Tăng đối tượng tham gia, giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế

Xã hội - Ngày đăng : 08:45, 12/08/2019

(BKTO) - Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt và vượt chỉ tiêu được giao; tích cực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT... là những kết quả nổi bật của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) trong thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tiến tới BHYT toàn dân (Nghị quyết 68) giai đoạn 2018-2019.


Vượt chỉ tiêu đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết 68 với mục tiêu: “Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT”, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Đáng chú ý là các giải pháp: triển khai quy định bắt buộc tham gia BHYT; tham gia BHYT theo hộ gia đình; bổ sung một số đối tượng được NSNN đóng BHYT; các địa phương xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể phát triển BHYT theo từng nhóm đối tượng, trình Hội đồng nhân dân thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 2016-2020; cân đối nguồn tài chính hỗ trợ đóng cho người tham gia BHYT…

Nhờ đó, đối tượng tham gia BHYT không ngừng tăng nhanh. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Đến ngày 31/12/2018, toàn quốc có trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 3,3%. Tính đến hết tháng 6/2019, toàn quốc có 84,74 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,3% dân số, vượt 1,2% so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2019 đạt 88,1%).

Cùng với phát triển đối tượng tham gia, BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm các quy trình, thủ tục, hồ sơ, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức trong thực hiện các giao dịch về BHYT. Đến nay, số TTHC thuộc lĩnh vực giải quyết chính sách BHYT đã giảm xuống còn 4 thủ tục. BHXH Việt Nam cũng đã chủ động giảm thời gian thực hiện TTHC, rút ngắn thời gian cấp thẻ BHYT (Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 quy định thời gian cấp thẻ BHYT là 7 ngày, BHXH Việt Nam thực hiện 3 ngày và 1 ngày đối với trường hợp cấp cứu, chuyển công tác hoặc không thay đổi thông tin).

Bên cạnh đó, ngành BHXH thực hiện đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận và trả kết quả TTHC với 3 hình thức gồm: giao dịch điện tử, sử dụng dịch vụ bưu chính và trực tiếp tại Bộ phận “Một cửa”. Đặc biệt, hiện BHXH Việt Nam đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định về việc thực hiện thẻ BHYT điện tử nhằm tạo thuận lợi nhất cho cơ quan, đơn vị, tổ chức trong thực hiện giao dịch về BHYT và cá nhân khi đi khám, chữa bệnh BHYT.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực BHYT, Nghị quyết 68 của Quốc hội giao: “Trước năm 2018, hoàn thành việc liên thông hệ thống phần mềm công nghệ thông tin giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám, chữa bệnh nhằm cải tiến thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, quản lý, sử dụng Quỹ BHYT”.

Để đạt mục tiêu trên, ngành BHXH đã hoàn thiện Hệ thống thông tin giám định BHYT; phối hợp với ngành y tế chuẩn hóa danh mục sử dụng tại hơn 12.000 cơ sở y tế, đồng bộ dữ liệu lên Hệ thống thông tin giám định BHYT, nhằm quản lý, sử dụng Quỹ BHYT đúng quy định, an toàn, hiệu quả. Đồng thời, ngày càng có nhiều phần mềm tiện ích được tích hợp lên Hệ thống như: Phần mềm Cổng tiếp nhận, trao đổi thông tin giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH giúp cung cấp công cụ tra cứu, quản lý thông tuyến, chuyển tuyến, kiểm tra thẻ BHYT, thông báo kết quả giám định, theo dõi tình hình khám, chữa bệnh của cơ sở y tế và thống kê thanh toán BHYT; đặc biệt, các cơ sở y tế có thể liên thông các kết quả xét nghiệm, khai thác tiền sử bệnh tật, kết quả điều trị của người bệnh BHYT, tránh trùng lặp chỉ định, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả điều trị.

Ngoài ra, trên Hệ thống còn có Phần mềm Giám định theo quy trình giám định BHYT của BHXH Việt Nam, thực hiện giám định điện tử 100% hồ sơ đề nghị thanh toán; tích hợp Phần mềm Giám sát nhằm cung cấp các biểu đồ, bản đồ theo dõi tình hình khám, chữa bệnh, sử dụng kinh phí trên toàn quốc.

Phục vụ tốt nhu cầu quản lý, khám chữa bệnh của người dân và cơ sở y tế, năm 2018, Hệ thống đã tiếp nhận và giám định 176,5 triệu hồ sơ điện tử với 98.116 tỷ đồng đề nghị thanh toán BHYT, tỷ lệ liên thông dữ liệu trên toàn quốc đạt 95,12%; đã kết nối với 12.132 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. Trong 5 tháng đầu năm 2019, Hệ thống đã tiếp nhận và giám định 72,2 triệu hồ sơ điện tử với 40.438 tỷ đồng đề nghị thanh toán BHYT.

Qua giám định tự động 100% hồ sơ đề nghị thanh toán, Hệ thống đã phát hiện các hồ sơ sai sót và từ chối thanh toán năm 2018 là hơn 500 tỷ đồng, yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn hóa lại dữ liệu sai danh mục của Bộ Y tế. Hệ thống cũng đã ghi nhận kết quả giám định của BHXH các tỉnh, thành phố năm 2018 với số tiền thanh toán sai quy định năm 2017, 2018 là 1.000 tỷ đồng/năm.

Theo BHXH Việt Nam, với những kết quả trên, ngành BHXH đã hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 68.

ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019