Báo chí thúc đẩy cải cách thể chế

Xã hội - Ngày đăng : 11:10, 16/06/2016

(BKTO) - Báo chí đã trởthành “tiếng chuông” cảnh báo quan trọng để thúc đẩycải cách thể chế - nhận định trên được nhiều đại biểu đưa ra tại diễn đàn “Báochí và doanh nghiệp thời hội nhập” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với PhòngThương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhân kỷ niệm 91 năm ngày Báochí cách mạng Việt Nam.



Diễn đàn “Báo chí và doanh nghiệp thời hội nhập”. Ảnh: NGUYỄN LỘC
Cầu nối cho DN hội nhập

Trong bối cảnh hội nhập, báo chí với vai trò đồng hành cùng DN để thúc đẩy cải cách thể chế, phát triển DN theo yêu cầu của Chính phủ đã trở thành vấn đề được quan tâm nhất tại Diễn đàn. Nói như Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “DN không thể phát triển như ngày nay nếu thiếu sự đồng hành của báo chí”. Sự đồng hành đó được thể hiện qua chức năng cầu nối, cung cấp thông tin, góp phần xây dựng cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, từ những vụ việc đơn lẻ nhưng qua báo chí đã trở thành “tiếng chuông” cảnh báo để thúc đẩy cải cách thể chế. Thời gian qua, cải cách thể chế đã có những bước tiến quan trọng và báo chí là một trong những lực lượng có công đầu. Thông qua báo chí, những ý kiến từ phía DN trở thành áp lực và động lực thúc đẩy cải cách thể chế. Điển hình như vụ quán cà phê “Xin Chào” (ở huyện Bình Chánh, TP. HCM), sau khi được báo chí phản ánh, Thủ tướng Chính phủ đã ra thông điệp không hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế. Ở chiều ngược lại, Chủ tịch VCCI cho rằng một hành xử không đúng mực của cơ quan báo chí cũng có thể mang lại nỗi đau cho DN.

Minh chứng cho tác động to lớn của báo chí tới sự tồn tại và phát triển của DN, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương đã đưa ra hai vụ việc trái ngược về tác động, hiệu ứng từ báo chí. Nếu như vụ việc quán cà phê “Xin Chào” cho thấy có những “lời nói gói vàng”, thì vụ xúc xích Vietfoods (xảy ra tại Hà Nội) cho thấy cũng có những “lời nói đọi máu” do thông tin báo chí mang lại. Trước đó, Vietfoods đã phải gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ về việc bị một cơ quan chức năng tùy tiện kiểm tra, tạm giữ hàng và thông tin cho các cơ quan báo chí sản phẩm mang nhãn hiệu Vietfoods chứa chất cấm, gây ung thư không có căn cứ, làm tổn hại đến thương hiệu và thiệt hại cho nhà sản xuất. Dù trách nhiệm chính hoàn toàn không phải do báo chí, nhưng vụ việc đã một lần nữa cho thấy ảnh hưởng lớn của báo chí đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Trong bối cảnh hội nhập, các DN mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục cung cấp những thông tin kịp thời, đặc biệt là những thông tin cảnh báo, dự báo về môi trường kinh doanh, thị trường, công nghệ, quản trị cho DN; tuyên truyền về các cam kết hội nhập, những gợi ý, định hướng về hoạt động của DN trong bối cảnh mới.

Tăng cường phản biện chính sách

Tại diễn đàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khẳng định, báo chí và cộng đồng DN đang tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách của Chính phủ, đặc biệt trong việc cải cách thủ tục hành chính. Ghi nhận những đóng góp của tổ chức đại diện cho cộng đồng DN, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định Hội cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với VCCI trong việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về DN, doanh nhân, đặc biệt trong phản ánh các ý kiến phản biện chính sách của DN, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, DN cũng cần phải cởi mở hơn với báo chí, chủ động cung cấp thông tin, qua đó góp phần hạn chế những thông tin sai lệch, một chiều.

Trước những thách thức DN có thể gặp phải trong quá trình hội nhập, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, các cơ quan báo chí và DN cần phải sát cánh bên nhau hơn nữa. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm tạo ra những đột phá hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu hiện nay là kỷ luật thực thi. Vì vậy, việc việc tăng cường sự giám sát của DN và báo chí đối với cải cách thể chế là quan trọng.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Doanh nhân và nhà báo đều có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, là những người đồng hành thân thiết, tương trợ lẫn nhau. Trong thời gian tới, báo chí và DN phải cùng phát huy vai trò tiên phong của mình, góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, DN và quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị: DN cần thông qua báo chí để phản ánh những khó khăn tới Quốc hội, Chính phủ nhằm sửa đổi, hoàn thiện và tạo lập môi trường pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN. Trong quá trình đó, Quốc hội sẽ tăng cường thúc đẩy hoàn thiện thể chế, tăng cường giám sát để tạo điều kiện cho DN phát triển.

NGUYỄN LỘC