Quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh

Đầu tư - Ngày đăng : 11:25, 16/06/2016

(BKTO)- Kiện toàn chưa đầy 3 tháng,Chính phủ nhiệm kỳ mới (2016-2020) đã có nhiều cam kết và ban hành một loạt cácnghị quyết quan trọng liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh. Động tháinày đã tỏ rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một “Nhà nước kiến tạo, lấy DN làm đối tượng phục vụ, tạo thuậnlợi cho DN đầu tư, kinh doanh và pháttriển”.



Chính phủ đã thể hiện tinh thần quyết tâm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để DN phát triển. Ảnh: TK
Những cam kết tạo động lực, niềm tin cho DN

Chính phủ nhiệm kỳ mới được kiện toàn trong bối cảnh đất nước còn nhiều thách thức như: hạn hán, ô nhiễm môi trường, DN gặp khó khăn, tăng trưởng kinh tế giảm so với cùng kỳ, kỷ cương, kỷ luật hành chính có nơi còn chưa nghiêm… Song không vì thế mà quyết tâm xây dựng một “Nhà nước kiến tạo, lấy DN làm đối tượng phục vụ” bị lung lay.

Quyết tâm trên liên tiếp được thể hiện trong những phát biểu, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ. Tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lai Châu ngày 23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh“không để tình trạng trên trải thảm đỏ nhưng dưới có đinh” trong môi trường đầu tư kinh doanh. Ngay sau đó, tại cuộc Đối thoại với DN ngày 29/4, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ thực hiện các nhóm giải pháp để kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện khuyến khích đầu tư đảm bảo thực thi pháp luật.

Chưa dừng lại ở đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 và tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chỉ đạo: Xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân; trong đó tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế. Đồng thời, Chính phủ phải chuyển từ phương thức quản lý theo mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ phục vụ, hướng tới DN và người dân, lấy sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo hiệu quả của Chính phủ và chính quyền các cấp. Trên tinh thần đó, tất cả các Nghị định về điều kiện kinh doanh phải nhanh chóng được ban hành, không để xuất hiện “khoảng trống pháp luật” sau ngày 01/7.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ, tại Hội nghị Đối thoại với DN ngày 29/4, các thành viên Chính phủ cũng đã bày tỏ quyết tâm tạo mọi động lực cho DN phát triển. Nhiều cam kết đã được người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các Bộ Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư… đưa ra như: giảm lãi suất, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho DN thực hiện thủ tục hành chính công, phấn đấu trước năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đạt và ngang bằng 3 nước hàng đầu ASEAN, giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới phương thức hỗ trợ DN. Giữa lúc DN vẫn đang phải đối mặt với bộn bề thách thức và rào cản, những cam kết trên đã phần nào gieo niềm tin, sự phấn khích đối với cộng đồng DN.

Chính phủ và các Bộ, ngành cùng vào cuộc

Chưa đầy 3 tháng được kiện toàn, Chính phủ mới đã ban hành 2 Nghị quyết quan trọng liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh gồm Nghị quyết 19/2016/NQ-CP (Nghị quyết 19) và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP (Nghị quyết 35). Đáng lưu ý, Nghị quyết 35 được các chuyên gia đánh giá là văn bản thể hiện sự đột phá về hỗ trợ và phát triển DN. Nghị quyết đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng từ phía cộng đồng DN, sự vào cuộc từ phía các Bộ, ngành. Minh chứng là ngay cuối tháng 5, NHNN đã đồng thời ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN, Thông tư 06/2016/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 35, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn. Thậm chí, không chờ đến khi cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản chỉ đạo này, trước đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam Đồng và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng tốt vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35 gồm 14 nhiệm vụ cụ thể và 34 giải pháp với trọng tâm là cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; giảm chi phí kinh doanh cho DN.

Để tháo gỡ những rào cản trong môi trường đầu tư, kinh doanh của DN, các Bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 5, trong số 49 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật DN, Luật Đầu tư cần phải ban hành, đã có 35 Nghị định trình Chính phủ. Trong số 14 Nghị định còn lại chưa trình, có 10 Dự thảo nghị định đã được thẩm định.

Rõ ràng, với những công việc đã và đang triển khai, Chính phủ cùng với các Bộ, ngành đã thể hiện tinh thần “kề vai sát cánh”, quyết tâm gỡ “đinh” dưới những “tấm thảm đỏ” thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để DN phát triển như lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

THÀNH ĐỨC