Bất cập trong thu và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:30, 12/08/2019
(BKTO) - Qua kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển DN giai đoạn 2011-2017 tại Bộ Tài chính, 24 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước và một số địa phương, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác thu, quản lý và sử dụng nguồn Quỹ. Từ đó, KTNN đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi sở hữu DNNN, thoái vốn nhà nước tại DN, trong đó, quy định chế tài đủ mạnh để đảm bảo thu đầy đủ, kịp thời về Quỹ như đang áp dụng với nguồn thu NSNN.
KTNN đã chỉ ra một số TCT sử dụng Quỹ HTSXDN vào hoạt động kinh doanh nhưng để thua lỗ, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn. Ảnh: TTXVN
Tổng hợp Quỹ chưa đầy đủ,quản lý và sử dụngthiếu chặt chẽ
Giai đoạn 2011-2017, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trực tiếp quản lý, hạch toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp (Quỹ HTSX và PTDN); các TĐ, TCT nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng các khoản thu cổ phần hóa và các khoản thu khác từ đơn vị thành viên (Quỹ HTSXDN). Từ tháng 12/2017, Bộ Tài chính tiếp nhận bàn giao số dư tại thời điểm 31/12/2017 và trực tiếp quản lý Quỹ HTSX và PTDN (do SCIC quản lý) và Quỹ HTSXDN tại các công ty mẹ của TĐ, TCT nhà nước, tổ hợp công ty mẹ - công ty con theo Nghị quyết số 131/NQ-CP và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Báo cáo kiểm toán cho thấy, số dư Quỹ HTSX và PTDN tại SCIC và tại các công ty mẹ của TĐ, TCT nhà nước đến ngày 31/12/2017 là 112.513 tỷ đồng (trong đó, KTNN điều chỉnh tăng thêm 11.905 tỷ đồng) gồm: Quỹ HTSX và PTDN là 106.669 tỷ đồng; Quỹ HTSXDN là 5.844 tỷ đồng.
Theo kết quả kiểm toán, trong giai đoạn 2011-2017, báo cáo tình hình hoạt động của 2 Quỹ trên thực hiện chưa đầy đủ, chính xác. Chẳng hạn như năm 2011, chưa có báo cáo đầy đủ tiền và tài sản của Quỹ HTSX và PTDN (chỉ báo cáo số dư bằng tiền); số liệu của Quỹ HTSXDN là số liệu thống kê, chưa có sự kiểm tra, rà soát và chưa được đối chiếu giữa các năm; năm 2017, số liệu Quỹ HTSXDN không được tổng hợp. Đến thời điểm kết thúc kiểm toán (tháng 01/2019), chưa có số liệu theo dõi, tổng hợp và cập nhật kịp thời toàn bộ đối tượng phải nộp, số tiền phải thu về Quỹ, chưa phản ánh đầy đủ quy mô tài sản của Quỹ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong công tác quản lý và sử dụng 2 Quỹ trên, KTNN cũng chỉ ra nhiều thiếu sót. Cụ thể, một số địa phương hạch toán số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của các TCT trực thuộc UBND tỉnh, thành phố tại tài khoản ngân sách địa phương hoặc tài khoản tạm thu ngân sách, đến ngày 31/12/2017 chưa nộp về Quỹ HTSX và PTDN là 1.544 tỷ đồng; một số DN chậm nộp tiền thu từ cổ phần hóa về Quỹ và chưa tính, hạch toán lãi chậm nộp theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, SCIC chưa theo dõi khoản tiền phải thu ứng cho NSNN để sử dụng cho 5 bệnh viện, không theo dõi đầy đủ đối tượng và hạch toán kịp thời số tiền phải nộp về Quỹ HTSX và PTDN; hạch toán không đúng tiền lãi chậm nộp; không xử lý dứt điểm việc thu hồi nợ gốc và lãi chậm nộp. Cụ thể, SCIC theo dõi, hạch toán số tiền còn phải thu tại thời điểm 31/12/2017 và bàn giao cho Bộ Tài chính là 2.084 tỷ đồng, ngoài ra, KTNN xác định tăng thêm 11.723 tỷ đồng...
