Rà soát, đánh giá hiệu quả của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước
Đối nội - Ngày đăng : 09:20, 14/08/2019
(BKTO) - Chiều 13/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013- 2018”. Trên cơ sở kết quả giám sát và kiến nghị của Đoàn giám sát, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị, Chính phủ cần rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ này, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình kế hoạch sắp xếp lại hoặc bãi bỏ các quỹ hoạt động không hiệu quả.
Kiến nghị bãi bỏ ngay một số quỹ
Báo cáo kết quả giám sát tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, qua hoạt động giám sát, Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ ngay đối với một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo kết quả giám sát- Ảnh: quochoi.vn |
Đối với Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp, để đảm bảo việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn thu này, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về quản lý, sử dụng nguồn thu này theo hướng: toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn, cổ tức được chia tại các DN... phải nộp về NSNN sau khi trừ đi các chi phí. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu này được thực hiện theo dự toán NSNN hằng năm và kế hoạch đầu tư công 5 năm theo từng giai đoạn được Quốc hội quyết định, trong đó chỉ sử dụng để chi cho đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm Quốc gia được Quốc hội phê duyệt.
Đoàn giám sát cũng đề nghị xem xét bãi bỏ Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và chuyển giao cho các tổ chức xã hội quản lý theo cơ chế tổ chức, hoạt động của các quỹ xã hội, từ thiện.
Về Quỹ Hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ Hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, qua giám sát cho thấy, kinh phí hoạt động của hai Quỹ này hoàn toàn do NSNN cấp, không có nguồn thu khác. Từ năm 2017, NSNN không bố trí kinh phí cho 2 Quỹ này, mà chuyển thành nhiệm vụ chi đặc thù trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Bộ Ngoại giao để thực hiện. Do đó, Đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ hai Quỹ trên.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị bãi bỏ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và chuyển một số nhiệm vụ chi liên quan đến việc hỗ trợ việc làm ngoài nước vào nhiệm vụ chi của NSNN. Đồng thời, bãi bỏ Quỹ Phòng chống chống thiên tai và bỏ quy định về cơ chế thu đối với khoản thu này. Việc chi thực hiện phòng chống thiên tai được cấp từ NSNN, thông qua dự phòng ngân sách hằng năm của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với một số Quỹ như: Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá; Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.
Thực hiện việc sáp nhập đối với các Quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, đối tượng phục vụ hoặc trùng lặp về đối tượng hoặc trùng với nhiệm vụ chi của NSNN và thực hiện cơ cấu lại hoạt động của một số quỹ như: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia…
Đối với một số Quỹ tài chính khác ở địa phương, Đoàn giám sát đề nghị thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động các Quỹ, xem xét, sáp nhập để giảm đầu mối Quỹ, giảm chi phí quản lý, tập trung nguồn lực tài chính để hình thành các định chế tài chính mạnh ở địa phương…
Cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể
Cho ý kiến về kiến nghị trên của Đoàn giám sát, tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị cần cân nhắc thật kỹ lưỡng vì các quỹ được đề nghị bãi bỏ đều là những quỹ “có tên tuổi”, có tác động lớn đến đời sống. Nếu quỹ vô thưởng vô phạt thì giải thể ngay, còn quỹ có uy tín thì cần cân nhắc - ông Dũng phát biểu.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, vấn đề bãi bỏ quỹ nào, để quỹ nào phải căn cứ trên đề xuất của Chính phủ. Do đó, đề nghị Đoàn giám sát phối hợp với Chính phủ tiếp tục rà soát các quỹ này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp- Ảnh: quochoi.vn |
Báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề tại phiên giám sát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ nhất trí với các kiến nghị của Đoàn giám sát và ý kiến của các thành viên UBTVQH. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, các kiến nghị của Đoàn giám sát về rà soát, sắp xếp các quỹ cũng cơ bản theo định hướng của Chính phủ. Việc xử lý các quỹ cần có lộ trình, kế hoạch và cần áp dụng nguyên tắc của Luật NSNN để xử lý.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: UBTVQH thống nhất giao Chính phủ rà soát tổng thể các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đánh giá tác động, hiệu quả của từng quỹ để trình Quốc hội xem xét các quỹ thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại các quỹ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của chính quyền địa phương, kiên quyết loại bỏ các quỹ không hiệu quả.
N. KIM