạt trên 40% doanh thu. Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, khó khăn lớn nhất của tỉnh là quỹ đất quy mô lớn đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư là rất hạn chế, gây khó khăn trong việc áp dụng cơ giới hóa, KHCN mới.
Khả năng ứng dụng KHCN của DN Việt Nam trong nông nghiệp được đánh giá còn rất yếuẢnh: TK
Câu chuyện đất đai manh mún gây khó khăn cho ứng dụng KHCN đang là thực tế tại tất cả các địa phương trên cả nước. TS. Nguyễn Quốc Ngữ - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Văn phòng T.Ư Đảng), cho biết bình quân ruộng đất mỗi hộ nông dân nước ta là 4.984 m2, giảm 1.000 m2 so với năm 1989 (mỗi năm giảm 4%). Sau khi một số tỉnh thực hiện việc "dồn điền đổi thửa", hiện còn có 45 triệu thửa ruộng (bình quân từ 600 m2 đến 1.000 m2/thửa, đối với ruộng lúa); đến năm 2011, cả nước chỉ có 1,1% số hộ sử dụng đất canh tác quy mô trên 3 ha.
Bên cạnh khó khăn về đất đai, các chính sách của Nhà nước khuyến khích ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua cũng được đánh giá là thực thi không hiệu quả. Theo nhóm nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích DN nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN trong nông nghiệp, từ hỗ trợ trực tiếp cho nghiên cứu, ứng dụng đến các hình thức ưu đãi thuế, hỗ trợ tín dụng. Tuy nhiên, theo điều tra năm 2015 thì kết quả thu được rất hạn chế. Trong khoảng 200 DN được hỏi thì tỷ lệ DN được hưởng lợi từ những ưu đãi này chỉ từ 1-3%. Tỷ lệ thụ hưởng cao nhất là ưu đãi về tín dụng, với 20% số DN được hỏi trả lời là việc vay vốn tín dụng dễ dàng.
Mặt khác, trình độ và khả năng ứng dụng KHCN của DN Việt Nam nói chung và DN trong nông nghiệp nói riêng được đánh giá là còn rất yếu. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 2.000 DN KHCN trong các lĩnh vực. Trong đó, có trên 400 DN công nghệ cao đang hoạt động tại các khu công nghệ cao, nhưng chỉ có 18 DN nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận.
Tạo động lực cho ứng dụng KHCN
Trong chiến lược phát triển KHCN nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2011- 2020, Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2020, thành tựu KHCN đóng góp 50% GDP ngành Nông nghiệp; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 50% trong giá trị sản xuất các sản phẩm chủ yếu.
Để đạt được kết quả này, Bộ đang thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN, coi đây là một trong các khâu đột phá phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời, đổi mới cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội cho KHCN, thực hiện cơ chế nhà nước đặt hàng đối với các nhiệm vụ KHCN, trước hết đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao; xây dựng đồng bộ chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KHCN; ban hành cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các sản phẩm KHCN trong nước và nước ngoài được trao đổi, mua bán trên thị trường. Đặc biệt, tiến hành xây dựng chính sách mới về thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN trong nông nghiệp, ưu tiên cho các lĩnh vực quan trọng như sản xuất phát triển giống cây trồng, vật nuôi; cơ khí nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ sau thu hoạch...
Để đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào nông nghiệp trong điều kiện đất đai còn manh mún như hiện nay, nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đề nghị, trước mắt cần xây dựng mô hình áp dụng KHCN gắn liền với cánh đồng mẫu lớn. Từ mô hình này cần có chính sách khuyến khích DN tham gia để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tốt hơn cho các hộ sản xuất.
Nhằm tạo động lực mạnh hơn nữa cho việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Nghị định có một số quy định mới mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp, như: Các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 70-80% giá trị của dự án liên kết theo chuỗi giá trị; trường hợp các DN đầu mối liên kết hoặc ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan được xem xét khoanh nợ, xóa nợ.
THANH TÙNG