Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện

Đầu tư - Ngày đăng : 13:00, 19/08/2019

(BKTO) - Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo số 280/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, trong đó nhấn mạnh: “Nhiều dự án nguồn điện rất chậm so với tiến độ sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu điện và gây khó khăn trong cung ứng điện trong những năm tiếp theo”.


Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ

Trong thông báo kết luận, Thường trực Chính phủ đánh giá, giai đoạn qua, các chủ đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã có những cố gắng thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, tiến độ triển khai nhiều dự án nguồn điện rất chậm so với kế hoạch, đặc biệt là các dự án nguồn nhiệt điện có quy mô công suất lớn dự kiến đưa vào vận hành đến năm 2023. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung- cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng điện-Ảnh: TTXVN

Do đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan phải nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ quan trọng hàng đầu về đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào.

Nhằm đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, Thường trực Chính phủ đồng ý về nguyên tắc xem xét việc áp dụng quy định tại Luật Điện lực để cho phép triển khai các dự án điện cần thiết, cấp bách nhằm đảm bảo cung ứng điện, nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện.

Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan cần giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai 9 dự án nguồn điện của EVN (các dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II, Dung Quất I và Dung Quất III (đồng bộ với Dự án khí Cá Voi Xanh), Ô Môn III và Ô Môn IV (đồng bộ với Dự án khí Lô B); các dự án thủy điện nhà máy Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Trị An mở rộng); kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền để thúc đẩy tiến độ các dự án.

Đối với Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét việc giao EVN thực hiện các bước tiếp theo mà không trình duyệt lại chủ trương đầu tư.

Thường trực Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc áp dụng cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ đối với Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân III với tỷ lệ hợp lý, tối đa 30%. Đồng thời cũng đồng ý về nguyên tắc xem xét, ban hành cơ chế đặc thù trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng đối với các dự án điện trọng điểm, cấp bách dự kiến đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn tới.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, đơn vị

Nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem xét cụ thể đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc cho phép các Chủ đầu tư nhà máy điện đấu thầu mua LNG để bổ sung cho các nguồn khí cho phát điện, đấu thầu thuê hoặc mua điện của các nhà máy điện nổi (chạy LNG) để có thể bổ sung nguồn cấp từ năm 2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Thông báo kết luận.

Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia-Ảnh minh họa (nguồn: EVN)

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương đổi mới phương pháp giám sát thực hiện các dự án điện nhất là đối với các dự án trọng điểm, cấp bách; thường xuyên giao ban kiểm điểm tiến độ các dự án, xử lý ngay các nội dung thuộc thẩm quyền và kịp thời báo cáo cơ quan, cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề ngoài thẩm quyền. Bộ Công Thương còn được giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các dự án cần thiết, cấp bách cần triển khai để đảm bảo cung ứng điện và vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia theo đề nghị của EVN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đảm bảo cung cấp đủ than, khí cho từng nhà máy điện, chấm dứt tình trạng thiếu than đã xảy ra trong thời gian qua.

Đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thường trực Chính phủ yêu cầu cần tập trung xử lý theo đúng thẩm quyền được pháp luật quy định và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền; tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng kéo dài, trì trệ trong khâu chuẩn bị đầu tư các dự án điện của EVN, PVN và TKV.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cần khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vướng mắc liên quan đến triển khai đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và một số dự án nhiệt điện khác (nếu có).

Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thường trực Chính phủ yêu cầu xem xét việc các dự án nguồn và lưới điện của EVN được vay từ các ngân hàng thương mại vượt hạn mức tín dụng cho một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan trong điều kiện phù hợp, theo quy định của pháp luật.
         
Theo lãnh đạo EVN, trong nửa cuối năm 2019, tình hình cung ứng điện dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu điệntiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòngnguồn điện; mực nước các hồ thủy điện đang ở mức rất thấp, đặc biệt các hồ thủy điệnlớn trên dòng sông Đà đang ở gần mức nước chết; việc cung ứng than cho phát điện hết sức khó khăn, bên cạnh đó các Nhà máy nhiệt điện đã phải huyđộng cao trong 6 tháng đầu năm; nguồn khí trong nước đã suy giảm và từ tháng 10/2019 sản lượng khí PM3 tiếp tục giảm mạnh; các nguồn điện dầu dự kiếnsẽ phải huy động cao trong 6 tháng cuối năm sẽ là thách thức lớn đối với tìnhhình tài chính của Tập đoàn; tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đưa vàovận hành và dự kiến tiếp tục tăng cao ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn, ổnđịnh hệ thống điện...
PHÚC KHANG