Đảm bảo an toàn thực phẩm trong nông nghiệp: Nhân rộng những mô hình sản xuất tiên tiến
Xã hội - Ngày đăng : 09:05, 12/08/2019
(BKTO) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều thách thức. Do vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu hơn để khắc phục tình trạng này, đặc biệt, Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cần được áp dụng rộng rãi.
Quản lý chất lượng an toànthực phẩm còn hạn chế
Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp đã kiểm tra 23.198 cơ sở, xử phạt hành chính 1.412 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP nông - lâm - thủy sản. Tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất, chế biến, xuất khẩu, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất diễn ra khá phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cũng trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm chủ lực, tiêu dùng có nguy cơ mất ATTP cao và phát hiện 21 trong số 1.723 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu ATTP (chiếm 1,21%), giảm so với 6 tháng đầu năm 2018 (1,7%); 27 trong số 333 mẫu thịt lợn, gà tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm E.Coli, Salmonella (chiếm 8,1%), giảm so với cùng kỳ năm 2018 (22,3%), không phát hiện chất cấm Salbutamol, Clenbuterol trong 508 mẫu thịt lợn... Tuy kết quả vi phạm có giảm so với trước nhưng thực tế này cho thấy việc bảo đảm ATTP vẫn còn những thách thức.
Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, một số văn bản quy phạm pháp luật chậm tiến độ so với kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ NN&PTNT đề ra; công tác rà soát, loại bỏ, bổ sung các vật tư nông nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chưa thường xuyên; việc xử lý dứt điểm một số hạn chế như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh rau, quả và thủy sản chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, nguồn nhân lực tại nhiều tỉnh, thành phố chưa đáp ứng để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ quản lý, thanh tra về ATTP theo phân công, phân cấp, nhất là trong tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đối với những cơ sở không thuộc diện cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP...
Trong khi đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản TP. Hà Nội chia sẻ, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, xử lý vi phạm ở tuyến xã chưa thường xuyên và quyết liệt, chủ yếu là nhắc nhở, chưa tập trung vào các cơ sở có nguy cơ mất ATTP cao; việc triển khai quy hoạch giết mổ gặp nhiều khó khăn, vẫn còn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP.
Áp dụng VietGAP để bảo đảm an toàn thực phẩm
VietGAP được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng mất ATTP trong nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh, tham gia vào sản xuất nông sản tại Việt Nam chủ yếu là nông dân sản xuất nhỏ, làm theo thói quen, có tâm lý ngại tuân thủ theo quy định, tiêu chuẩn; thiếu tầm nhìn, vốn, công nghệ, thị trường,… Vì vậy, nông dân thường không tự nguyện, chủ động áp dụng VietGAP mà trông chờ vào hỗ trợ của các chương trình, dự án. Mặt khác, chứng nhận VietGAP không khả thi đối với nông dân sản xuất nhỏ, chi phí chứng nhận cao. Đây là các nguyên nhân khiến việc triển khai áp dụng VietGAP gặp nhiều khó khăn và không bền vững, trong khi số lượng hộ nông dân nhỏ tham gia hợp tác xã sản xuất an toàn được chứng nhận VietGAP còn hạn chế.
Để VietGAP được áp dụng rộng rãi, ông Đào Thế Anh đề xuất, cần thúc đẩy xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) nhằm đảm bảo chuỗi thực phẩm an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát các đơn vị đã được chứng nhận cũng như toàn bộ quy trình chứng nhận VietGAP; xử phạt tổ chức, cá nhân làm ăn gian dối, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào các chuỗi giá trị sản phẩm để xuất khẩu, vì khi có một lô hàng nào bị đánh giá không đạt bởi nước nhập khẩu thì tỷ lệ DN bị kiểm tra sẽ tăng lên tới 50%, thậm chí 100% thay vì bình thường chỉ là 5%. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành cần công khai, minh bạch thông tin về ATTP, VietGAP để người tiêu dùng tham gia vào hệ thống giám sát.
Trao đổi về công tác quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến cho hay, cần xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực vùng kết hợp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Mặt khác, nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phổ biến, vận động, hỗ trợ người dân, DN quy mô nhỏ áp dụng GAP, thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản. Ngoài ra, việc giám sát, quản lý phải được thực hiện một cách đồng bộ trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản, từ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến tới tiêu thụ. Nếu các khâu này được thực hiện tốt thì mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường các nước, mang lại giá trị xuất khẩu cao, góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ, tự cấp - tự túc sang nền nông nghiệp hội nhập, phát triển bền vững.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019