Đối với Quỹ HTSXDN tại các công ty mẹ của TĐ, TCT nhà nước, qua kiểm toán cho thấy, một số TĐ, TCT chưa tính và hạch toán đầy đủ lãi chậm nộp theo quy định số tiền 7,9 tỷ đồng; chưa xác định đầy đủ các khoản phải nộp, hạch toán không đúng các khoản thu khác về Quỹ, không mở tài khoản tiền gửi riêng của Quỹ tại ngân hàng thương mại theo quy định. Nhiều đơn vị báo cáo số liệu Quỹ còn sai sót dẫn đến báo cáo số liệu cuối năm trước và đầu năm sau liền kề còn chênh lệch lớn. Đơn cử như TCT Thuốc lá Việt Nam, số dư nguồn Quỹ tại thời điểm 31/12/2015 là 0,41 tỷ đồng, tại thời điểm 01/01/2016 là 2,4 tỷ đồng…
Về sử dụng Quỹ, kết quả kiểm toán chỉ ra, TCT Công nghiệp Tàu thủy và TCT Lương thực miền Nam sử dụng Quỹ vào hoạt động kinh doanh nhưng kinh doanh thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn. TCT Giấy Việt Nam sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa để tăng vốn điều lệ 21 tỷ đồng nhưng chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. TCT Hàng hải Việt Nam sử dụng 45 tỷ đồng của Quỹ để góp vốn vào Cảng Đình Vũ không đúng quy định; TCT Du lịch Sài Gòn dùng Quỹ để bù đắp phần giá trị thặng dư âm khi phát hành thêm cổ phần tăng vốn của Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch Thủ Đức 0,32 tỷ đồng không đúng quy định.
Thu nộp về Quỹ HTSXvà PTDN hơn 3.500 tỷ đồng
Liên quan đến công tác quyết toán, bàn giao sang công ty cổ phần và bàn giao các Quỹ về Bộ Tài chính, qua kiểm toán cho thấy, một số cơ quan đại diện chủ sở hữu chậm quyết toán đối với các DN cổ phần hóa đã chuyển sang công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp về Quỹ. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị các địa phương quyết toán và chỉ đạo các đơn vị liên quan nộp tiền về Quỹ HTSX và PTDN, tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, việc quyết toán và chuyển số dư về Quỹ vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Qua kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị 29 địa phương, công ty mẹ của các TĐ, TCT nhà nước nộp về Quỹ T.Ư số tiền 3.536 tỷ đồng.
KTNN cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát để xác định, hạch toán đầy đủ và đôn đốc thu hồi về Quỹ HTSX và PTDN số phải thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các TĐ, TCT nhà nước và các TCT, công ty do UBND các tỉnh, thành phố làm chủ sở hữu; phối hợp với SCIC và các cơ quan liên quan thu hồi về Quỹ HTSX và PTDN các khoản nợ tồn đọng đến ngày 31/12/2018; rà soát, hạch toán đầy đủ số nợ lãi chậm nộp trước khi bàn giao về Bộ Tài chính; phối hợp với Bộ Y tế xử lý dứt điểm khoản tiền ứng từ Quỹ HTSX và PTDN đầu tư cho 5 bệnh viện nhưng chưa giải ngân hết để thu hồi về Quỹ.
Đặc biệt, KTNN đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi sở hữu DNNN, thoái vốn nhà nước tại DN theo hướng: Tập trung nguồn thu Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển DN để quản lý và sử dụng hiệu quả, tạo nguồn lực lâu dài để chi đầu tư phát triển, các dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bổ sung vốn điều lệ và duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước tại DN theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, không sử dụng cho chi thường xuyên của NSNN. Đồng thời, thực hiện giám sát hoạt động quản lý và sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu DN và thoái vốn nhà nước, quy định chế tài đủ mạnh để đảm bảo thu đầy đủ, kịp thời về Quỹ như đang áp dụng với nguồn thu NSNN.
KIM AN
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019