Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tham nhũng vặt, tác dụng không vặt

Đối nội - Ngày đăng : 10:00, 16/08/2019

(BKTO)- Cuối phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 15/8, sau khi nhiều thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.


Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: 4 Nghị quyết chuyên đề và 4 kết luận của UBTVQH, với những nhiệm vụ, giải pháp, mốc thời gian thực hiện rất cụ thể, rõ ràng đã tạo nhiều thuận lợi cho điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đồng thời cũng tạo ra những áp lực cho các Bộ trưởng, trưởng ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Sau khi có các Nghị quyết, kết luận này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã triển khai nghiêm túc và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội, an sinh xã hội và củng cố quốc phòng an ninh.
                
   

Toàn cảnh phiên chất vấn của UBTVQH- Ảnh: chinhphu.vn

   
Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Phó Thủ tướng về trách nhiệm quản lý đầu tư công, đầu tư cho đồng bằng Sông Cửu Long, phòng chống tham nhũng vặt, ngăn chặn tín dụng đen…

Tạo chuyển biến trong phòng, chống tham nhũng vặt

Trả lời chất vấn về giải pháp phòng, chống tham nhũng vặt, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh việc đấu tranh những vụ án về kinh tế, tham nhũng thì chủ trương của Đảng, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, cũng như các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH đều nhấn mạnh vấn đề tham nhũng vặt.

Tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận, nó liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức. “Tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả của nó không vặt chút nào. Người ta ví một con đê cao to, hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, tham nhũng vặt làm băng hoại đạo đức cán bộ công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và DN, đồng thời, làm tăng chi phí không chính thức của DN và người dân.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để phòng, chống tham nhũng vặt, như: hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về kinh tế đảm bảo rõ ràng, thống nhất, không chồng chéo nhau; qua đó tránh được sự tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật của cả người thực thi, cũng như của cơ quan thanh tra, kiểm toán; tránh nhũng nhiễu.

Bên cạnh đó là hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình trong thực thi công vụ và đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, trả tiền dịch vụ qua mạng… Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin, giám sát việc thi hành công chức công vụ.

Giải pháp khác theo Phó Thủ tướng là xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức, trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển; nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng vặt.

"Vừa qua Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg và đã tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này để chấn chỉnh vấn đề nhũng nhiễu, vòi vĩnh của đội ngũ cán bộ công chức trong lĩnh vực này. Tôi nghĩ sắp tới sẽ tạo ra chuyển biến"- Phó Thủ tướng nói.

Hệ lụy từ việc tăng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về tình trạng DN bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao, Phó Thủ tướng cho biết, đây là vấn để nổi lên trong thời gian gần đây. Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, tổng phát hành trái phiếu DN là 116 nghìn tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu, các ngân hàng thương mại sở hữu 31,6%, DN bất động sản sở hữu 19% (khoảng 1 tỷ USD), các công ty chứng khoán là 3,5% còn lại là của các DN khác.

Về lãi suất huy động chỉ cao hơn lãi suất cho vay trung, dài hạn của ngân hàng khoảng 0,5-1%, cá biệt một số lượng phát hành lãi suất 12-14%, thậm chí có 1 DN phát hành đến 14,5%.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tình trạng trên sẽ dẫn đến hệ lụy là gây ra rủi ro, phá vỡ đường cong lãi suất giữa lãi suất trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN với lãi suất ngân hàng.

"Trái phiếu DN lãi suất cao chủ yếu là phát hành riêng lẻ, của các công ty không đại chúng (không giao dịch trên sàn chứng khoán và chưa được đánh giá tín nhiệm); trong khi đó 6,1% nhà đầu tư là cá nhân thì không có điều kiện để đánh giá các rủi ro, cho nên có thể gây ra rủi ro về thanh khoản và rủi ro cho người mua trái phiếu này"- Phó Thủ tướng thông tin.
                
   

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội- Ảnh: chinhphu.vn

   
Trước tình hình trên, Chính phủ đã làm việc với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan. Chính phủ quán triệt tinh thần là tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu DN phù hợp với chiến lược thị trường chứng khoán và Đề án tái cơ cấu công ty chứng khoán để giảm bớt gánh nặng cho tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, phải kiểm soát chặt chẽ thị trường này; quy định trong Luật Chứng khoán đang sửa đổi nhằm kiểm soát nghiêm ngặt điều kiện phát hành riêng lẻ, chỉ phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư có tổ chức; đồng thời quản lý chặt chẽ trong Luật DN về việc phát hành riêng lẻ của các nhà đầu tư không đại chúng; tăng cường công tác hỗ trợ thông tin cho người phát hành và người mua trái phiếu…

Ngoài ra, tới đây Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra việc thực hiện Nghị định 163/2019/NĐ-CP để sửa đổi ngay những điểm chưa phù hợp.

Giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu) về giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Định Huệ cho biết, để huy động được DN đầu tư vào lĩnh vực này, điều quan trọng nhất là vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch sử dụng đất đai. Bản thân DN rất sợ rủi ro khi thay đổi quy hoạch nên địa phương phải làm tốt vấn đề này. Cùng với đó, cần phải tích tụ đất đai đủ rộng để thu hút các DN lớn vào đầu tư; phát triển mạnh hợp tác xã và kinh tế tập thể làm kết nối giữa hộ nông dân với DN.

Ngoài ra, cần có thể chế ưu đãi hơn, vượt trội hơn, ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng… Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP về Bảo hiểm nông nghiệp và sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về tín dụng cho nông nghiệp. “Với những chính sách như vậy, hy vọng sẽ tiếp tục tăng số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”- Phó Thủ tướng nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) về giải pháp kết nối giữa lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) với DN, Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KHCN tái cơ cấu Chương trình KHCN trọng điểm từ nay đến 2020 và 2025 theo hướng lấy DN làm trung tâm; đồng thời sửa đổi Nghị định 16/2015/NĐ-CP nhằm tăng tự chủ cho tổ chức sự nghiệp về KHCN; sửa đổi Nghị định 40/2014/NĐ-CP về trọng dụng nhà khoa học tài năng, Nghị định 87/2014/NĐ-CP về thu hút nhân lực ở nước ngoài Việt Nam.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh DN về KHCN với nhiều ưu đãi thuế, tín dụng, đất đai cho DN KHCN; đồng thời, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như Khu làm việc chung, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia…Đây là nơi kết nối giữa DN và nhà khoa học một cách hiệu quả nhất.

N. HỒNG